Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong Bạc hà là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của tỉnh Hà Giang được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý kể từ ngày 1-3-2013 theo Quyết định 316. Đây cũng là Chỉ dẫn địa lý đầu tiên của nước ta đối với sản phẩm mật ong.

 Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng, xã Tả Lủng (Mèo Vạc, Hà Giang) xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm mật ong Bạc hà.

Việc sản xuất mật ong gắn liền với cây bạc hà được phân bố theo những vùng địa lý nhất định. Mật ong mang Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” có nguồn gốc thực vật hoa Bạc hà quý hiếm, không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn có nhiều đặc tính biệt dược quý. Sản phẩm gắn liền với đời sống của người Mông và các hoạt động văn hóa du lịch trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Để phát triển, nâng cao giá trị mật ong Bạc hà mang chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc”, những năm qua, Hà Giang đã ban hành nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, có chính sách bảo hộ đàn ong địa phương tại các khu vực được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, ngăn ngừa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ.... Các cơ sở sản xuất và kinh doanh mật ong Bạc hà tại địa phương ngày càng quan tâm tới việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý chất lượng sản phẩm.

 Việc sản xuất mật ong gắn liền với cây Bạc hà được phân bố theo những vùng địa lý nhất định. 

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp và Du lịch A Páo, thành phố Hà Giang chia sẻ: “Từ khi thành lập hợp tác xã chúng tôi cũng làm các giấy tờ đăng ký giấy tờ kinh doanh, phát triển kỹ thuật số như mã Qr, hóa đơn điện tử, các giấy chứng nhận. Tuy nhiên, do là doanh nghiệp nhỏ, thời gian mới nên còn gặp nhiều vướng mắc, rất mong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thiện hơn trên nền tảng số, tiếp tục phát triển tốt sản phẩm mật ong Bạc hà thương hiệu Hà Giang”.

Anh Hoàng Lão Ú, thành viên Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc cho biết: “Hiện tại, hợp tác xã đang có 3 sản phẩm OCOP 4 sao là mật ong Bạc hà, rượu ngô Chí Sán, rượu Tam giác mạch; chúng tôi cũng mong muốn phát triển thêm nhiều sản phẩm đạt OCOP để tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương”.

Cam sành là sản phẩm thứ 2 của Hà Giang được cấp Chỉ dẫn địa lý năm 2016. Cam sành là cây bản địa, gắn với truyền thống sản xuất, canh tác của người dân 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Việc triển khai đồng bộ xây dựng thương hiệu, Chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP đã góp phần quan trọng khai thác hiệu quả quyền bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cam sành Hà Giang.

Sản phẩm Cam sành Hà Giang được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. 

Theo ông Trần Ngọc Lanh, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Vị Xuyên: Nhãn hiệu tập thể cũng như Chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cho các sản phẩm nông sản tại Vị Xuyên có vai trò rất quan trọng trong nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra tính riêng biệt và sự tin cậy của người tiêu dùng, cơ hội tiếp thị thị trường rộng lớn hơn.

Còn đối với sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang: Ngày 16-8-2018, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức ban hành Quyết định số 2835/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận Đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00069 cho sản phẩm này. Theo đó, vùng Chỉ dẫn địa lý được cấp cho khu vực trồng và chế biến chè Shan tuyết của 44 xã thuộc các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần và thành phố Hà Giang. Đây là thành quả kết tinh cho sự nỗ lực của các cấp, ngành sau nhiều năm xây dựng, bảo tồn, lựa chọn, phục tráng nguồn gen quý, giống chè Shan tuyết cổ thụ. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển mới, giúp nâng cao giá trị thương hiệu, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang.

Sản phẩm chè Shan tuyết được Chỉ dẫn địa lý tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, thành phố Hà Giang (Hà Giang). 

Bà Phạm Thị Minh Hải, Phó giám đốc Công ty TNHH Thành Sơn, thành phố Hà Giang cho biết: “Vai trò của Chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp cho người tiêu dùng mà còn giúp người sản xuất nhìn nhận rõ vùng nguyên liệu khi mà đưa sản phẩm tới người tiêu dùng; đồng thời có cái nhìn nhận rõ nét và lựa chọn tốt nhất cho sản phẩm”.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân Hà Giang đã tích cực phát triển các cây trồng, vật nuôi thế mạnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả và nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm; tạo nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chất lượng cao. Đến nay, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP đã tiến hành đánh giá, phân loại được 282 sản phẩm; trong đó có 235 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 45 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh; 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia. Một số sản phẩm OCOP hấp dẫn đối với người tiêu dùng như: Mật ong Bạc hà; chè Shan tuyết; cam sành; thịt bò vàng vùng cao; các sản phẩm từ cây dược liệu...

Đến nay, Hà Giang được cấp 25 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu dùng chung, gồm: 8 Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý, 14 nhãn hiệu chứng nhận, 3 nhãn hiệu tập thể. Trong đó, 8 sản phẩm đặc sản của địa phương được đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý bao gồm: Mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết, thịt bò vàng, cam sành, gạo tẻ Già Dui, hồng không hạt, cá Bỗng, thảo quả.

Chỉ dẫn địa lý đối với chè San tuyết của bà con dân tộc thiểu số tăng tạo giá trị, giá bán trên thị trường. 

Ông Vũ Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang đánh giá: “Việc xây dựng và phát triển các nhãn hiệu thành thương hiệu mạnh các vùng Chỉ dẫn địa lý là nội dung vô cùng quan trọng, góp phần định hình, định danh các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên thị trường trong nước, ngoài nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các cơ sở bám vào để chuẩn hóa các sản phẩm nông sản trên thị trường; từ đó góp phần tạo giá trị, giá bán trên thị trường”.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể, Chỉ dẫn địa lý đối với các hàng hóa nông sản; xúc tiến, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn hợp tác đầu tư, khai thác, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương để nâng tầm giá trị của sản phẩm; chính là góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 3-Hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bài, ảnh: KIM THU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.