Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên. Ngày 3-10-1960, trong chuyến thăm lớp bổ túc văn hóa tại trường Trần Nhật Duật và Yên Thành ở Hà Nội, Bác động viên đội ngũ giáo viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng bài giảng.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 3-10

Sự kiện trong nước

Ngày 3-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41 về việc bãi bỏ các công sở và các cơ quan thuộc phủ Toàn quyền Đông Dương trước đây.

leftcenterrightdel
Ngành Địa chất Việt Nam đã lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Ảnh: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam 

Ngày 3-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh đặt Nha Tổng thanh tra kỹ nghệ và khoáng chất trong Bộ Quốc dân kinh tế. Sau 9 năm Kháng chiến chống Pháp, từ năm 1955, ngành địa chất Việt Nam bắt đầu hoạt động thực sự mang tính hệ thống chuyên ngành.

(Theo Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1821/QĐ-TTg lấy ngày 3-10 hằng năm là “Ngày truyền thống ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam”. (Theo Báo Chính phủ)

Sự kiện quốc tế

Ngày 3-10-1945, Liên hiệp Công đoàn thế giới (WFTU) được thành lập với mục đích: Hướng đến việc xác lập trật tự thế giới, trong đó loại bỏ bất bình đẳng về xã hội và bất kỳ hình thức nào bóc lột con người.

Liên hiệp Công đoàn thế giới đã tham gia hoạt động trong một số tổ chức của Liên hợp quốc như: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO)...

(Theo Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

leftcenterrightdel
Topol-M, một loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga.  

Ngày 3-10-1942, tên lửa đạn đạo V-2, tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới, được phóng thử thành công từ đảo Peenemunde của Đức. Tên lửa V-2 do Đức chế tạo dài 14m, đường kính 1,65m, khối lượng phóng 12,7 tấn, mang đầu đạn 800kg, có thể đạt vận tốc lớn nhất 1.700m/s ở độ cao 96km và có tầm bắn 270-320km. Việc phóng thành công tên lửa V-2 là dấu mốc cho khả năng phát triển tên lửa đạn đạo và hướng phát triển khoa học vũ trụ.

(Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, 2009)

Theo dấu chân Người

Ngày 3-10-1922, Nguyễn Ái Quốc dự họp Ban biên tập báo “Le Paria” (Người Cùng Khổ) kiểm điểm tình hình tài chính đang gặp khó khăn và phân công việc trực ban để tiếp bạn đọc, số đông là người dân thuộc địa.

Ngày 3-10-1923, tại Mát-xcơ-va, Nguyễn Ái Quốc gặp Tưởng Giới Thạch và Trương Thái Lôi, đại diện cho Trung Hoa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc đang hợp tác chống Nhật cùng dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc sang Liên Xô làm việc.

Ngày 3-10-1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác tiếp tục chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ, tiếp đó, cùng toàn thể Chính phủ đón tiếp đoàn đại biểu từ Nam bộ do đồng chí Phạm Hùng dẫn đầu ra Bắc.

leftcenterrightdel
Phong trào Bình dân học vụ. Ảnh: Giaoducthoidai.vn 

Ngày 3-10-1955, Bác viết bài “Tổng tuyển cử ở Nam Dương (Indonesia)” với bút danh C.B. đăng trên Báo Nhân dân, số 579. Bài viết là lời chúc mừng nước bạn và mong cho nước bạn sẽ bầu ra được một quốc hội xứng đáng với một dân tộc to lớn có nhiều ảnh hưởng tới châu Á và thế giới.

Ngày 3-10-1960, Bác viết bài “Một thắng lợi vẻ vang” đăng trên Báo Nhân dân số 2389, khích lệ tinh thần đội ngũ giáo viên và học sinh trong công cuộc xóa mù chữ và bổ túc văn hóa toàn quốc. Người nhấn mạnh chúng ta đã đạt được “thắng lợi bước đầu rất vẻ vang trên mặt trận văn hoá…”“…Chúng ta có quyền tự hào, nhưng chúng ta không được tự mãn”. Người cũng động viên người dạy và người học tiếp tục khắc phục khó khăn, cố gắng nhiều hơn nữa, đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hoá rộng khắp, để thu nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.

(Theo Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 3-10-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm các lớp bổ túc văn hóa tại hai trường Trần Nhật Duật và Yên Thành (Hà Nội). Người thăm hỏi tình hình học tập của học sinh và nhắc nhở anh chị em giáo viên phải thường xuyên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy để nâng cao chất lượng bài giảng và căn dặn cán bộ lãnh đạo nhà trường phải năng đi sát các lớp học để giúp cho việc dạy và học ngày một tốt hơn.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia, 2010)

Năm 1945, ngay sau khi Việt Nam giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, trong đó có việc diệt giặc dốt. Người đặt việc diệt giặc dốt ở vị trí quan trọng thứ hai, sau giặc đói. Đó là bởi khi đói thì con người không thể làm việc được, nhưng khi có cái ăn cái mặc rồi mà dốt thì cũng sẽ chẳng làm được việc gì hiệu quả. Diệt giặc ngoại xâm là một nhiệm vụ quan trọng, nhưng đánh giặc cũng phải có kiến thức. Do vậy, ngay từ buổi sơ khai thành lập nước, Người đã luôn coi trọng và đặc biệt nhấn mạnh công tác giáo dục.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương, Hà Nội (1961). Ảnh: hochiminh.vn 

Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu và luôn căn dặn đội ngũ cán bộ chăm lo cho công tác chiến lược này. Kết quả là chỉ sau khi nắm chính quyền ít ngày, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ (ngày 6-9-1945) để cấp tốc xoá nạn mù chữ trong nhân dân. Trong khi đất nước còn đang phải tổ chức kháng chiến chống lại thực dân Pháp, thì Trung ương Đảng và Chính phủ đã thành lập Khu học xá Trung ương đặt tại Nam Ninh, là nơi đào tạo hàng nghìn cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Các lớp học sơ tán thời chiến không khi nào ngừng đỏ đèn ở khắp các địa phương trong suốt hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Kết quả là chúng ta đã sớm đạt được tỷ lệ cao trong công tác xóa mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho người dân ở các địa phương trên khắp cả nước.

Trong bài báo có tiêu đề “Chống nạn thất học” đăng trên báo Cứu quốc số 58 (1945), nhân danh Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí... Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ...”. Bài báo cho thấy sự quan tâm sát sao của người đứng đầu nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ đối với sự nghiệp trồng người.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5” tại Hà Nội (1963). Ảnh: hochiminh.vn  

Nói về giáo dục, cố Tổng thống Nam Phi, anh hùng đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Nelson Mandela nhấn mạnh: “Giáo dục là thứ vũ khí mạnh mẽ nhất bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới”. Nhưng thành tố quan trọng then chốt trong giáo dục là đội ngũ giảng dạy thì Nelson Mandela chưa đề cập đến. Với đội ngũ giáo viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Trên thực tế, đội ngũ giảng dạy là những người quyết định tới chất lượng giáo dục. Do đó, Người luôn nhắc nhở, căn dặn anh chị em giáo viên, đội ngũ giảng dạy phải không ngừng học hỏi từ kinh nghiệm của lẫn nhau để nâng cao chất lượng bài giảng. Đây chính là một phần trong tư tưởng “Học tập suốt đời” của Người. Trên thực tế, dù ở ngành nào, nghề nào thì cũng cần phải không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn, ngay cả khi đã là giáo viên, giảng viên. Theo nhà toán học người Mỹ Richard Hamming (1915-1998), cứ 17 năm thì lượng tri thức loài người lại tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của công nghệ như hiện nay, đặc biệt là trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lượng tri thức loài người tăng lên như vũ bão và quy luật này không còn đúng nữa. Do vậy, việc học tập nghiêm túc và học tập không ngừng là đòi hỏi đặc biệt trong xã hội hiện đại nói chung và đối với đội ngũ giảng dạy nói riêng.

Đội ngũ giảng dạy là người quyết định tới chất lượng giáo dục nên đội ngũ này càng cần phải không ngừng đổi mới, thường xuyên sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến và giữ lửa đam mê với nghề. Chỉ có như vậy thì ngành giáo dục mới có thể đào tạo ra được lực lượng lao động chất lượng cao cho nền kinh tế và những cán bộ có trình độ để phát triển đất nước.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 3-10-1965, Báo Quân đội nhân dân đăng bài “Trận này chỉ cho đánh thắng” nhân dịp kỷ niệm 15 năm Chiến dịch Biên giới (10-1950). Bài báo thuật lại lời căn dặn của Bác Hồ đối với các lực lượng tham gia Chiến dịch Biên giới và trích nguyên văn thư Bác gửi 15 năm trước:

“…Các chú không quản nhọc mệt, đói rét, chỉ ra sức thi đua giết địch, các chú đã đánh tan đoàn quân tinh nhuệ của địch. Các chú đã hoàn thành 7 phần 10 cuộc thử thách một cách dũng cảm. Các chú cố gắng mà tiêu diệt nốt binh đoàn Sác-tông nhé”.

leftcenterrightdel
Bài “Trận này chỉ cho đánh thắng” trên Báo Quân đội nhân dân ra ngày 3-10-1965.

Lời Bác thân mật, thắm tình cha con, đã nâng cao nhuệ khí cho bộ đội, nâng cao tinh thần, tạo nên sức mạnh phi thường. Kết quả là, bộ đội ta đã thực hành linh hoạt chiến thuật vận động chiến, tiêu diệt hoàn toàn 2 binh đoàn Charton (Charton) và Lơ-pa-giơ (Le Page) của Pháp.

Ngày 3-10-1966, Báo Quân đội nhân dân đăng tin Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng bằng khen cho Tiểu đội 9 (nữ) thuộc Đại đội 814 thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước do đã có thành tích xuất sắc trong lao động và học tập văn hóa, dũng cảm vượt mọi khó khăn, luôn bám chắc cầu đường, dũng cảm lao động và mưu trí khắc phục giao thông nhanh chóng, bảo đảm kế hoạch xây dựng công trình. Tiểu đội 9 có nhiệm vụ giữ gìn mạch máu giao thông trên một tuyến đường ở Khu 4 (cũ).

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 3-10-1966 và 3-10-1969. 

Ngày 3-10-1969, Báo Quân đội nhân dân trang trọng đăng trên trang nhất hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và lãnh đạo Mặt trận dân tộc thống nhất, và trích lời nói của Người về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân:

Lịch sử trong những năm qua đã tỏ rõ lực lượng đoàn kết của nhân dân ta là vô địch, và Mặt trận dân tộc thống nhất đã nhiều lần thắng lợi.

…Chúng ta có thể tin chắc rằng: Với sự cố gắng của mọi người và sự ủng hộ của toàn dân, Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

leftcenterrightdel
 

HỮU DƯƠNG