Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 2-10
Sự kiện trong nước
Ngày 2-10-1936, tuyến đường sắt xuyên Đông Dương chính thức khánh thành. Tuyến đường sắt này bắt đầu được khởi công xây dựng năm 1898. Ngày 1-10-1936, mối đường ray cuối cùng nối liền tuyến đường xe lửa xuyên Đông Dương đã được đặt, để một ngày sau, chuyến tàu hỏa đầu tiên xuất phát từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh.
 |
Tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh dài hơn 1.700 km. Ảnh: Báo Giao thông |
Ngày 2-10-1980, Đặng Thái Sơn vượt qua 150 nghệ sĩ từ 36 nước tham dự và đoạt giải nhất Cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ 10 tổ chức tại Ba Lan.
Ngày 2-10-1996, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1271-TTg lấy ngày 02-10 là Ngày Khuyến học Việt Nam với mục đích “khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.
Sự kiện quốc tế
Ngày 2-10-1942, Gandhi tuyệt thực để phản đối hành động đàn áp của thực dân Anh tại Ấn Độ. Đảng Quốc đại do Gandhi và Nehru lãnh đạo đối lập với Chính phủ Anh, đưa ra yêu sách: Tổ chức ngay một chính phủ dân tộc Ấn Độ, động viên các lực lượng nhân dân đấu tranh chống xâm lược, hợp tác tích cực với các lực lượng chống phát-xít. Anh không chấp nhận. Đại hội thông qua nghị quyết ngày 18-7-1942 đòi xoá bỏ sự thống trị của Anh ở Ấn Độ và kêu gọi tổ chức một chiến dịch quần chúng. Đáp lại, thực dân Anh đàn áp và bắt giữ hai nhà lãnh đạo vào ngày 9-8-1942.
 |
Hồng quân Liên Xô vận hành trọng pháo trong trận chiến chống lại 51 sư đoàn quân Đức của Hít-le năm 1941. Ảnh: Thời báo Mát-xcơ-va |
Ngày 2-10-1941, đưa 51 sư đoàn bao vây Mát-xcơ-va, Hít-le tuyên bố sẽ duyệt binh tại Thủ đô Liên Xô vào ngày 7-11 (ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười). Song đến ngày ấy, Hít-le và quân đội Đức đã bị đánh lui. Quân và dân Mát-xcơ-va thắng trận vang đội.
Ngày 2-10-1952, Hội nghị hòa bình châu Á và Thái Bình Dương khai mạc tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân các nước châu Á và Thái Bình Dương, đẩy mạnh phong trào bảo vệ hòa bình ở khu vực, đề cao độc lập dân tộc, bảo vệ hòa bình. Hội nghị đòi chấm dứt chiến tranh ở Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaixia...
(Theo Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)
Theo dấu chân Người
Ngày 2-10-1928, Nguyễn Ái Quốc gửi bài “Chủ nghĩa tư bản Đế quốc Pháp ở Đông Dương” tới tạp chí Thư tín quốc tế. Bài viết đưa ra một bức tranh sinh động về tình hình Đông Dương dưới sự cai trị của Đế quốc Pháp, trong đó có những thông tin quan trọng như tình hình kinh tế, tích lũy tư bản, lợi nhuận của các hãng buôn thuộc địa, công nghiệp hóa thuộc địa, chiếm đoạt ruộng đất, độc quyền tư bản và hoạt động kinh doanh, đầu sỏ tài chính, đối kháng thực dân, sự bóc lột người An Nam và vô sản hóa, lao động khổ sai người bản xứ…
 |
Bác Hồ thăm Trường Nhi đồng miền Nam tại Hải Phòng. Ảnh: hochiminh.vn |
Ngày 2-10-1950, Báo Sự thật số 143 đăng toàn văn bức thư Bác Hồ gửi tới các cháu nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Trung thu. Trong thư, Bác động viên các cháu nhi đồng học tập tiến bộ, tinh thần hăng hái vui vẻ vì biết rằng quân giặc không thể ăn cướp ông trăng Trung thu và hẹn cùng các cháu nhi đồng toàn quốc tổ chức những cái Tết Trung thu sướng vui khi đất nước sạch bóng quân thù.
Ngày 2-10-1964, Báo Nhân dân số 3837 đăng thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị đại biểu hội Phật giáo thống nhất Việt Nam. Qua thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời hỏi tham các vị đại biểu và toàn thể tăng ni, tín đồ Phật giáo; động viên lực lượng tôn giáo tiếp tục góp công, góp sức cùng toàn dân xây dựng miền Bắc giàu mạnh và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
(Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Tại Hội nghị Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam ngày 02-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm:
“…Địch công thành, ta công tâm, phải lấy được lòng dân. Tổ chức du kích cho đều, dễ hoạt động, giúp được dân mà phân tán địch. Đồng thời, ta phải có một vài cú đấm, đánh rồi ta luồn đi. Ta không để lộ lực lượng, phải tự lực cánh sinh, hoạt động dẻo dai...”.
(Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia, 2010)
 |
Bác Hồ gặp mặt các đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm thủ đô Hà Nội (năm 1963). Ảnh: hochiminh.vn |
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng về Tổ quốc và nhân dân. Người từng nói “Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được. Trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi” hay “Khi vui trời cũng chiều người. Lòng dân đã muốn, thì trời phải theo” . Người luôn nhấn mạnh quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, quyết định sự phát triển của lịch sử, và chú trọng nhắc nhở đội ngũ cán bộ phải “lấy được lòng dân”, phải kính trọng dân, không được ra oai, không được sa vào cái bẫy “làm quan cách mạng”. Lịch sử phát triển loài ngoài nói chung cũng như lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của Việt Nam nói riêng cho thấy, ở những thời khắc quan trọng sẽ xuất hiện những cá nhân kiệt xuất dẫn dắt quần chúng. Tuy nhiên, lịch sử cũng đã đúc kết rằng “Thời thế tạo anh hùng”, và quần chúng mới là người xoay vần thời thế.
Simon Bolivar là người lãnh đạo các cuộc cách mạng tháo bỏ xiềng xích của Tây Ban Nha ở các quốc gia Nam Mỹ. Được mệnh danh là “người giải phóng”, ông là một cá nhân kiệt xuất, xuất hiện vào thời khắc lịch sử mà quần chúng đòi hỏi phải có một sự lãnh đạo, dẫn dắt tập trung để hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Tây Ban Nha ở thế kỷ 19. Sự đồng lòng đứng lên của quần chúng nhân dân ở những thuộc địa dưới sự cai trị hà khắc của nhà vua Tây Ban Nha là điều kiện quan trọng để tiến hành những cuộc nổi dậy. Simon Bolivar là người thực hiện những cuộc nổi dậy đó và đã giải phóng cho người dân 6 nước: Venezuela, Colombia, Panama, Ecuador, Peru, và Bolivia. Tuy nhiên, khi đã thành công ở giai đoạn giải phóng các thuộc địa Nam Mỹ, Simon Bolivar lại không thể thiết lập được chế độ chính trị mình mong muốn, bởi không có được sự đồng thuận của nhân dân ở đây.
Ở Việt Nam, thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khẳng định sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân - người làm nên lịch sử. Trong Kháng chiến chống Pháp, khi toàn dân thống nhất một lòng với Đảng, Chính phủ đánh giặc thì người dân sẵn sàng phá nhà làm tiêu thổ kháng chiến, không quản khó khăn tải lương vào trận địa Điện Biên… Trong Kháng chiến chống Mỹ, tư tưởng “phải lấy được lòng dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng chứng minh rõ giá trị thực tiễn. Nhờ xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc mà những “chiến tranh cục bộ”, “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đều phá sản; kế hoạch di dân vào ấp chiến lược của Ngụy cũng không thể thành công. Ngược lại, Mỹ-Ngụy dẫu có nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, tiền của dồi dào cũng không thể thắng trận khi không có được lòng dân. Sau khi thống nhất đất nước, “thế trận lòng dân” tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân chăm lo xây dựng và củng cố vững chắc. Nhân dân đồng lòng cùng cả hệ thống chính trị đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại nhiều âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của các thế lực thù địch, bảo vệ độc lập, chủ quyền, đảm bảo an ninh chính trị vững chắc tạo điều kiện cho đất nước phát triển.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Trở lại với đại dịch Covid-19, ngay từ khi dịch khởi phát, người dân đã đồng lòng cùng Chính phủ ngăn chặn dịch bằng chiến dịch truy vết. Ngay cả khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đối mặt với biến chủng Delta hết sức nguy hiểm, toàn dân, toàn quân cùng chung tay huy động sức người, sức của để tiếp sức cho vùng dịch. Đối mặt với diễn biến phức tạp trong năm 2021, người dân Việt Nam lại hưởng ứng thực hiện chiến lược vaccine, tích cực đóng góp, tạo nên một Quỹ vaccine phòng Covid-19 lên tới gần 9.000 tỷ. Chỉ tính riêng Hà Nội, trong một thời ngắn, thành phố đã tiêm phủ mũi 1 cho hơn 80% người dân 18 tuổi trở lên. Với tiến độ đó, khi tiêm đủ 2 mũi cho hơn 80% dân số, Hà Nội sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu 2022. Hiện nay, dù tình hình dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, nhưng với sự đồng lòng của người dân, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, mở ra cơ hội lớn để phục hồi kinh tế cho Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có những kết quả đó. Đó là sự đồng thuận có được khi chính quyền và các cơ quan chức năng thực hiện tốt lời dạy của Bác là “phải lấy được lòng dân”. Tuy nhiên, đâu đó trong hàng ngũ cán bộ vẫn còn có những trường hợp chưa làm tốt chức năng công bộc của mình, còn làm người dân chưa hài lòng, chưa vì dân và còn thể hiện những năng lực yếu kém, phẩm chất suy đồi, gây bức xúc trong dân. Những trường hợp đó cần sớm được loại bỏ, để tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân, nhằm phát triển đất nước một cách hài hòa, bao trùm, đạt mục đích của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và nhân dân luôn hướng tới: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Ngày 2-10-1969, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3005 đăng thư gửi bộ đội pháo binh, trong đó nhấn mạnh nội dung: Các đồng chí chớ vì thắng lợi mà chủ quan. Phải ra sức học tập và thi đua với pháo binh Quân giải phóng miền Nam tài giỏi, anh hùng. Phải nêu cao chí khí quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết phối hợp tốt với các đơn vị bạn và nhân dân, nắm vững chiến thuật, giữ gìn xe tốt, pháo tốt, tiết kiệm đạn dược, đánh giỏi bắn trúng, lập nhiều chiến công to lớn hơn nữa.
 |
Dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo Quân đội nhân dân số 3005 và 3366. |
Cũng trong số báo này Báo Quân đội nhân dân tổ chức trang “Học tập và làm theo lời dạy Hồ Chủ tịch, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược” gồm các bài viết ghi dấu chiến công và tin thắng trận của các đơn vị pháo binh.
Ngày 2-10-1070, Báo Quân đội nhân dân số 3366 trang trọng đăng trên trang nhất lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các đơn vị quân đội: Phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác và chí khí chiến đấu, chớ chủ quan khinh địch. Phải luôn ra sức rèn luyện chiến thuật, kỹ thuật và tư tưởng, chính trị. Phải có tinh thần tập thể lập công.
HỮU DƯƠNG (Lược ghi)