Ở nhiều bản làng heo hút của tỉnh Lai Châu và Lào Cai, có một thời, chuyện tảo hôn, nghiện hút hay hôn nhân cận huyết thống được coi là bình thường trong nếp nghĩ của người dân. Nhưng giờ đây, khi bộ đội khoác ba lô về bản mang theo tri thức cùng nhiều mô hình phát triển kinh tế thì những suy nghĩ lạc hậu, cái đói, cái nghèo đang dần lùi lại phía sau.

Sáng cái đầu

Trong chuyến đi thực tế lần này, chúng tôi được nghe, được biết nhiều câu chuyện đáng nhớ. Đó là những buổi tuyên truyền giữa nương ngô, những lớp học xóa mù chữ được mở giữa mùa gặt vội vàng hay ánh mắt trong veo của lũ trẻ lần đầu được cắp sách tới trường... Theo chân cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 356, chúng tôi vào bản Pờ Sa, xã Sì Lở Lầu (Lai Châu). Tại nhà anh Vàng A Lử, bà con quây quần bên bếp lửa nghe Trung tá Ngô Anh Ngọc, Chính trị viên Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2 tuyên truyền về tác hại của ma túy và hệ lụy nếu tiếp tay cho tội phạm ma túy. Bằng giọng nói nhẹ nhàng, dễ hiểu, anh Ngọc kể cho bà con nghe một số trường hợp thanh niên từng vướng vào ma túy dẫn đến gia đình tan vỡ, thậm chí không ít trường hợp bị xử lý hình sự.

“Người lạ rủ vác hàng thuê, bảo là đồ khô hay thuốc chữa bệnh, cũng cần phải thận trọng kiểm tra, xác minh kỹ”. Nhiều người gật đầu trước lời khuyên của Trung tá Ngô Anh Ngọc. Theo anh Ngọc, trước đây, tình trạng người nghiện, buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới ở khu vực này diễn biến rất phức tạp. Nhiều bản từng bị coi là “điểm nóng” về tệ nạn, một số gia đình có tới 2, 3 người vướng vào ma túy. Cả bản gần như “đóng kín cửa” với người lạ... "Chúng tôi phải kiên trì cắm bản, không chỉ vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật mà còn giúp bà con có sinh kế ổn định, để người dân không phải túng quá mà làm liều”, anh Ngọc chia sẻ.

Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345 hướng dẫn người dân thôn Lao Chải, xã Y Tý (Lào Cai) trồng cây sâm đất.

Vì nhiều nguyên nhân mà tại các xã biên giới của tỉnh Lào Cai trong vùng dự án do Đoàn KT-QP 345 quản lý, có nhiều bản rất khó khăn về giao thông, y tế và giáo dục. Nhiều hộ còn thiếu ăn lúc giáp hạt, con cái không được học hành. Cùng với đó, một số gia đình vẫn duy trì hủ tục như: Có bệnh không đến bệnh viện hay trạm y tế xã để khám, điều trị mà tìm gọi thầy mo; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nghiện rượu, bia... khiến đói nghèo đeo bám.

Thượng tá Lê Viết Xuân, Phó chính ủy Đoàn KT-QP 345 cho biết: "Trước thực trạng đó, lãnh đạo, chỉ huy Đoàn KT-QP 345 rất trăn trở, đặt câu hỏi làm sao để giúp bà con đẩy lùi hủ tục, từng bước phát triển kinh tế-xã hội. Đảng ủy Đoàn KT-QP 345 họp bàn và quyết định cử cán bộ xuống bản thực hiện "4 cùng" với dân, tập trung vào địa bàn khó khăn; cử cán bộ, đảng viên xuống sinh hoạt với các chi bộ thôn, bản để nắm tình hình địa bàn, kịp thời đề xuất với chính quyền địa phương giải pháp xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, địa bàn an toàn. Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền bằng tiếng của đồng bào, xây dựng các mô hình “Bản không tảo hôn”, “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, “Hộ sản phụ an toàn” ngay trong cộng đồng... từ đó dần giúp bà con "sáng cái đầu", thay đổi nếp nghĩ, cách làm".

No cái bụng

Theo thống kê của Đoàn KT-QP 356, năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của các xã trên địa bàn đơn vị phụ trách là gần 100%. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm còn khoảng 39%. Dù vẫn còn cao nhưng đây là sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân và hiệu quả từ các dự án kinh tế do Đoàn KT-QP 356 đảm nhận. Đặc biệt, điều mà bà con tâm đắc nhất là việc Đoàn đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay để giúp đỡ, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế.

Cán bộ và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 tuyên truyền pháp luật tại bản Pờ Sa, xã Sì Lở Lầu (Lai Châu).

Ở bản Hoang Thèn, xã Sì Lở Lầu, trước đây, bà con chỉ trồng lúa nương, sản lượng thấp. Nhằm giúp đỡ bà con, Đoàn thí điểm mô hình trồng lúa nước trên diện tích 9,9ha. Nhưng để vận động bà con chuyển sang trồng lúa nước là rất gian nan, thậm chí Đoàn KT-QP 356 còn phải cam kết “nếu mất mùa, đơn vị sẽ chịu trách nhiệm chu cấp cái ăn cho cả bản”. Vụ mùa đầu tiên thất bại do khi lúa bén rễ thì gặp nạn ốc bươu vàng, toàn bộ 9,9ha lúa mất trắng. Thực hiện cam kết, Đoàn đã chu cấp gạo ăn cho cả bản và tiếp tục vận động bà con trồng mới. Đất không phụ công người, vụ mùa thứ hai, bản Hoang Thèn thu hoạch lúa với sản lượng cao chưa từng có. Đồng chí Giàng A Pô, Trưởng bản Hoang Thèn cho biết: “Từ khi được cán bộ Đoàn KT-QP 356 hướng dẫn trồng lúa nước, đến nay, mỗi năm, bà con thu hoạch 2 vụ nên không còn sợ đói nữa”.

Tại tỉnh Lào Cai, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 345 cần mẫn cùng người dân phát nương, làm ruộng đã trở nên quen thuộc và gần gũi. Đóng quân trên địa bàn trọng yếu, nhiều khó khăn, đơn vị đã tập trung xây dựng các dự án sát với tập quán canh tác, chăn nuôi của bà con, đồng thời thực hiện phương châm không làm thay, làm hộ mà chỉ vận động, hỗ trợ, giúp đỡ để bà con làm là chính. Theo đó, Đoàn cấp cây, con giống ban đầu, giúp đỡ, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt, để bà con tự trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc. Từ năm 2021 đến nay, Đoàn KT-QP 345 đã đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng các mô hình, như: Nuôi trâu, bò sinh sản, dê, lợn đen, ngan đen bản địa; trồng chuối, bơ, bưởi, na, trồng cây dược liệu như quế, atiso, đương quy...

Cùng với đó, Đoàn phát động phong trào để cán bộ, nhân viên tự học, tự rèn nâng cao kiến thức quản lý kinh tế, kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo bền vững ở địa phương; hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ khoa học vào phát triển sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Dọc đường vào bản, ngắm nhìn rừng quế, đương quy, atiso được trồng kín trên các vạt đồi bát úp, thấp thoáng những ngôi nhà sàn, nhà mái bằng mới xây khang trang, chúng tôi nhận thấy một cuộc sống mới bình yên, đủ đầy hơn ở nơi đây...

(còn nữa)

Bài và ảnh: TUẤN TRANG OANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.