Cơm nóng cho em đến trường

Trường Mầm non Pa Vây Sử (xã Sì Lở Lầu, tỉnh Lai Châu) hiện có 239 học sinh đang theo học, phần lớn đều là con em các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Không ít em từng phải nghỉ học để theo bố mẹ lên rừng làm nương. Những năm gần đây, nhờ chính sách hỗ trợ tiền ăn của Nhà nước (160.000 đồng/tháng/em) và Chương trình “Cơm nóng cho em đến trường” do Đoàn KT-QP 356 triển khai, những bữa cơm nóng đã "giữ chân" các em ở lại lớp. Theo đó, bếp ăn bán trú được dựng lên, gọn gàng, sạch sẽ; cán bộ, giáo viên, bộ đội... cùng chung tay chăm lo từng suất ăn cho trò nhỏ. Cô giáo Đinh Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Pa Vây Sử cho biết: “Trước đây, tỷ lệ học sinh đến trường rất thấp, nhiều em nghỉ học vì nhà xa, vì đói, vì gia đình khó khăn. Nay nhờ những chương trình hỗ trợ thiết thực như cấp gạo, bữa ăn bán trú... nên các em đã đi học đều đặn hơn. Những bữa cơm nóng giữa trưa không chỉ giúp các em có sức khỏe để học tập mà còn là động lực để phụ huynh yên tâm gửi con đến lớp mỗi ngày”.

Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 cùng giáo viên Trường Mầm non Pa Vây Sử (xã Sì Lở Lầu, tỉnh Lai Châu) chuẩn bị bữa trưa cho các em học sinh. 

Không chỉ hỗ trợ Trường Mầm non Pa Vây Sử, Đoàn KT-QP 356 còn đang nhận hỗ trợ gạo cho bữa cơm trưa của 1.948 học sinh tại 45 điểm trường khác. Việc quan tâm chăm lo cho học sinh của bộ đội khiến nhận thức của phụ huynh dần thay đổi. Nếu như trước kia nhiều người còn ngần ngại, không mấy mặn mà với chuyện học hành của con em mình, thì nay họ đã chủ động đưa con đến trường. Anh Sùng A Thào, ở bản Hang É, xã Sì Lở Lầu có con đang học lớp 5 tuổi tại Trường Mầm non Pa Vây Sử chia sẻ: “Cho con đi học, con vừa biết chữ, vừa có cơm ăn. Vì thế, tôi rất yên tâm”.

Đại tá Lê Hoàng Mai, Chính ủy Đoàn KT-QP 356 cho biết: “Giữ được trẻ em ở lại lớp học là giữ tương lai cho bản làng. Bởi vậy, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ gạo thường xuyên, chúng tôi còn triển khai nhiều mô hình hỗ trợ khác. Ví như cán bộ, chiến sĩ của Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2 triển khai mô hình nuôi chim cút ngay tại Trường Tiểu học và THCS Mồ Sì San. Điều đặc biệt là các em học sinh được tham gia chăm sóc đàn chim, học cách cho ăn, dọn chuồng, quan sát sự phát triển của vật nuôi. Đến khi chim đủ tuổi thu hoạch, nhà trường sẽ dùng làm thực phẩm cải thiện bữa ăn cho học sinh. Đó không chỉ là một mô hình tăng gia sản xuất mà còn là cách để các em học sinh hiểu giá trị của lao động”.

Để ngày mai tươi sáng hơn

Địa bàn hoạt động của Đoàn KT-QP 345 trải rộng trên các xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai. Nơi đây, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, điều kiện đi lại khó khăn, tập tục lạc hậu vẫn còn, ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ. Không ít gia đình chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ bỏ học hoặc không được đến trường đúng độ tuổi.

 Lớp học xóa mù chữ tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý (Lào Cai) do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345 tổ chức.

Hiểu được những khó khăn đó, Đoàn KT-QP 345 xác định việc chăm lo cho thế hệ tương lai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thượng tá Lê Viết Xuân, Phó chính ủy Đoàn KT-QP 345 chia sẻ: “Với phương châm "rà từng bản, gõ cửa từng nhà", cán bộ, chiến sĩ của Đoàn cùng với đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện không quản đường sá hiểm trở, thời tiết nắng mưa để đến từng thôn, bản, từng hộ gia đình kiên trì tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh cho con em đến trường. Không chỉ dừng lại ở lời nói, Đoàn còn có những hành động thiết thực, như các đội sản xuất thường xuyên phối hợp với giáo viên các điểm trường, cử cán bộ, đội viên trực tiếp đến từng nhà, hỗ trợ đưa đón trẻ đến lớp, đặc biệt vào những ngày mưa gió, đường sá trơn trượt. Nhiều chương trình tặng sách vở, đồ dùng học tập, quần áo ấm, sửa chữa, xây mới điểm trường cũng được Đoàn thực hiện, góp phần tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh”.

Một trong những thách thức lớn trong công tác giáo dục trẻ em vùng biên là ông bà, bố mẹ không biết chữ, không biết nói tiếng phổ thông, khiến việc tiếp thu kiến thức bằng tiếng phổ thông của các em gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy điều đó, Đoàn KT-QP 345 đã chủ động tổ chức các lớp xóa mù chữ cho đồng bào. Tại xã Y Tý (Lào Cai), Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 3, Đoàn KT-QP 345 đã phối hợp với chính quyền xã và Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Y Tý tổ chức nhiều lớp học xóa mù chữ cho người dân. Lớp học diễn ra trong 3 tháng, vào buổi tối, do cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện thay nhau giảng dạy. Trung tá Vũ Duy Trung, Chính trị viên Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 3 chia sẻ: “Năm 2025, lớp học xóa mù chữ tại xã Y Tý có 33 học viên. Học viên ở nhiều độ tuổi, người lớn tuổi nhất đã ngoài 50. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự động viên của bộ đội và mong muốn thay đổi cuộc sống, bà con vẫn kiên trì theo lớp sau mỗi ngày làm nương. Việc duy trì lớp học không chỉ giúp bà con biết chữ, tính toán cơ bản mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thông tin, chính sách, tạo cơ sở bước đầu quan trọng để giảm nghèo bền vững”.

Từ những bản làng heo hút với sự đói nghèo, lạc hậu đến những mái nhà sàn khang trang, bạt ngàn rừng quế, đương quy, cuộc sống người dân từng bước ấm no, hạnh phúc, từ lớp học vùng biên rộn tiếng cười trẻ thơ đến những bữa cơm trưa ấm bụng nơi điểm trường cheo leo giữa núi rừng... tất cả minh chứng cho những đổi thay mà Đoàn KT-QP 345 và 356 đã âm thầm góp sức. Vùng biên giờ đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, không chỉ về kinh tế mà còn chuyển biến trong tư duy, nhận thức của đồng bào...

Bài và ảnh: TUẤN TRANG OANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.