Dù đã bước sang tuổi 91, nhưng Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, ngày ngày vẫn truyền tình yêu Xòe Thái tới cộng đồng, tâm huyết giữ gìn và dạy miễn phí chữ Thái cổ cho thế hệ trẻ. Nhờ có cụ Lò Văn Biến, những tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa của người Thái được dịch và lưu lại cho thế hệ sau. Cụ là người góp công lớn vào việc khôi phục các lễ hội: "Xên bản xên mường", "Lồng tồng", "Hạn Khuống"... góp phần giúp nghệ thuật Xòe Thái được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến (tóc bạc, đánh đàn) tại lễ hội văn hóa-du lịch Mường Lò. 

Bị cụt một bàn tay, hỏng một bên mắt nhưng suốt 20 năm qua, nghệ nhân Tẩn Vần Siệu, 61 tuổi (xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) vẫn miệt mài dạy chữ Nôm Dao miễn phí cho dân bản. Sự tâm huyết của nghệ nhân Tẩn Vần Siệu đổi lại thành quả là phong trào học chữ Nôm Dao trên các bản vùng cao ngày càng nở rộ. Nghệ nhân Tẩn Vần Siệu vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng hai bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015 và Nghệ nhân Nhân dân năm 2022.

leftcenterrightdel
 Nghệ nhân Nhân dân Tẩn Vần Siệu soạn bài trước khi lên lớp.

Người Rơ Măm là một trong 5 dân tộc của Việt Nam có số dân dưới 1.000 người, hiện sống tập trung chủ yếu ở xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Trăn trở trước thực trạng bản sắc văn hóa dân tộc Rơ Măm bị mai một và có thể bị biến mất, nhiều năm qua nghệ nhân Y Điết (74 tuổi) đã tích cực truyền dạy điệu hát, múa tới miễn phí các thế hệ trẻ. Bà cũng thường xuyên tham dự các ngày hội văn hóa tại nhiều vùng, miền trên cả nước nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa người Rơ Măm. Bà Y Điết hiện là nghệ nhân hát dân ca duy nhất của người Rơ Măm.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Y Điết (bên trái) thể hiện ca khúc "Bà ru cháu" bằng tiếng Rơ Măm tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người năm 2023.  

Ở tuổi 70, nghệ nhân Thẩm Dịch Thọ (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) luôn trăn trở trước thực trạng nhiều con em người Ngái (có số dân trên 1.000 người) không biết nói tiếng dân tộc của mình. Thời gian qua, nghệ nhân Thẩm Dịch Thọ đã tích cực truyền dạy tiếng Ngái tại Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Đồng Hỷ và có nhiều học sinh hứng thú theo học.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Thẩm Dịch Thọ (giữa) đã truyền dạy các bài hát bằng tiếng Ngái tới nhiều học sinh. 

Nghệ nhân Hù Cố Xuân (bản Seo Hai, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) được xem là “báu vật nhân văn sống” của người Si La-dân tộc có số dân dưới 1.000 người. Nhiều năm qua, dù mưa hay nắng, ngày nào bà cũng dạy chị em và các bé gái trong bản Seo Hai và Sì Thâu Chải hát những điệu dân ca, những điệu múa cổ của dân tộc mình. Bà đã viết lời của tiếng Si La bằng chữ phổ thông ra giấy để cho các chị em và các cháu hát theo. Bà còn tham gia cùng cơ quan chuyên môn nghiên cứu và biên soạn tài liệu lưu giữ về những nét văn hóa của dân tộc Si La.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Hù Cố Xuân là "báu vật" của người Si La.  

Người Brâu có dân số dưới 1.000 người, hiện đang sinh sống chủ yếu ở xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ở đó có một người uy tín trong bản tên A Duẩn (sinh năm 1975) ngày ngày vẫn lan tỏa tiếng chiêng, tiếng nhạc cụ dân tộc của người Brâu tại nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa đặc sắc trong và ngoài tỉnh. Không chỉ say mê âm nhạc, nghệ nhân A Duẩn còn có khả năng thẩm âm và trình diễn nhiều loại nhạc cụ, đặc biệt là cồng chiêng.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân A Duẩn (bên phải) có khả năng thẩm âm và trình diễn nhiều loại nhạc cụ dân tộc Brâu.

Có thể thấy, với nỗ lực của những nghệ nhân này, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc đang ngày đêm được khôi phục, bảo tồn và phát huy, góp phần thực hiện có hiệu quả và lan tỏa theo Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

PHƯƠNG TRƯỞNG (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.