Cốc Nọt là thôn vùng cao của xã Công Bằng, huyện Pác Nặm nơi sinh sống của hơn 60 hộ dân đồng bào Mông. Cách trung tâm xã khoảng 11km, đường lên Cốc Nọt từng là thử thách lớn cho những ai lần đầu đến với thôn người Mông. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Cốc Nọt giờ đây đã có đường giao thông thuận lợi, được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

leftcenterrightdel

Đường lên thôn Cốc Nọt được đầu tư thuận lợi cho người dân đi lại. 

Ông Vừ A Giàng, Bí thư Chi bộ Cốc Nọt chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của cấp trên mà đời sống của đồng bào Mông Cốc Nọt đã có nhiều đổi khác. Hạ tầng thiết yếu được đầu tư, bà con được tiếp cận khoa học kỹ thuật nên có điều kiện phát triển kinh tế. Trước đây, đa phần bà con trong thôn thả rông trâu, bò nhưng nay đã biết chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo theo Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ”.

Theo đồng chí Hoàng Văn Danh, Bí thư Đảng ủy xã Chu Hương, huyện Ba Bể: Trên địa bàn xã hiện có hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại 4 thôn vùng cao với đa số là hộ nghèo. Để tiếp lực cho đồng bào vùng cao vươn lên, xã đang và sẽ sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và triển khai các mô hình sản xuất tạo sinh kế bền vững cho người dân.

leftcenterrightdel
Hệ thống nước sinh hoạt cũng được đầu tư để phục vụ cuộc sống của bà con.

Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có đường ô tô đến trung tâm xã; gần 80% đường xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện đã được nhựa hóa tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, giao thương. Hầu hết các xã có trường mầm non, trường tiểu học; 100% các huyện, thành phố có trường THPT và hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú. Hạ tầng y tế được quan tâm đầu tư, 108 xã, phường, thị trấn có trạm y tế hoạt động. Hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng và củng cố với 86% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động… Việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ bản giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trong đó có đồng bào Mông phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Bắc Kạn có 7 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn tỉnh với dân số hơn 21.000 người, trong đó có dân tộc Mông. Vì vậy, trong nhiều năm qua các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể luôn quan tâm hỗ trợ và phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng. Đơn cử, giai đoạn 2007-2022: Thực hiện chính sách giải quyết việc làm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 91.000 người thì đồng bào dân tộc Mông khoảng 9.000 người; 307 công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng tại các thôn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống (điện, đường, nước sinh hoạt, thủy lợi…).

leftcenterrightdel
Nhiều mô hình hỗ trợ đã tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Mông. (Trong ảnh: mô hình trồng mận sớm cho đồng bào dân tộc Mông xã Trung Hòa, huyện Ngân Sơn). 

Đến hết năm 2021, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt 94,88%, trong đó 100% đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế. Hiện, tỷ lệ đồng bào Mông được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,5%; nước sinh hoạt hợp vệ sinh khoảng 91,6%. Các chương trình 135, 30a hỗ trợ nhiều hộ dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình có giá trị kinh tế, thay đổi tư duy trong sản xuất nhỏ lẻ, manh mún… góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo.

Đồng chí Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Công tác dân tộc, chính sách dân tộc được tỉnh thực hiện theo kế hoạch, công khai, đúng mục đích và đúng đối tượng. Từ thực tế triển khai cho thấy, các chính sách dân tộc đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Mông có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo”.

leftcenterrightdel

Hỗ trợ nhà cho hội viên phụ nữ dân tộc Mông xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới. 

Mặc dù đã có nhiều sự thay đổi nhưng nhìn chung đời sống của đồng bào Mông ở Bắc Kạn còn nhiều khó khăn. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào Mông chiếm hơn 80%; tỷ lệ cán bộ là người dân tộc Mông còn thấp; tập quán sản xuất một số nơi lạc hậu… Vì thế, muốn khắc phục điều này cần tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng cho bà con; nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất; đẩy mạnh việc giáo dục, đào tạo cho con em đồng bào Mông để thay đổi nhận thức, tập quán sinh hoạt, sản xuất của đồng bào.

Với sự nỗ lực của chính người dân, sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy, chính quyền, tin tưởng rằng cuộc sống của đồng bào Mông sẽ ngày càng khởi sắc, góp phần cùng các dân tộc anh em trong trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Bài ảnh: LINH HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.