Khi cái cũ níu chân cái mới

Ở những nơi như các xã Y Tý, Dền Sáng, Pha Long (Lào Cai), điều kiện địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt chỉ là một phần trong bức tranh khó khăn. Thách thức lớn hơn là làm sao thay đổi được tư duy, thói quen lạc hậu đã ăn sâu trong một bộ phận đồng bào. Người dân ở đây vẫn quen với cuộc sống tự cung, tự cấp. Họ quen sinh con trong căn buồng nhỏ, tin rằng cúng ma có thể xua đuổi bệnh tật và đôi khi chấp nhận cả đói nghèo miễn là giữ được nếp cũ. Nhiều lần, cán bộ mang cây giống, con giống tới tận tay, nhưng chỉ sau vài tháng quay lại, mô hình đã bị bỏ dở, chuồng trại trống hoác, ruộng vườn lại bỏ hoang như cũ. Không phải vì bà con không cần, mà vì họ sợ cái mới, sợ rủi ro. 

Đơn cử như việc Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 3, Đoàn KT-QP 345 vận động bà con ở xã Y Tý đưa gia súc, gia cầm ra xa nhà ở. Khi cán bộ, nhân viên đến vận động, nhiều hộ không đồng ý. Người thì đưa ra lý do sợ mất trộm, sợ trâu bò bị ốm; người thì bảo không có tiền... Hay như việc vận động các gia đình đưa con em trong độ tuổi đến trường, ban đầu bà con nhất trí cho các cháu đến lớp, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, một thời gian sau, các em lại phải nghỉ học...

Cán bộ Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 3, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 356 tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò giống cho nhân dân xã Dào San (Lai Châu).

Chị Cứ Thị Mảy, ở bản Sín Chải, xã Dào San (Lai Châu) mặc dù mới 36 tuổi nhưng đã có đến 6 người con, kinh tế gia đình rất khó khăn. Năm 2023, gia đình chị được Đoàn KT-QP 356 hỗ trợ một con bò giống, sau đó bò đẻ được bê con. Thế nhưng, gia đình chị không chịu chăm sóc bê để phát triển đàn mà lấy cớ bê bị gãy chân để... bán. Hay như gia đình anh Giàng A Da, ở bản Pa Vây Sử, xã Sì Lở Lầu (Lai Châu) được hỗ trợ 50 con ngan giống. Thời gian đầu, mỗi tuần đội trí thức trẻ tình nguyện đều xuống hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra chuồng trại, giúp gia đình anh chăm sóc đàn ngan. Ngan lớn nhanh, ai cũng phấn khởi. Thế nhưng chỉ vài tuần sau quay lại, cả đội bất ngờ khi chuồng trại chỉ còn lác đác vài con... 

Đồng chí Giàng A Nủ, trí thức trẻ tình nguyện của Đoàn KT-QP 356 chia sẻ: “Khó khăn nhất không phải là đường xa, rừng sâu, mà là thay đổi nếp nghĩ của bà con. Mình nói chuyện kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt thì bà con nghe, nhưng để bà con làm theo, duy trì đều đặn thì không dễ. Có khi mình xuống tận nơi, hướng dẫn từng bước, ngan, gà, chim cút lớn nhanh, nhưng vài tuần sau quay lại, chuồng lại trống trơn. Có khi vì gia đình có việc, có khi bán sớm vì cần tiền, có khi đơn giản là... bữa cơm hôm ấy chưa có gì ăn”.

Nói về những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, Đại tá Lê Hoàng Mai, Chính ủy Đoàn KT-QP 356 cho biết: “Đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong khu KT-QP ở hai xã Dào San và Sì Lở Lầu. Cả hai xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 39,5% theo tiêu chí đa chiều); địa bàn rộng, giao thông đi lại không thuận lợi, nhất là vào mùa mưa. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, kích động di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền về cái gọi là “nhà nước Mông” với nhiều thủ đoạn tinh vi... Cùng với đó, tội phạm buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất ma túy còn diễn ra rất phức tạp; thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh xảy ra khó lường. Song càng khó khăn, chúng tôi càng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, tất cả vì hạnh phúc của đồng bào”.

 Cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 hướng dẫn người dân thôn Nậm Giang 1, xã A Mú Sung (Lào Cai) trồng cây quế.

Nỗ lực vượt khó

Khác biệt ngôn ngữ và địa hình chia cắt cũng là một khó khăn. Nhiều người dân, nhất là phụ nữ không biết tiếng phổ thông. Có buổi tuyên truyền về sức khỏe, kỹ thuật chăn nuôi hay pháp luật, bộ đội phải mất gấp đôi thời gian so với bình thường vì cần người phiên dịch. Thêm nữa, lực lượng làm công tác dân vận của các Đoàn KT-QP còn mỏng, địa bàn lại rộng. Có điểm bản bộ đội muốn vào được phải đi bộ suốt cả ngày, vượt đèo, băng suối. Có những lần, cán bộ, chiến sĩ tuy bị ốm, sốt nhưng vẫn cố gắng tới bản vì người dân đang chờ ở lớp học xóa mù chữ. Có nơi điện lưới không có, sóng điện thoại cũng không, bộ đội phải dùng đèn pin dạy học cho trẻ nhỏ, dạy cả bà mẹ cách tắm cho trẻ sơ sinh bằng nước ấm, hay cách nhận biết dấu hiệu nguy hiểm khi sinh.

Để khắc phục tình trạng này, Đoàn KT-QP 345 đã linh hoạt, ưu tiên bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số địa phương, am hiểu phong tục, tập quán của bà con để triển khai các nhiệm vụ. Nhờ đó, khoảng cách giữa cán bộ và người dân được rút ngắn đáng kể. Hầu hết các buổi tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất không còn là bài nói chuyện một chiều khô khan mà trở thành cuộc đối thoại thân tình, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Đồng chí Tẩn A Sơn, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 345 cho biết: “Là người dân tộc Dao, tôi tham gia tổ tuyên truyền đặc biệt, trực tiếp xuống địa bàn để phổ biến pháp luật cho người dân. Chính sự gần gũi, thân thuộc trong cách nói chuyện, tiếp xúc giúp tôi tạo được niềm tin, khiến bà con tiếp nhận thông tin tốt hơn”.  

Tại Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2, Đoàn KT-QP 356, một mô hình tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa mang tên “Tự học tiếng Mông” đã được Đội tổ chức và duy trì đều đặn. Mỗi tuần hai buổi tối, doanh trại lại rộn ràng những âm điệu, những câu chào, lời đối đáp... Các buổi học diễn ra trong không khí cởi mở, gần gũi. Không có giáo viên chuyên nghiệp, những cán bộ đã có kinh nghiệm hay thường xuyên tiếp xúc với bà con trở thành thầy giáo của đồng đội. Họ truyền đạt cho nhau những từ, những câu nói thông dụng, từ cách chào, hỏi thăm sức khỏe đến việc trao đổi về mùa vụ, cây trồng, vật nuôi. Những câu chuyện về phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc sắc của người Mông cũng được lồng ghép, giúp cán bộ, chiến sĩ không chỉ biết tiếng mà còn thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất và con người nơi đây.

(còn nữa)

Bài và ảnh: TUẤN TRANG OANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.