Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 6-10
Sự kiện trong nước
6-10-1292: Ngày sinh nhà giáo, nhà thơ Chu Văn An. Ông đỗ Thái học sinh. Đời Trần Minh Tông, Chu Văn An làm việc ở Quốc Tử Giám, phụ trách việc giảng kinh cho Thái tử và biên soạn sách. Đời Trần Dụ Tông, Chu Văn An đang làm quan tại triều đình, thấy chính sự bại hoại, ông đã viết Thất trảm sớ xin chém đầu 7 gian thần. Vua không nghe, ông bèn từ quan, về ở ẩn tại huyện Chí Linh (Hải Dương). Từ đó ông chỉ làm thơ văn và dạy học. Sau khi mất, ông được đưa vào thờ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Chu Văn An, Hàn Thuyên, và Nguyễn Sĩ Cố là những người đầu tiên dùng chữ Nôm để sáng tác văn học.
 |
Nhà giáo Chu Văn An được thờ ở Nhà Thái học tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: TTXVN |
6-10-1907: Ngày sinh Thế Lữ, người sớm có mặt trong Tự lực văn đoàn và nổi tiếng với bài thơ Nhớ rừng. Ông cũng là một trong những người mở đầu phong trào Thơ mới 1930-1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông phụ trách Đoàn kịch Chiến Thắng của quân đội. Trên cả hai lĩnh vực thơ và kịch, Thế Lữ đều có những đóng góp mang tính chất mở đầu. Ông được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
6-10-1955: Ngày mất Trần Đăng Ninh, nhà hoạt động cách mạng và quân sự, chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) Quân đội nhân dân Việt Nam (1950-1955). Sau khi ông qua đời, Nhà nước đã truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho ông để ghi nhận những đóng góp của ông trong cuộc kháng chiến chống Pháp và trong việc củng cố chính quyền dân chủ nhân dân.
 |
Tổng Quân ủy họp bàn kế hoạch tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu tháng 1-1954. Từ trái sang, các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Trần Đăng Ninh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
|
6-10-1984, Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Thủ đô Hà Nội Huân chương Sao Vàng, tặng thưởng lực lượng vũ trang Thủ đô Huân chương Hồ Chí Minh, tặng thưởng lực lượng công an nhân dân Thủ đô Huân chương Hồ Chí Minh vì những đóng góp của nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô trong công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
(Sách Ngày này năm xưa, Nhà xuất bản Lao động, 1998)
Sự kiện quốc tế
6-10-1977: Mẫu thử nghiệm của dòng máy bay tiêm kích phản lực thế hệ thứ tư Mikoyan MiG-29 của Liên Xô/Nga tiến hành chuyến bay đầu tiên.
6-10-1995: Hai nhà thiên văn người Thụy Sĩ Michel Mayor và Didier Queloz công bố đã phát hiện hành tinh giống Sao Mộc được đặt tên là 51 Pegasi b - hành tinh đầu tiên ngoài hệ mặt trời được chứng minh là có quỹ đạo quay quanh một ngôi sao cùng loại với mặt trời. Với phát hiện này, họ đã giành giải Nobel Vật lý năm 2019.
 |
Hành tinh 51 Pegasi b - hành tinh đầu tiên ngoài hệ mặt trời được chứng minh là có quỹ đạo quay quanh một ngôi sao cùng loại với mặt trời. Ảnh: exoplanets
|
6-10-2007: Nhà thám hiểm người Anh Jason Lewis kết thúc hành trình vòng quanh thế giới dài 13 năm sau khi quay lại điểm xuất phát ở Greenwich (Anh). Điều đáng nói là Lewis không sử dụng bất cứ phương tiện giao thông hiện đại nào mà chỉ sử dụng sức người trong suốt hành trình như: đạp xe, chèo thuyền, đi bộ.
Theo dấu chân Người
Ngày 6-10-1950, Bác gửi điện tới các chiến sĩ Mặt trận Cao - Bắc - Lạng sau khi Đông Khê được giải phóng với lời cổ vũ: “Hiện nay tình hình rất có lợi cho ta. Vậy các chiến sĩ phải quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết để giành lấy toàn thắng. Bác theo dõi cuộc chiến đấu anh dũng của các chú từng giờ. Bác sẽ có giải thưởng đặc biệt cho những bộ đội và chiến sĩ nào lập chiến công nhiều nhất”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Báo Cứu quốc, số 61 ngày 8-10-1945 đăng bài Bác Hồ “nói chuyện với đại biểu các báo chí về nội trị, ngoại giao nước nhà trong những ngày vừa qua”. Trong buổi nói chuyện này, về nội trị, người đứng đầu Nhà nước ta xác nhận: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa lâm thời là công bộc của dân”, đồng thời nhấn mạnh: “Nước ta đã là một nước Dân chủ Cộng hòa, chính quyền đã ở trong tay dân, nhân dân hoan nghênh người có tài, có đức gánh vác cho dân được thì người đó đảm nhận trách nhiệm”.
Theo Bác, “Làm việc nước hay làm việc gì khác, người ta thường muốn có một chút danh hay một chút lợi về phần mình. Nhưng, anh em trong Chính phủ lâm thời hiện nay, như quốc dân đã biết, ra gánh vác việc nước, không ai mong danh hay chuộng lợi. Muốn cho danh chính, lợi chính, thì Danh, làm sao cho dân tộc mình có danh với thế giới, và Lợi, làm thế nào cho tranh được lợi với thế giới”. (Sách Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 4, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật 2011, tr47)
 |
|
Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhưng đất nước còn non trẻ ấy trong những năm tháng đầu sau ngày độc lập đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và thách thức. Đất nước phải đối phó cùng một lúc 3 thứ giặc, đó là giặc đói, giặc dốt, và giặc ngoại xâm. Trong khi đó, chính quyền mới thành lập chưa được củng cố, lực lượng vũ trang còn non trẻ. Cùng với sự tồn tại của những tàn dư của xã hội cũ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gây cản trở cho sự phát triển của đất nước, hiện tượng một số ít cán bộ ham muốn danh, lợi chưa thật sự tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân... Trước tình hình khẩn trương đó mà Bác đã phải đưa ra ngay những chấn chỉnh đối với tư tưởng hám danh-lợi bất chính của một số cán bộ.
Ngoài nhấn mạnh vấn đề “Danh” và “Lợi” tại buổi nói chuyện với đại biểu các báo chí kể trên, trong suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, bài nói giải thích về “Danh” và “Lợi” cho cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành để họ hiểu đúng và hành động đúng. Theo Người, “Danh” nghĩa là phải làm tròn bất kỳ nhiệm vụ nào nhân dân giao phó thì đều là danh dự, là vẻ vang, là anh hùng, nếu phải hy sinh tính mạng thì tiếng thơm lưu truyền mãi mãi. Bác cũng thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên “Việc gì có lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.
Ý nghĩa trong lời dạy “Danh” và “Lợi” của Bác chính là phải đặt vị thế quốc gia, lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Vị thế quốc gia, lợi ích dân tộc đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước, và giữ nước của dân tộc ta.
 |
Việt Nam từng chỉ được biết đến với hai từ "chiến tranh" |
Trong khi vị thế quốc gia là uy tín, là sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế về độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với nước ta thì lợi ích dân tộc bao hàm tất cả những điều kiện cho sự trường tồn và phát triển của một đất nước và bao gồm hai nhóm: các lợi ích sống còn, đó là chủ quyền, lãnh thổ, hòa bình và an ninh và các lợi ích để phát triển về mọi mặt cho đất nước. Trong quá khứ, vị thế quốc gia, lợi ích dân tộc là độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ. Khi ấy, cả dân tộc ta cùng đồng lòng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang, bảo vệ đất nước. Còn ngày nay, vị thế quốc gia, lợi ích dân tộc là sự kết hợp có tính chất biện chứng giữa xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ với phát triển đất nước một cách toàn diện theo hướng làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng tốt đẹp hơn, đồng thời không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh, uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Thực tế đã chứng minh, từ một quốc gia nhỏ bé chỉ được biết đến với hai từ “chiến tranh”, Việt Nam đã dần lớn mạnh, đang trên đà phát triển, được bạn bè quốc tế coi trọng và tin tưởng, vị thế đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế, đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho dân tộc.
Hơn 30 năm qua kể từ khi đổi mới, Việt Nam đã tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế, khu vực. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, Đảng ta đã đề ra chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, chủ động trong quan hệ quốc tế và sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Những đường lối đối ngoại của Đảng chính là sự cụ thể hóa từ lời dạy của Bác về vị thế quốc gia, lợi ích dân tộc và đã đem lại nhiều thành tựu to lớn trong quan hệ cả song phương và đa phương.
 |
Các nước chúc mừng Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Lê Hoài Trung sau khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)
|
Về song phương, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia trên thế giới, trong đó thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 quốc gia. Những quan hệ song phương với các nước không những thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế thông qua các hiệp định song phương FTA, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh cho đất nước. Trong khi đó, ngoại giao đa phương cũng ghi đậm dấu ấn trong những năm qua, giúp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế nâng cao, hình ảnh của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế ngày càng đẹp hơn. Với chủ trương chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong các diễn đàn đa phương, Việt Nam đang nổi lên như một lãnh đạo trong Cộng đồng ASEAN. Giờ đây chúng ta không chỉ đơn giản là tham dự mà còn tích cực đưa ra sáng kiến khả thi, tham gia vào việc hoạch định chính sách, định hình luật chơi của các diễn đàn, tổ chức khu vực, quốc tế. Chỉ trong thời gian chưa đầy 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã 2 lần được bầu vào ghế ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), trong đó chúng ta đã nhận được số phiếu bầu cao nhất trong lịch sử LHQ cho nhiệm kỳ 2020-2021. Trong nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh thế giới, những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia lực lượng hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Việt Nam còn cử cán bộ tham gia vào các vị trí của cơ quan điều phối hoạt động gìn giữ hòa bình tại Trụ sở LHQ. Những kết quả ấn tượng này của Việt Nam chính là sự vận dụng thành công quan điểm “đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết” của Bác.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 6-10-1969 đăng bức ảnh “Trên đường công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng lại làm việc tại một địa điểm ở Cao - Bắc - Lạng, năm 1950”. Bức ảnh được Viện Bảo tàng quân đội (nay là Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) lưu giữ.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 6-10-1980 đăng bức ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bia kỷ niệm vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi tại chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Hưng (1965)”.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 6-10-1969 và 6-10-1980
|
MAI HƯƠNG