Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 10-5-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 10-5
Sự kiện trong nước
Ngày 10-5-1947: Ngày truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Hà Giang.
Ngày 10-5-1975: Thành lập Nhà máy Z755, thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc. Nhà máy Z755 là doanh nghiệp quốc phòng-an ninh, đơn vị bảo đảm kỹ thuật thông tin cấp chiến lược. Nhà máy có nhiệm vụ sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hóa các loại trang bị thông tin liên lạc quân sự và sản xuất vật tư, phụ tùng đồng bộ cho các đơn vị trong toàn quân; đồng thời, tận dụng mọi nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 10-5-1994: Ngày truyền thống của Hải đoàn 38 thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Hải đoàn 38 được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Hải đội tàu Gríp trực thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng, có nhiệm vụ hoạt động độc lập và phối hợp với các lực lượng liên quan nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự vùng biển vịnh Bắc Bộ.
 |
Hải đoàn 38 tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 25 năm Ngày truyền thống (10-5-1994/10-5-2019). Ảnh: Thanhphohaiphong.gov.vn
|
Trong 28 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 38 luôn nêu cao ý chí kiên cường, dũng cảm, vượt qua mọi thử thách hiểm nguy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển, đảo của Tổ quốc, viết nên những trang sử truyền thống vẻ vang của đơn vị, truyền thống anh hùng của lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Ngày 10-5-1995: Thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Sự kiện quốc tế
Ngày 10-5-1981: Francois Mitterrand trở thành Tổng thống Pháp. Francois Mitterrand đã giữ kỷ lục là Tổng thống Pháp giữ nắm nhiệm sở lâu nhất (14 năm). Ông cũng là tổng thống già nhất của Pháp, rời nhiệm sở lúc 78 tuổi.
Theo dấu chân người
Ngày 10-5-1941, là ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Cộng sản Đông Dương dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc họp tại Pác Bó (Cao Bằng). Hội nghị này kéo dài tới 19-5-1941 đã đưa ra nhiều quyết sách cực kỳ quan trọng với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh và một cương lĩnh chính trị xác định nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng. Hội nghị cũng bầu đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng.
 |
Ngày 10-5-1941, là ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Pác Bó (Cao Bằng), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Ảnh: Thegioidisan.vn |
Ngày 10-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cảm ơn Hội nhi đồng Công giáo khu Thượng Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), đã gửi thư cho Người. Người khuyên các cháu: “Biết giữ kỷ luật/ Siêng học, siêng làm/ Yêu Chúa, yêu nước".
Ngày 10-5-1958, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với các vị lão thành tại Khu điều dưỡng và an dưỡng cán bộ miền Nam ra miền Bắc tập kết. Bác chia sẻ tình cảm: “Cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc tập kết, hẳn ai cũng nhớ tới quê hương. Tình cảm ấy rất chính đáng. Nhưng mỗi người chúng ta có hai gia đình: Gia đình riêng, nhỏ, và đại gia đình là Tổ quốc. Cuộc đấu tranh giành thống nhất đất nước hiện nay của đồng bào miền Nam và miền Bắc cũng là để cho gia đình chúng ta sum họp”.
Cùng ngày, Bác tham gia tiếp xúc cử tri Hà Nội tại Nhà hát Nhân dân (Hà Nội) và trả lời nhiều câu hỏi của đồng bào. Về chính sách “thắt lưng buộc bụng”, Bác nói: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như làm ruộng. Trước phải khó nhọc cày bừa, chân bùn tay lấm, làm cho lúa tốt, thì mới có gạo ăn...”; về “thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội là mấy năm?”, Bác trả lời: “Trước kia cũng có người hỏi: Trường kỳ kháng chiến là mấy năm? Đảng và Chính phủ đã trả lời: Trường kỳ có thể là 5 năm, 10 năm hoặc 15 năm. Chúng ta đoàn kết quyết tâm kháng chiến, đến chín năm ta đã thắng lợi... Việt Nam ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, công cuộc đổi xã hội cũ thành xã hội mới gian nan, phức tạp hơn việc đánh giặc... Nếu nhân dân ta mọi người cố gắng, phấn khởi thi đua xây dựng, thì thời kỳ quá độ có thể rút ngắn hơn.”
 |
Ngày 20-5-1957, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô Vorosilop dẫn đầu thăm Việt Nam. Ảnh: Hochiminh.vn |
Cùng ngày, Người gửi điện chúc mừng Chủ tịch Leonid Ilyich Brezhnev, nhân dịp ông được bầu giữ chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô và điện mừng ông K.E. Vorosilop nhân dịp ông được Nhà nước Liên Xô tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa, Huân chương Lênin và Huân chương vàng “Búa liềm”.
Ngày 10-5-1961, báo “Nhân Dân” bắt đầu công bố (trong 12 số liên tục) tài liệu “Vừa đi đường vừa kể chuyện” với bút danh “T.Lan” đưa ra những tư liệu liên quan đến cuộc đời và hoạt động của Bác từ những năm 20 thế kỷ XX cho đến khi trở về Tổ quốc (1941). Cuối loạt bài có lời kết luận “Chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thực hiện khắp thế giới: Điều đó cũng rõ rệt và chắc chắn như mặt trời mọc từ phương Đông”.
Ngày 10-5-1965, Bác Hồ bắt đầu khởi thảo tài liệu được ghi chú “Tuyệt đối bí mật”. Đó là Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ đó, mỗi năm, vào khoảng thời gian trước sinh nhật, văn kiện này được Bác đem ra xem lại và hoàn thiện như một sự chủ động chuẩn bị một cách thanh thản và cẩn trọng.
(Theo Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa”; “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử” và “Hồ Chí Minh toàn tập - 2011”, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Trước lúc đi xa, trong “Di chúc” để lại, thế hệ trẻ là một trong những đối tượng quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chú trọng. Người đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Bản Di chúc đã được đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam công bố tại lễ tang của Người năm 1969. Trên Di chúc có đề ngày là ngày 10-5-1969.
 |
Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày tại Thư viện Quốc gia - Ảnh: Tuoitre.vn |
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên kế tục sự nghiệp cách mạng. Đó không chỉ là lực lượng trực tiếp gánh vác và giải quyết những nhiệm vụ hiện tại, mà còn là đội ngũ kế cận, nguồn bổ sung năng lực để kế thừa và tiếp tục phát triển sự nghiệp của các thế hệ đi trước.
Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng ta luôn quan tâm giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ cách mạng cho đời sau, nhất là thế hệ trẻ; coi trọng giáo dục, rèn luyện toàn diện về mọi mặt, chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho thế hệ trẻ, tạo điều kiện để thế hệ trẻ nâng cao trình độ, ổn định cuộc sống, nghề nghiệp và tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
Thấm nhuần và thực hiện những tư tưởng đúng đắn, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều thế hệ cách mạng đã nhanh chóng trưởng thành, đóng góp công lao to lớn vào sự phát triển của dân tộc. Họ đã chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đi lên chủ nghĩa xã hội; tích cực tham gia "xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn".
 |
Hình ảnh Bác Hồ với thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
|
Thấm nhuần lời căn dặn của Người, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn quan tâm chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác tốt, tác phong làm việc khoa học, gương mẫu; có số lượng và cơ cấu hợp lý, cân đối và đồng bộ; thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ, bảo đảm kế thừa, liên tục vững chắc trong quá trình chuyển tiếp các thế hệ cán bộ… đã trực tiếp góp phần quan trọng vào kết quả lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 733 ra ngày 10-5-1960.
|
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 733 ra ngày 10-5-1960 đăng bức ảnh “Các cử tri tổ bầu cử 52 (khu Trúc Bạch, đơn vị 1, Hà Nội) nhiệt liệt hoan nghênh Hồ Chủ tịch đến bỏ phiếu” . Ngoài ra, còn có nội dung Tổng cục Chính trị kêu gọi các đơn vị mở đợt thi đua đột kích để lập công mừng thọ Hồ Chủ tịch.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1044 ra ngày 10-5-1962.
|
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1044 ra ngày 10-5-1962 đăng trang trọng bức ảnh “Hồ Chủ tịch, Phó chủ tịch Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước chụp ảnh chung với các anh hùng, chiến sĩ thi đua quân đội và dân quân, tự vệ tại Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba”.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2499 ra ngày 10-5-1968. |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2499 ra ngày 10-5-1968 đăng trang trọng bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các vị trong Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong thư Người khẳng định: “Đồng bào miền Nam nhất định sẽ được giải phóng. Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ hoàn toàn độc lập, tự do, nhất định sẽ hòa bình thống nhất!” Ngoài ra, trang nhất còn đăng bài xã luận với tiêu đề “Lời Hồ Chủ tịch là ý chí của toàn dân: Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3222 ra ngày 10-5-1970. |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3222 ra ngày 10-5-1970 đăng trang trọng bức ảnh “Hồ Chủ tịch trên đường công tác” (Chiến khu Việt Bắc, năm 1947), cùng lời trích trong Di chúc của Người: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể còn phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.”
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3584 ra ngày 10-5-1971.
|
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3584 ra ngày 10-5-1971 đăng trang trọng lời trích trong Di chúc của Người: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là một điều chắc chắn.”
ĐẶNG LOAN (tổng hợp)