Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 4-10

Sự kiện trong nước

Ngày 4-10-2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng tư lệnh, Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân Việt Nam và là người thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, vào 22-12-1944. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm đương nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng và Chính phủ. Đại tướng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rồi sau đó là Phó thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trong nhiều năm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp sức chỉ đạo các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, trong đó nổi tiếng là hai chiến dịch lớn: Chiến dịch Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

(Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, 2009)

Ngày 4-10-1953, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ban hành chính sách tôn giáo. (Theo Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

Ngày 4-10-1996, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 369/1996/QĐ-TTg, lấy ngày 4-10 hàng năm là “Ngày phòng cháy, chữa cháy toàn dân”. Luật Phòng cháy chữa cháy ban hành năm 2001 quy định lấy ngày 4-10 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”. Những quyết định và điều khoản quy định trong luật này được đưa ra dựa trên Pháp lệnh quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 4-10-1961. (Theo Báo điện tử Chính phủ)

Sự kiện quốc tế

Ngày 4-10-1957, Liên Xô phóng Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người, lên quỹ đạo tầng thấp của Trái Đất bằng tên lửa đẩy R-7 từ sân bay vũ trụ Baikonur thuộc Kazakhstan. Đây là bước tiến quan trọng đánh dấu sự thắng lợi của loài người nói chung và các nước xã hội chủ nghĩa nói riêng trong nghiên cứu khoa học. Chiến tranh lạnh từng tạo ra những giai đoạn khủng hoảng, nhưng cũng là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Nhiều bước phát triển nhảy vọt đã được ghi nhận trong giai đoạn này, làm nền tảng cho các ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. (Theo sách Ngày này năm xưa, NXB Lao động, 1998)

Lực lượng commando triển khai bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Mát-xcơ-va. Ảnh: Thời báo Mát-xcơ-va

Ngày 4-10-1993, Cuộc khủng hoảng hiến pháp Nga lên tới đỉnh điểm khi Tổng thống Boris Yeltsin ra lệnh cho xe tăng bắn thẳng vào tòa nhà quốc hội ở Mát-xcơ-va. Trước đó, ngày 2-10 đã xảy ra bạo loạn đẫm máu giữa cảnh sát dã chiến với những người ủng hộ các nghị sĩ cố thủ trong toà nhà quốc hội. Cuộc bạo loạn đã khiến gần 150 người chết. (Theo Thời báo Mát-xcơ-va)

Ngày 4-10-2006, Julian Assange ra mắt trang WikiLeaks, gây nên cơn địa chấn toàn cầu khi WikiLeaks được cho là đã đóng vai trò tích cực trong việc giúp đỡ Edward Snowden, cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tiết lộ một khối lượng khổng lồ các tài liệu mật của Chính phủ Mỹ về nghe lén và do thám. (Theo Washington Post)

Theo dấu chân Người

Ngày 4-10-1921, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp đầu tiên của Hội Liên hiệp Thuộc địa mà Người là người tham gia sáng lập. Thời gian này, Hội đã có gần một trăm hội viên chủ yếu từ 2 nhóm hội viên người Việt Nam và Madagascar.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội (năm 1958). Ảnh: hochiminh.vn 

Ngày 4-10-1945, trên báo “Cứu Quốc” đăng bài “Chống nạn thất học” của Bác. Nhân danh Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí...

Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ...”.

Ngày 4-10-1946, Báo Cứu quốc, số 365 đăng bài “Phương pháp đánh giữ và tiến thoái” của Bác với bút danh Q. Th. Bài báo viết: “Phương pháp dụng binh là phương pháp thiên biến vạn hóa. Tùy theo thời cơ, theo địa điểm, theo tình hình bên địch, người làm tướng lúc bày thế trận này, lúc bày thế trận khác... Muốn được thắng trận, phương pháp đánh giữ và tiến thoái phải luôn luôn biến đổi hợp với thời cơ, hợp với tình hình trên mặt trận. Nhanh như chớp, biến hóa như thần, đó là bí quyết của phép dụng binh”.

(Theo Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Trong bài viết “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân” với bút danh Chiến Thắng, đăng trên Báo Cứu quốc số 58, ngày 4-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của hệ thống chính quyền non trẻ, đặc biệt là cung cách làm việc. Bài viết có đoạn:

Chính quyền nhân dân thành lập đã được hơn một tháng. Nhưng nhiều nơi cách làm việc vẫn chưa đâu vào đâu cả. Ta có thể nói: một khuyết điểm lớn, chung cho phần đông các ủy ban nhân dân là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức. Về cán bộ hành chính, ta phải thú nhận là thiếu rất nhiều...

…Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được…

…Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa.

(Theo Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội nghị Trung ương lần thứ 16 (1959). Ảnh: hochiminh.vn

Nội dung bài báo và vấn đề Bác đưa ra hơn nửa thế kỷ qua đến nay vẫn là đề tài thời sự cho đội ngũ cán bộ các cấp. Bác cũng từng nói “Dụng nhân như dụng mộc” (dùng người như dùng gỗ). Gỗ thẳng, gỗ cong, gỗ to, gỗ nhỏ nếu gặp thợ khéo thì đều có thể dùng vào được việc, phát huy tốt công năng của mỗi loại gỗ. Nhưng nếu cũng là những loại gỗ đó, dùng sai chỗ thì sẽ chẳng những không tốt mà còn có hại. Ví dụ như việc dựng đình, gỗ chắc, gỗ tốt và thân to như lim như nghiến được ưu tiên làm cột, có thể tồn tại lâu với thời gian. Còn gỗ nhỏ, nhẹ hơn như gỗ xoan ngâm thì nên dùng làm lót mái, một số năm lại có thể lật mái, thay một lần. Chỉ cần đổi ngược lại vị trí hai thứ gỗ đó thì chẳng những không tốt mà còn có thể khiến mối mọt làm hỏng cột trụ, làm sụp cả ngôi đền.

Cũng tương tự như vậy, việc phân công cán bộ cũng phải dựa vào năng lực từng cá nhân cho phù hợp. Để làm được điều đó, phải đánh giá đúng cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ để nắm rõ được năng lực của từng cán bộ, gồm những điểm mạnh, điểm yếu, chỗ hay, chỗ dở của từng người để cất nhắc cho đúng vị trí, sử dụng vào đúng việc, đúng sở trường. Phân công công việc đúng người chẳng những tạo đà cho công việc chạy, bộ máy vận hành mượt mà, ít xảy ra sự vụ mà còn giúp phát huy năng lực, hạn chế chỗ yếu kém của cán bộ. Trên thực tế, không ai giỏi tất cả mọi mặt và cũng không ai yếu tất cả mọi mặt. Theo lời Bác dạy, nếu đưa một người giỏi nói vào làm việc đòi hỏi phải khéo tay chân hay dùng người giỏi viết vào làm việc về lao động thì chẳng những công việc không chạy mà còn khiến người được phân công công việc thấy mình vô dụng, làm thui chột tài năng.

Ngày 5-9-1960, Bác Hồ phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam. Ảnh: hochiminh.vn 

Trên thực tế đã xảy ra những trường hợp đáng tiếc khi bố trí cán bộ không phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến những thất thoát trong đầu tư công, thua lỗ trong hoạt động kinh doanh và nhiều hệ lụy khác. Những vụ đại án được đưa ra xử thời gian gần đây là một phần của hậu quả của việc sử dụng cán bộ không đúng nơi, đúng chỗ, giao cho cán bộ quá nhiều quyền so với thực lực và trách nhiệm, dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phải xử lý pháp luật.

Có thể thấy lời Bác dạy về công tác cán bộ vẫn luôn là vấn đề đáng lưu tâm ở tất cả các giai đoạn phát triển của cách mạng. Ghi nhớ lời dạy của Người, các cấp ủy đảng trong và ngoài quân đội luôn chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ gắn với yêu cầu nhiệm vụ. Các cấp ủy đảng thường xuyên và liên tục sàng lọc đội ngũ cán để tìm ra người giỏi các mặt và bố trí sắp xếp công việc phù hợp để phát huy vai trò của cán bộ. Một nguyên tắc trong công tác cán bộ là phải đánh giá năng lực mọi mặt của từng cá nhân. Đây cũng là công tác thường xuyên và là cơ sở để cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quân đội nói riêng và các cấp ủy đảng nói chung tiến hành bổ nhiệm, giao việc cho cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 4-10-1966, Báo Quân đội nhân dân số 1950 tổ chức trang “Bác Hồ dạy chúng ta” với nội dung về ngành quân y. Nội dung tập trung nhấn mạnh lời dạy của Bác: “Người thầy thuốc đồng thời phải là người mẹ hiền” với những bài viết chuyên sâu về lực lượng quân y như bài “Tiếng gọi của Bác Hồ và chiến sĩ quân y”, “Ra tuyến lửa cứu chữa thương binh”, “Mệnh lệnh của người bác sĩ”…

Dấu ấn của Bác trên số Báo Quân đội nhân dân ra ngày 4-10-1966.

Ghi nhớ lời dạy của Bác, lực lượng quân y Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu, học tập để xứng đáng “lương y kiêm từ mẫu” như Người mong đợi. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, hai cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc, lực lượng quân y đã không ngừng lớn mạnh. Từ những bệnh viện dã chiến trong rừng đước ở miền Tây Nam Bộ cho tới những bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan là một quá trình phấn đấu không ngừng, noi theo gương sáng Bác Hồ. Mang theo lời dạy của Bác bên mình khi thực hiện sứ mệnh duy trì hòa bình thế giới, các bệnh viện dã chiến của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã nhận được nhiều lời ngợi khen và các phần thưởng cao quý của Liên hợp quốc. Mới đây, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam, hàng nghìn chiến sĩ quân y đã lao vào tâm dịch để giành giật sinh mạng người dân từ tay tử thần. Đó là phẩm chất của lực lượng quân y đã được hun đúc từ truyền thống của quân đội và hơn cả là từ việc luyện rèn y đức theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y kiêm từ mẫu”.

Dấu ấn của Bác trên số Báo Quân đội nhân dân ra ngày 4-10-1969. 

Trong số báo ngày 4-10-1969, Báo Quân đội nhân dân có chuyên trang “Học tập và làm theo lời dạy Hồ Chủ tịch, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược” đăng các bài báo ghi dấu chiến công và tin thắng trận của các đơn vị công binh. Bài chính trang là một lời hứa với Bác với tiêu đề “Bộ đội công binh nguyện mãi mãi làm theo lời dạy Hồ Chủ tịch”.

 

 

HỮU DƯƠNG (lược ghi)