Tại huyện Bảo Lâm, địa phương có đông người Lô Lô sinh sống với hơn 1.300 người, sống chủ yếu ở các xóm Cà Mèng, Cà Đổng, Cà Pẻn A, Cà Pẻn B (xã Đức Hạnh). Người dân sống tập trung thành từng làng, bản nhỏ từ 10 đến 30 hộ. Điều đặc biệt là người Lô Lô đen ở đây sống tập trung, không có dân tộc nào sống xen kẽ.

leftcenterrightdel
Tổ chức lớp truyền dạy nghề truyền thống Lô Lô tại xã Đức Hạnh (Bảo Lâm, Cao Bằng). 

Người Lô Lô còn giữ được các nét đặc trưng văn hóa đặc sắc của mình như: Tiếng nói, trang phục, kiến trúc, các nghi thức tế lễ như tế thần đất, cầu mưa, thờ thần đá, cúng ma khô. Đặc biệt, trống đồng - bảo vật vô giá về vật chất và tinh thần của người Lô Lô vẫn được duy trì, giữ gìn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân, huyện Bảo Lâm đầu tư làm đường giao thông, điện lưới đến các thôn; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, làm chuồng trại; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng. Qua đó, những khó khăn từng bước được tháo gỡ, đồng bào Lô Lô phấn khởi tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường. Hiện nay người dân đã và đang áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thay thế cây lúa, cây ngô như: Cây sắn, trồng cây sa mộc lấy gỗ, cây hồi và cây sở để chưng cất lấy dầu cho hiệu quả kinh tế cao…

leftcenterrightdel

Lớp học được tổ chức giúp người dân tộc Lô Lô hiểu biết hơn về nghề truyền thống dân tộc mình, đồng thời góp phần lưu giữ và truyền dạy lại con em. 

Trong năm 2022, Bảo Lâm đã tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô lần thứ nhất tại xóm Cà Đổng, trên nền tảng tái hiện lại những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Lô Lô; thu hút hơn 1.100 người Lô Lô tham dự và gần 1.000 người là du khách, khách mời đến tham dự ngày hội.

Đặc biệt, trong năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ năm 202-2025) thuộc Dự án 9, Tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn trên địa bàn huyện Bảo Lâm, trong tháng 11 và 12-2023, Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện tổ chức các lớp truyền dạy nghề truyền thống dân tộc Lô Lô. Cụ thể như nghề đan lát, thêu thùa, dệt vải tại 4 xóm: Cà Đổng, Cà Pẻn A, Cà Pẻn B và cà Mèng (xã Đức Hạnh) với sự tham gia của 288 học viên; trong đó có 48 nghệ nhân trực tiếp truyền dạy nghề dệt vải, quay sợi, kỹ thuật cắt, khâu, thêu, ghép vải trên trang phục truyền thống và truyền dạy đan lát.

leftcenterrightdel
Các học viên đang được nghệ nhân truyền dạy cách dệt vải.

Anh Nông Văn Nam, một trong số học viên tham gia lớp học nghề đan lát chia sẻ: “Tôi thấy việc tổ chức các lớp truyền dạy nghề truyền thống như thế này rất hiệu quả, vừa giúp tôi và bà con trong xóm hiểu biết hơn về nghề truyền thống dân tộc mình, đồng thời góp phần lưu giữ và truyền dạy lại con em dân tộc Lô Lô sau này”.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Bảo Lâm cho biết: “Việc tổ chức lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống nhằm góp phần bảo tồn, trao truyền những tri thức dân gian và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô và gắn với phát triển du lịch; nâng cao hiểu biết về vai trò của nghề thủ công truyền thống trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy các thế mạnh của địa phương. Đồng thời, đây cũng là một trong những nhiệm vụ góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 thuộc Dự án 9, Tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn đang được Bảo Lâm thực hiện”.

leftcenterrightdel
Đồng chí Đoàn Trọng Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm (thứ 3 từ phải sang) cùng lãnh đạo huyện Mèo Vạc (Hà Giang) khảo sát tiềm năng phát triển du lịch tại xã Đức Hạnh (Bảo Lâm, Cao Bằng). 

Là địa phương có nhiều giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cũng như bản sắc văn hóa đặc trưng, thời gian tới, huyện Bảo Lâm tiếp tục quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc Lô Lô trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Bài, ảnh: HÀ LINH – LÃNH TRỌNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan