Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành các văn bản và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương cũng xây dựng kế hoạch, phân công các đảng viên và chi bộ, đoàn thể giúp đỡ trực tiếp các hộ nghèo.
Tại các thôn, bản, tổ dân phố, cộng đồng dân cư đã đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu, có các hình thức hỗ trợ, tạo việc làm cho người nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn được phân bổ hơn 3.000 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh và của chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra. Từ nguồn vốn được cấp, tỉnh Bắc Kạn đã phân bổ về các địa phương để triển khai xuống cơ sở với mục tiêu nhằm tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS tăng hơn 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm hơn 3%/năm; phấn đấu có hơn 40% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 80% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đạt cấp 6 trở lên; 80% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; phấn đấu 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
 |
Các hộ dân nhận bò giống hỗ trợ sinh kế tại tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: QDND
|
Tại huyện Bạch Thông, trong năm 2023, huyện được giao gần 60 tỷ đồng cho 10 dự án phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hiện nay, huyện đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án và đưa ra giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt, thông qua các dự án về giảm nghèo, các phong trào thi đua, mô hình phát triển kinh tế đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi, hình thành nên các mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, gia trại, tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Điển hình như Hợp tác xã (HTX) Thiên An (thôn Nà Ít, xã Vi Hương) với nhiều sản phẩm OCOP là dược liệu và nông sản đặc trưng của người Dao. Được thành lập từ tháng 6-2015, ban đầu HTX Thiên An chỉ có 7 thành viên, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, như: Làm chuối sấy, khoai lang sấy, mật ong rừng... Sau một vài năm, HTX Thiên An chuyển sang phát huy thế mạnh của dân tộc Dao là văn hóa dược liệu và văn hóa thổ cẩm, nhờ đó, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động nữ tại địa phương, giúp đỡ các thành viên trong HTX có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Để tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng kế hoạch, giải pháp sử dụng nguồn lực cho giảm nghèo và Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” bảo đảm đạt mục tiêu đề ra. Động viên, khuyến khích hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gia đình. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, trực tiếp giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Tăng cường các giải pháp, sáng kiến trong chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia giúp đỡ người nghèo, gắn giảm nghèo với việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
HUYỀN ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.