Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 1-5-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 1-5
Sự kiện trong nước
Ngày 1-5-1904: Ngày sinh của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 1-5-1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 47-SL về tổ chức Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy gồm: Bộ Tổng Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Tình báo, Văn phòng, Cục Quân huấn, Cục Thanh tra, Cục Dân quân.
Ngày 1-5-1947: Ngày thành lập Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị.
Cục Dân vận là cơ quan tham mưu giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị về công tác dân vận cấp chiến lược trong toàn quân.
Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Tổng cục Chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội, sự đùm bọc, chở che của nhân dân, Cục Dân vận đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị tiến hành công tác dân vận, góp phần hoàn thành tốt công tác Đảng, công tác chính trị và công tác dân vận của Đảng trong quân đội; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 |
Cục Dân vận đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống. |
Lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Cục Dân vận và ngành dân vận, binh-địch vận toàn quân đã phát huy truyền thống vẻ vang của quân đội, trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đoàn kết, chủ động, sáng tạo phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, viết nên trang sử truyền thống “Trung thành, sáng tạo, nhân nghĩa, đoàn kết, hiệp đồng, hy sinh, chiến thắng”, xứng đáng với danh hiệu cao quý đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.
Công tác dân vận đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính trị và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp (27-5-1957). Ảnh tư liệu
|
 |
Trong cuộc mít tinh mùa xuân và đón nhận Cờ luân lưu thi đua khá nhất, hàng vạn công nhân, cán bộ Quảng Ninh hứa với Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sức sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc (2-2-1965). Ảnh tư liệu |
Ngày 1-5-1951: Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi anh chị em cả nước đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc nhân Ngày Quốc tế Lao động.
Ngày 1-5-1959: Thành lập Trung đoàn 919, Trung đoàn Không quân Vận tải đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sự kiện quốc tế
Ngày 1-5-1886: Ngày Quốc tế Lao động. Ngày này, công nhân thành phố Chicago và các thành phố khác ở Mỹ xuống đường biểu tình đòi làm việc 8 giờ 1 ngày. Tuy các cuộc biểu tình bị cảnh sát đàn áp nặng nề làm hàng trăm người chết và bị thương nhưng cuối cùng giới chủ phải chấp nhận yêu sách của công nhân. Để ghi nhớ sự kiện này, ngày 1-5 hằng năm đã được chọn làm ngày biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân toàn thế giới.
Ngày 1-5-2004: 10 nước Trung và Đông Âu gia nhập mái nhà chung châu Âu - Liên minh EU (Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Síp, Slovakia, Slovenia).
Theo dấu chân Người
Ngày 1-5-1920, báo cáo của mật thám Pháp ghi nhận, Nguyễn Ái Quốc tham dự mít tinh kỷ niệm Ngày Lao động Quốc tế cùng Nhóm đảng viên Xã hội và tham luận trên diễn đàn đòi ngưng gửi người sang thuộc địa.
Ngày 1-5-1924, Nguyễn Ái Quốc có mặt trong Ngày Quốc tế Lao động diễn ra trên Hồng trường theo lời mời của Thành uỷ Moskva và Ban Thư ký của Quốc tế Cộng sản.
Ngày 1-5-1943, trên Báo Việt Nam Độc lập xuất bản tại Cao Bằng đăng bài “Kỷ niệm Trần Hưng Đạo” của Bác với lời kết: Chuyện Trần Hưng Đạo để lại cho ta một bài học: Muốn đánh quân xâm lấn nước ta cần 2 điều: Một là toàn dân đoàn kết, hai là khéo dùng lối du kích.
Ngày 1-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Ở nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5... Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là Ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới” .
 |
Ngày 1-5-1938, hơn 25.000 nhân dân Hà Nội đã tổ chức mít tinh, tuần hành kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động và đòi quyền tự do, dân chủ. Ảnh: TTXVN
|
 |
Thanh niên miền Bắc với phong trào thi đua “Ba sẵn sàng”, sản xuất giỏi, chiến đấu cừ vì độc lập tự do của Tổ quốc, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ảnh tư liệu.
|
Ngày 1-5-1948, Bác ra “Lời kêu gọi thi đua yêu nước”, trong đó có đoạn: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Đây là lời căn dặn của Bác trong bài nói tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1-5-1952, đăng trên Báo Nhân dân số 57, ngày 8-5-1952.
Trong bài nói chuyện, Bác đã nêu ra mục đích của việc thi đua là tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Bác cũng nêu ra tình hình thi đua, những ưu khuyết điểm trong quá trình thi đua, nội dung thi đua, cách thi đua, mức thi đua. Và Bác kết luận về ý nghĩa của việc thi đua: “Thế là thi đua tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ”.
 |
Hồ Chủ tịch với các đại biểu dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1-5-1952. Ảnh tư liệu
|
Sau khi chỉ ra thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực, Bác kết luận: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, tr.407)
Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Có thể thấy, quan điểm thi đua là yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng truyền thống của lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (30-12-1966). Ảnh tư liệu
|
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Đại hội Anh hùng và các chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (2-1-1967). Ảnh tư liệu
|
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn đại biểu Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (11-11-1965). Ảnh tư liệu
|
Người đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu. Ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, đem hết sức mình tham gia kháng chiến và kiến quốc thành công. Từ đó, phong trào thi đua đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng qua các thời kỳ, trong các tầng lớp nhân dân và các lực lượng vũ trang, với nhiều nội dung phong phú và hình thức sinh động, góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 |
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trò chuyện với các gương mặt trẻ tiêu biểu, gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2021 và các đại biểu. |
 |
Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tặng hoa chúc mừng các gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2018. Ảnh: TRỊNH PHÚ SƠN |
 |
Bộ đội giúp dân, góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân. |
Thực hiện lời Bác dạy, phong trào thi đua yêu nước đã được cụ thể hóa thành Phong trào Thi đua Quyết thắng trong quân đội, cổ vũ, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân hưởng ứng, góp phần thực hiện tốt các khâu đột phá, khắc phục khâu yếu, mặt yếu, khơi dậy ý thức tự lực tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” và phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Toàn quân xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên các lĩnh vực công tác, trực tiếp góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 14, ngày 1-5-1951 đăng Lời của Hồ Chủ tịch gửi lao động và đồng bào toàn quốc.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 4303, ngày 1-5-1973 đăng ảnh Bác Hồ thăm một công trình xây dựng cơ bản trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 4665, ngày 1-5-1974 đăng ảnh Bác Hồ thăm xưởng may quân nhu X10. Hồ Chủ tịch góp ý kiến về cách cắt may sao cho nhanh chóng, tiết kiệm.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5027, ngày 1-5-1975 đăng ảnh Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5390, ngày 1-5-1976 đăng ảnh Bác Hồ thăm Nhà máy dệt “8-3” vào năm 1965.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 1-5 các năm 1974, 1975, 1976 và 1985. |
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 1-5 các năm 1951, 1973, 1978, 1980 và 1990. |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 6097, ngày 1-5-1978 và số 10393, ngày 1-5-1990 đăng ảnh Bác Hồ đến thăm mỏ than Cẩm Phả năm 1959. Tại số báo 10393 có trích đăng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969): "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 6783, ngày 1-5-1980 đăng lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Muốn cho Tổ quốc giàu mạnh phải ra sức lao động, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 8591, ngày 1-5-1985 đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đoàn kết, nêu cao chí khí cách mạng, đấu tranh thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh tại Hội nghị Chính trị đặc biệt năm 1964.
TƯỜNG VY (tổng hợp)