Pà Thẻn thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, cư trú chủ yếu tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang) và các huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Lâm Bình (Tuyên Quang). Dân tộc Pà Thẻn là một dân tộc thiểu số nằm trong nhóm 14 dân tộc có dân số ít người có điều kiện khó khăn đặc thù. Người Pà Thẻn có đời sống văn hóa rất phong phú, thể hiện qua các di sản văn hóa kiến trúc nhà ở, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, tập quán xã hội nghi lễ, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống… Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian, nhiều nét văn hóa độc đáo của người Pà Thẻn đang có nguy cơ bị mai một, pha tạp. Để bảo tồn văn hóa Pà Thẻn các địa phương này đã và đang triển khai nhiều giải pháp.

leftcenterrightdel

Thầy cúng đang chuẩn bị cho nghi lễ nhảy lửa. 

Tại huyện Bắc Quang (Hà Giang) dân tộc Pà Thẻn sinh sống chủ yếu ở 2 thôn Minh Hạ và Minh Thượng thuộc xã Tân Lập (là xã vùng III cách trung tâm huyện 24km). Toàn xã có 519 hộ, gần 2.500 nhân khẩu, có 6 dân tộc cùng chung sống (Dao, Pà Thẻn, Mông, Kinh, Tày, La chí); trong đó, dân tộc Pà Thẻn có hơn 130 hộ, chiếm 26,19%.

Xã Tân Lập được ví như một cao nguyên rộng hơn 5.000 ha, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ với nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái như hệ thống rừng tự nhiên nguyên sinh, đồi chè cổ thụ trên 300 năm, hệ thống thác dọc Tỉnh lộ 177, thác trắng, suối cấm được cộng đồng các tộc người ở đây gìn giữ bảo vệ nghiêm ngặt để phát triển đàn cá tự nhiên, hệ thống suối nước nóng, khí hậu quanh năm mát mẻ.

leftcenterrightdel

Nghệ nhân tham gia nghi lễ nhảy lửa góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Pà Thẻn.

Bên cạnh tiềm năng tự nhiên, di sản văn hóa của tộc người Pà Thẻn được lưu truyền qua nhiều đời đến nay như: Nghề dệt thổ cẩm, thêu dệt trang phục truyền thống; các nghi lễ, lễ hội như: Lễ cầu mưa, lễ cầu tạnh, lễ cúng cơm mới, lễ cúng thần săn bắn, lễ kéo chày nhưng tiêu biểu nhất là lễ nhảy lửa. Lễ hội nhảy lửa thường diễn ra vào những lúc nông nhàn được bắt đầu vào ngày 16-10 âm lịch năm trước đến ngày 15-1 âm lịch năm sau.

Để bảo tồn văn hóa Pà Thẻn, cấp ủy chính quyền Bắc Quang đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và xây dựng “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu” dân tộc Pà Thẻn Minh Thượng gắn với phát triển du lịch “Tân Lập Xanh”, xã Tân Lập, huyện Bắc Quang giai đoạn 2021-2024, định hướng đến năm 2030 gắn với thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
Nghi lễ đám cưới của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. 

Trong tháng 10-2023; UBND xã Tân Lập, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bắc Quang đã tiến hành ký kết văn bản số 477/VHNTVN-KHDTHTQT, ngày 13-10-2023 với Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ “Khôi phục và bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, xã Tân Lập, Bắc Quang, Hà Giang”.

Trong đó, tập trung thực hiện các nội dung như: Mở lớp tập huấn truyền dạy, bài nghi lễ cúng, dân ca, dân vũ, thêu dệt thổ cẩm. Xây dựng 1 tư liệu phim, khôi phục và bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa truyền thống phục dựng các nghi: Lễ đám cưới, Lễ rằm tháng 5, Lễ hội nhảy lửa, Lễ cơm mới, Lễ cầu mùa, Lễ giải đầu năm và Lễ cấp sắc của dân tộc Pà Thẻn.

Ông Hoàng Ngọc Bình, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: “Vừa qua, chính quyền xã đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức thực hiện nghi Lễ nhảy lửa – một trong những hoạt động văn hóa truyền thống quan trọng nhất của bà con dân tộc Pà Thẻn. Chúng tôi xác định việc bảo tồn và phát huy văn hóa Pà Thẻn là nhiệm vụ quan trọng nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.

leftcenterrightdel
 Chị em phụ nữ Pà Thẻn xã Tân Lập (Bắc Quang, Hà Giang) trong trang phục dân tộc truyền thống.

Là một trong những nghệ nhân tham gia nghi Lễ hội nhảy lửa được xã Tân Lập tổ chức vào tối 5-11-2023 vừa qua, nghệ nhân Liều Văn Họ chia sẻ: “Là người dân Pà Thẻn vừa là một nghệ nhân, tôi nhận thức sâu sắc trách nhiệm của bản thân mình trong việc bảo tồn và truyền dạy cho thế hệ trẻ về giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình”.

Bên cạnh đó, Bắc Quang đã ưu tiên một số dự án về điện, đường, trạm để đầu tư phát triển cho thôn Minh Hạ, Minh Thượng; đầu tư xây dựng 3 ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng theo kiến trúc truyền thống tại trung tâm thôn Minh Thượng; gắn thực hiện Dự án 6 - Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xây dựng 1 nhà trưng bày và giới thiệu văn hóa truyền thống, sản phẩm đặc trưng. Đồng thời, khôi phục Lễ hội nhảy lửa, Lễ hội cầu mưa; xây dựng 1 đội văn nghệ dân gian và tiếp tục sưu tầm sách cổ của dân tộc Pà Thẻn.

leftcenterrightdel
Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của xã Tân Lập (Bắc Quang, Hà Giang) 

Ông Ngô Văn Hiếu, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Bắc Quang cho biết: “Để tiếp tục khôi phục, bảo tồn tốt giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn cũng như tạo được nhiều sản phẩm có giá trị gắn với phát triển du lịch, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương, huyện bắc Quang kêu gọi các nhà đầu tư để thực hiện các dự án văn hóa. Cụ thể như: Mô hình làng văn hóa dân tộc Pà Thẻn phản ánh được đời sống mang bản sắc riêng; mô hình tái hiện về đời sống văn hóa và sản xuất, phục dựng lại các kỹ năng, tìm hiểu, phát hiện và khôi phục lại những truyền thuyết về cộng đồng tộc người; tư liệu hóa hình ảnh, tài liệu về tộc người Pà Thẻn để trưng bày tại nhà trưng bày; quảng bá và dựng phim đưa lên nền tảng mạng xã hội. Tôn tạo, chỉnh trang lại hệ thống kiến trúc nhà ở; tạo được vùng nông sản an toàn để vừa tạo được sản phẩm cung cấp ra thị trường và phục vụ khách du lịch tại chỗ và một số cơ sở hạ tầng khác nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa Pả Thẻn”.

Với những giải pháp, sự quyết tâm cao từ chính quyền địa phương và người dân, tin tưởng rằng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở Bắc Quang sẽ đạt được kết quả cao; qua đó, góp phần tích cực trong việc thực hiện hiệu quả Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. 

Bài, ảnh: HÀ LINH - NGỌC BÌNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.