Lớn lên cùng bộ áo chàm và khung dệt quen thuộc của người Nùng, chưa bao giờ bà Nông Thị Thao ở thôn Khuôn Thê lại cảm thấy tiếc nuối như bây giờ. Bà Thao cho biết, ở Khuôn Thê có 104 hộ dân đều là người dân tộc Nùng, nhưng giờ chỉ còn sót lại vài ba chiếc khung dệt vải, nguyên nhân một phần là không có người làm, phần cũng vì kinh tế thị trường đã khiến nghề dệt không tìm được chỗ đứng. 

Cũng như bao thiếu nữ Nùng nơi đây, ngay từ nhỏ, bà Thao đã quen với cây thoi, khung cửi được làm từ gỗ, tre, nứa. Từng tấm vải cứ thế được hoàn thiện bởi đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, nghề dệt cũng theo đó truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành một nghề truyền thống của dân tộc. Bà Thao cho biết: “Hai mươi năm về trước, ở Khuôn Thê, nhà nào cũng trồng bông trên khắp các triền núi, đến mùa thu hoạch, bông bung nở trắng xóa cả một vùng trời. Bông sau khi thu hoạch được quay vòng xe sợi để dệt vải. Tuy nhiên theo thời gian, nghề dệt ở đây đã dần bị mai một”.

leftcenterrightdel

 Các bà, các mẹ truyền dạy nghề dệt cho lớp trẻ ở Khuôn Thê, Phúc Ứng.

Từ khi Chương trình 1719 được triển khai, người Nùng ở Khuôn Thê được tiếp thêm nguồn lực từ các cấp, các ngành để hồi sinh nghề dệt truyền thống. Từ đó, các bà, các mẹ trong thôn vận động các hộ gia đình duy trì, gìn giữ nghề dệt vải, nhuộm chàm và thêu thùa. Chị Hoàng Thị Len, một trong 3 hộ dân hiện đang giữ gìn nghề dệt ở thôn Khuôn Thê cho biết: “Nhờ có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hiện nay chúng tôi đang nỗ lực mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Mong rằng từ đây nghề dệt vải của đồng bào dân tộc Nùng ở Khuôn Thê sẽ được lưu giữ cho mai sau”. 

Theo chị Len, để dệt được một tấm vải mất khoảng 2-3 ngày, trong đó cầu kỳ và mất công nhất là công đoạn xe sợi, lên khung, việc này đòi hỏi người thợ phải có sự kiên trì, tỉ mỉ, cẩn thận mới có thể tạo ra được sợi chỉ đẹp. Vải sau khi dệt sẽ được ngâm vào màu chàm trộn với nước vôi. Sau khi có được tấm vải nhuộm màu ưng ý là đến công đoạn thêu hoa văn phù hợp với từng chiếc áo, quần, túi xách, khăn đội đầu... Trên các sản phẩm của dân tộc Nùng, hoa văn chủ yếu là các họa tiết hình tròn, bố cục cân xứng, mô phỏng lại mặt trời, ngôi sao với nhiều màu sắc rực rỡ. Việc thêu thùa với con gái người Nùng trước kia rất được coi trọng, bởi nhìn vào từng đường kim mũi chỉ là có thể biết được sự khéo léo của các cô gái.

Đồng chí Lê Đức Vân, Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Thê cho biết: “Sản phẩm vải dệt ở Khuôn Thê rất độc đáo, từng đường kim mũi chỉ đều mềm mại, hoa văn uyển chuyển đặc sắc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất sau khi hồi sinh nghề truyền thống là quy mô sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu, hiện nay sản xuất chỉ mang tính nhỏ lẻ, phạm vi gia đình. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất thêm nhiều biện pháp góp phần tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Đồng thời tăng cường quảng bá các sản phẩm do bà con làm ra để trở thành hàng hóa, từ đó khôi phục mạnh mẽ nghề dệt truyền thống của người Nùng nơi đây”.

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.