Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là 1 trong 4 mô hình cơ bản của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. CLB được các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn triển khai có hiệu quả. Ngay từ cuối năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn, triển khai hướng dẫn thành lập, vận hành CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" cho hơn 50 đại biểu là cán bộ Hội LHPN các cấp, đại diện của UBND xã Cao Kỳ, Ban giám hiệu Trường THCS Cao Kỳ, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới (đơn vị được lựa chọn thành lập mô hình điểm của tỉnh). Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã có 24 CLB được thành lập tại 7 huyện.

leftcenterrightdel
Hoạt động của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại THCS Cao Kỳ, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới. 

Các em học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Bành Trạch (Ba Bể) đều có những điểm chung như: Khoảng cách từ nhà tới trường rất xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nơi sinh sống còn tồn tại những định kiến giới. Căn cứ vào tình hình thực tế, tháng 5-2023, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của nhà trường đã được thành lập. CLB gồm 30 thành viên, là học sinh từ khối 6 đến khối 9, hầu hết là người dân tộc thiểu số; sinh hoạt đều đặn 2 tuần/lần. Trước mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên của Ban chủ nhiệm đều hướng cho học sinh về chủ đề của từng buổi. Từ đó, các em tìm hiểu và triển khai mở rộng thông tin, nâng cao nhận thức xoay quanh các nội dung: Bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích; nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em; tìm hiểu về dậy thì sớm; hệ quả của nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết; kỹ năng ứng xử trên không gian mạng. 

Em Mã Ngọc Ánh, học sinh lớp 9, là 1 trong 5 thành viên Ban chủ nhiệm CLB. Hằng ngày, Ánh cùng cô giáo phụ trách đọc bản tin phát thanh, qua những bản tin như thế, Ánh cùng các bạn được nâng cao nhận thức trên nhiều lĩnh vực. "Những bạn nữ như em, 13, 14 tuổi họ đã lấy chồng rồi. Em thấy đang còn nhỏ mà đi lấy chồng sớm thì sẽ sinh con ra ốm yếu. Em cũng biết rằng mình không được tảo hôn", Ánh chia sẻ.

Cô giáo Ngọc Linh, giáo viên Tổng phụ trách, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Bành Trạch cho biết: "Ở đây bà con còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nên khi tuyên truyền Ban chủ nhiệm CLB sẽ nhấn mạnh về vai trò của người phụ nữ xưa và nay, khẳng định người phụ nữ bây giờ cũng có quyền được hạnh phúc, quyền tham gia học tập như các bạn trai và lấy những tấm gương phụ nữ điển hình có thành công để các em học hỏi". 

leftcenterrightdel
 Tham gia câu lạc bộ, nhiều em đã tự tin hơn, dám trình bày suy nghĩ, phân tích đúng sai với bạn bè, người thân, hàng xóm.

Theo cô giáo Ngọc Linh, dù mới tham gia CLB nhưng một số em đã có sự tự tin hơn, dám trình bày suy nghĩ, phân tích đúng sai với bạn bè, người thân, hàng xóm. Mặc dù Ban Giám hiệu nhà trường, Hội LHPN xã tạo điều kiện, tuy nhiên, quá trình triển khai hoạt động của CLB vẫn còn gặp một số hạn chế về tài liệu tuyên truyền; cách thức tổ chức sinh hoạt; một số học sinh vẫn e dè, nhút nhát. Để khắc phục điều đó, thời gian tới, Ban Chủ nhiệm CLB sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, nội dung phù hợp với học sinh của địa phương; tổ chức đa dạng hình thức sinh hoạt nhằm thu hút nhiều học sinh tham gia CLB.

CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” vừa là sân chơi bổ ích, vừa là nơi chia sẻ thông tin, kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, kỹ năng giao tiếp trong gia đình, nhà trường, xã hội đối với học sinh Trường TH và THCS Lương Thượng, xã Lương Thượng, huyện Na Rì.

Cô Nông Thị Thẩm, chủ nhiệm CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường TH và THCS Lương Thượng, cho biết: “Để các buổi sinh hoạt sôi nổi, hấp dẫn, tăng sự tương tác, học sinh được tham gia các hoạt động như: Thảo luận nhóm, chơi trò chơi, tọa đàm, vẽ tranh, đóng kịch. Sau đó, chính các thành viên của CLB sẽ là các tuyên truyền viên, truyền tải những kiến thức này tới những học sinh khác trong nhà trường vào tiết chào cờ và sinh hoạt lớp”.

Không chỉ vậy, các em còn là những hạt nhân tích cực lan tỏa thông tin tới người thân, hàng xóm nơi cư trú. Em Nguyễn Hiền Lương, học sinh lớp 9, thành viên CLB nói: “Trước đây, một số bác lớn tuổi trong thôn em thường bảo “con gái học nhiều làm gì, lớn cũng đi lấy chồng, thành con của nhà khác”. Em nhận thấy quan niệm này là sai. Do đó, em đã giải thích, chia sẻ để mong các bác thay đổi suy nghĩ”.

leftcenterrightdel
Thông qua hoạt động của CLB các em đã được trang bị kiến thức, kỹ năng giúp các em có thể tự bảo vệ bản thân. 

Theo cô Thẩm, trước đây, nhiều em còn rụt rè, nhút nhát không dám nói trước đám đông và chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về bình đẳng giới, những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự an toàn bản thân. Nhưng thông qua hoạt động của CLB các em đã được trang bị kiến thức, kỹ năng giúp các em có thể tự bảo vệ bản thân. Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức, hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với các vấn đề liên quan tới trẻ em.

Thời gian tới, kỳ vọng CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” như tên gọi sẽ có tác dụng làm thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số ngay từ trên ghế nhà trường. Các thành viên CLB sẽ là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu để cùng nhau vươn lên phát triển.

Bài ảnh: LINH HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.