Trở thành cán bộ chính trị

Tôi hẹn gặp Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền tại nhà riêng, nhưng ông bảo: "Để mình đến Sở chỉ huy Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3), nơi mình đã gắn bó gần 20 năm. Mình có nhiều kỷ niệm ở đó. Với lại, lâu rồi cũng chưa gặp anh em ở Sư đoàn 10"…

Khi tôi đang trao đổi với Đại tá Hồ Sĩ Chiến, Phó chính ủy Sư đoàn 10, thì đồng chí trợ lý tuyên huấn của Sư đoàn vào báo cáo, Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền đã đến Sở chỉ huy Sư đoàn. Dù đến sớm hơn so với lịch hẹn, song Phó chính ủy Hồ Sĩ Chiến bảo: "Chúng ta ưu tiên gặp Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền trước, để thủ trưởng không phải chờ lâu". 

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền. 

Gặp tôi, Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền giới thiệu: "Nhà riêng của tôi ở số 153, đường Trần Phú, tổ 4, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Từ nhà đến Sở chỉ huy Sư đoàn chưa đến hai cây số, nên tôi chủ động đến với anh em". Rồi ông bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền quê ở xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu (nay là phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai), tỉnh Nghệ An. Ông nhập ngũ tháng 8-1976, biên chế vào Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 26, Sư đoàn 31, Quân khu 4 (nay thuộc Quân đoàn 3). Sau khi hoàn thành đợt huấn luyện chiến sĩ mới, tháng 9-1977, Nguyễn Duy Quyền cùng Sư đoàn 31 (lúc này biên chế về Quân đoàn 3) hành quân vào miền Đông Nam Bộ, đứng chân ở địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tháng 4-1978, chiến sĩ Nguyễn Duy Quyền biên chế về Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 922, Sư đoàn 31 (Quân đoàn 3), cùng đơn vị hành quân lên Xa Mát (Tây Ninh), bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc. Lúc này, Nguyễn Duy Quyền là nhân viên quân lực của Tiểu đoàn 5. Tháng 9-1978, với năng lực công tác tốt, Nguyễn Duy Quyền được sư đoàn lựa chọn, cử đi đào tạo lớp cán bộ chính trị cấp đại đội. Tháng 3-1979, hoàn thành chương trình lớp học, phong quân hàm thiếu úy, Nguyễn Duy Quyền được bổ nhiệm Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10. Lúc này, đơn vị đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Từ đây, Nguyễn Duy Quyền bắt đầu sự nghiệp của một cán bộ làm công tác Đảng, công tác chính trị.

Tháng 7-1979, Nguyễn Duy Quyền cùng đơn vị trong đội hình Quân đoàn 3 hành quân ra miền Bắc, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Công tác năng nổ, trách nhiệm, đầu năm 1980, Chính trị viên Đại đội 2 được cử đi đào tạo lý luận chính trị Trường Đảng Quân đoàn 3 (sau này sáp nhập thành Trường Quân sự Quân đoàn 3 hiện nay).

Học xong, Nguyễn Duy Quyền được phân công về làm trợ lý tổng hợp của cơ quan chính trị Quân đoàn 3. Đến tháng 8-1985, Nguyễn Duy Quyền đi đào tạo tại Học viện Chính trị. Sau khi tốt nghiệp, tháng 8-1988, Nguyễn Duy Quyền được phân công trở lại Quân đoàn 3, bổ nhiệm Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10) và Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 66 vào tháng 4-1990…

Vượt qua tháng năm gian khó

Quân đoàn 3 thành lập tại Mặt trận Tây Nguyên ngày 26-3-1975, gồm các đơn vị đã từng chiến đấu và công tác ở các tỉnh Tây Nguyên như Kon TumGia Lai, Đăk Lăk nhiều năm. Sau khi cơ động chiến đấu, tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1987, toàn bộ đội hình Quân đoàn 3 cơ động về đứng chân trên các tỉnh Tây Nguyên.

Được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 66 khi các đơn vị Quân đoàn 3 đã trở lại Tây Nguyên được gần một năm. “Bấy giờ, đời sống của cán bộ, chiến sĩ quân đội gặp rất nhiều khó khăn, Quân đoàn 3 còn khó khăn hơn. Ở nơi đóng quân mới lại trên địa bàn rộng lớn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ cao, còn nhiều phong tục, tập tục lạc hậu; tổ chức, biên chế của quân đoàn cũng có nhiều xáo trộn. Sư đoàn 10 lúc đó chỉ có Trung đoàn 66 biên chế đủ quân, các Trung đoàn 24, 28 thành khung rút gọn; Trung đoàn 4 giải thể", Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền kể.

Những năm đầu về đóng quân ở Tây Nguyên, gian khổ nhất với cán bộ, chiến sĩ của quân đoàn là chịu đựng thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; dịch bệnh hoành hành, nhất là bệnh sốt rét. Đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ tử vong do sốt rét ác tính. Công tác giáo dục tư tưởng, nhận thức tốt nhiệm vụ cho bộ đội là yêu cầu đặt lên hàng đầu. Phó chủ nhiệm Chính trị Nguyễn Duy Quyền cùng tập thể chỉ huy Ban Chính trị tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 66 và Sư đoàn 10 về những nội dung, giải pháp phù hợp và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ. Không chỉ là động viên bộ đội, cán bộ các cấp phải sâu sát, bám bộ đội và gương mẫu thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ cơ quan, cán bộ trung đoàn và tiểu đoàn, đại đội cùng ăn cơm bếp tập thể với bộ đội, chia ngọt, sẻ bùi, đồng cam, cộng khổ. Từ đó, bộ đội tin yêu cán bộ, yên tâm tư tưởng, nỗ lực huấn luyện tốt, sẵn sàng chiến đấu cao và tham gia các đợt công tác huấn luyện làm công tác dân vận trên địa bàn hiệu quả.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền (bên phải) trò chuyện với Phó chính ủy Sư đoàn 10 Hồ Sĩ Chiến.

Tháng 7-1992, Nguyễn Duy Quyền được điều động và bổ nhiệm Phó trung đoàn trưởng về chính trị Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 và là Bí thư Đảng ủy Trung đoàn. Nhiệm vụ trước mắt và quan trọng hàng đầu mà Đảng uỷ Trung đoàn xác định tập trung lãnh đạo là ổn định tổ chức, củng cố nơi ăn ở của bộ đội và phòng, chống dịch bệnh.

Bí thư Đảng ủy Nguyễn Duy Quyền cùng cán bộ chỉ huy trung đoàn thường xuyên đến kiểm tra các tiểu đoàn, đại đội; đối thoại với cán bộ, chiến sĩ cấp dưới; giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh ở đơn vị. Hiện tượng quân phiệt, bớt xén chế độ tiêu chuẩn của chiến sĩ đều được các cấp ủy Đảng, chỉ huy xem xét, xử lý và khắc phục ngay. Nhờ đó, mặc dù ở Tây Nguyên gian khổ, khó khăn, nhưng nhiều năm, Trung đoàn 28 không có cán bộ, chiến sĩ thoái thác nhiệm vụ, đào bỏ ngũ. Trung đoàn 28 được Ban chỉ huy sư đoàn tin tưởng, chọn xây dựng điểm, điển hình và giao nhiệm vụ đi đầu trong công tác dân vận.

“Một trong những giải pháp để cán bộ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, với vùng đất Tây Nguyên là hợp lý hóa gia đình cho cán bộ. Tôi đã cùng với Ban chỉ huy Trung đoàn 28 tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 10 đề nghị Quân đoàn, liên hệ với địa phương cấp đất để cán bộ làm nhà và đưa vợ con vào sinh sống lập nghiệp. Tôi cưới vợ năm 1982 và khi đó vợ tôi – Phan Thị Lượng, người cùng quê, chưa có công ăn việc làm ổn định. Năm 1994, nhân một lần vào thăm tôi, đi qua những khu đất còn hoang hóa ở thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum), nên nói với tôi muốn dời quê vào đây sống cho gần chồng. Tôi đem câu chuyện của vợ, trao đổi với cán bộ trung đoàn. Anh em thấy điều đó rất nên và động viên tôi đưa vợ con vào Kon Tum sinh sống. Sau khi có chủ trương, nhất trí của Quân đoàn và địa phương, tôi và một số cán bộ của các đơn vị thuộc Sư đoàn đưa vợ con vào đây. Nay thì không chỉ thành phố Kon Tum, nhiều địa phương ở tỉnh Kon Tum, Gia Lai… đã có phố bộ đội, làng bộ đội Quân đoàn 3”, Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền nhớ lại.

Gắn bó với đồng bào Tây Nguyên

Gần 10 năm (1992-2001) trên cương vị Phó trung đoàn trưởng về chính trị, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 28, Nguyễn Duy Quyền cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn tổ chức đơn vị huấn luyện, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, hằng năm đều đạt tiêu chuẩn “Đơn vị huấn luyện giỏi”. Trung đoàn 28 còn là đơn vị đi đầu trong công tác dân vận, tham gia giúp các địa phương xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế, văn hoá xã hội.

Nhiều đợt trung đoàn hành quân dã ngoại, làm công tác dân vận hoặc tổ chức lực lượng đến tận làng, xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum, Phó trung đoàn trưởng về chính trị Nguyễn Duy Quyền trực tiếp phụ trách, lãnh đạo, triển khai thực hiện với phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc) với nhân dân. Có những đợt đi giúp dân của các đội công tác kéo dài đến hai năm, hoàn thành các nội dung, mục tiêu và bàn giao địa phương, đội mới rút về đơn vị.

Tôi hỏi về những đợt công tác điển hình mà ông nhớ nhất, Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền bảo: “Các đợt công tác có nhiều, vì hằng năm sau mỗi giai đoạn huấn luyện, đơn vị đều hành quân dã ngoại làm công tác dân vận. Rồi dịp lễ, tết, đơn vị tổ chức đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ lương thực; tổ chức cho bộ đội chuẩn bị Tết và ăn Tết với đồng bào. Điển hình nhất là thực hiện chỉ đạo của Sư đoàn, Trung đoàn 28 cử lực lượng khoảng một đại đội, luân phiên vào giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố cơ sở chính trị và giúp dân lao động, xây dựng mô hình sản xuất, làm kinh tế gia đình, ổn định đời sống…”.

Rồi ông kể về những năm 1994-1995, xã Đắk Kôi, huyện Kon Plông (nay là huyện Kon Rẫy) đời sống của nhân dân rất khó khăn. Theo đề nghị của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Kon Tum, Quân đoàn 3 giao Sư đoàn 10 tổ chức đội công tác đến giúp chính quyền và nhân dân xã Đắk Kôi. Sư đoàn 10 giao Trung đoàn 28 tổ chức lực lượng, quân số 1 đại đội hành quân vào giúp dân.

Trung tá Nguyễn Duy Quyền khi đó trực tiếp lãnh đạo, phụ trách đội công tác. Cán bộ, chiến sĩ của đội về xã, ăn ở và cùng làm với nhân dân, hướng dẫn đồng bào khai hoang đồng ruộng, trồng lúa nước, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh… Sau 2 năm, đời sống của nhân dân xã khá lên, ổn định, đội công tác mới bàn giao cho huyện. Hiện nay xã Đăk Kôi có kinh tế, xã hội phát triển, đời sống của nhân dân ổn định, đang nỗ lực xây dựng xã đạt các tiêu chí nông thôn mới.   

Còn ở xã Đắk Long (huyện Đăk Glei, Kon Tum), đời sống nhân dân khó khăn, trên địa bàn lại hình thành những tà đạo mị dân, thờ tự trái phép. Cũng theo đề nghị của địa phương, Phó trung đoàn trưởng về chính trị Nguyễn Duy Quyền được Sư đoàn 10 giao phụ trách tổ chức đội công tác của Trung đoàn 28 về Đắk Long. Sau gần 2 năm vận động đồng bào, bám dân, bám làng và phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 28 đã xây dựng, củng cố cơ sở chính trị vững vàng; nhân dân tin yêu bộ đội, những hủ tục dần xóa bỏ, tà đạo không còn hoạt động ở xã. Cũng như vậy, năm 1998-1999, Trung đoàn 28 tổ chức đội công tác về xã Hiếu (huyện Kon Plông, Kon Tum) để giúp dân cải tạo đồng ruộng, phát triển đồi rừng, chăn nuôi, hướng dẫn nhân dân làm ăn, phát triển kinh tế. Sau 2 năm, xã Hiếu phát triển, trung đoàn bàn giao cho địa phương…

Sau này, khi được bổ nhiệm chỉ huy cơ quan chính trị, Phó chính ủy, Chính uỷ Sư đoàn 10; Phó chủ nhiệm, Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó chính ủy, Chính ủy Quân đoàn 3, Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị làm tốt công tác dân vận, gắn bó với đồng bào, tuyên truyền, vận động nhân dân tin ở Bộ đội Cụ Hồ và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước…

Quan tâm đến cán bộ cấp dưới    

Trưởng thành từ chiến sĩ, lại công tác chủ yếu ở Tây Nguyên, đảm nhiệm nhiều vị trí công tác ở cơ sở, nên Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của cán bộ dưới quyền. Khi đương nhiệm, ông thường đến các đơn vị kiểm tra, thăm hỏi và quan tâm, chỉ đạo cơ quan giải quyết ngay những đề xuất, kiến nghị của cấp dưới. Ông thường nhắc cán bộ cơ quan và trực tiếp đến đơn vị đối thoại với cán bộ, chiến sĩ.

“Là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, ngoài toàn tâm, toàn ý với công việc, còn phải quan tâm toàn diện đến cán bộ cấp dưới, nhất là ở cơ sở. Tôi cùng với tập thể Đảng ủy Quân đoàn xác định phải xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh vững vàng, năng lực công tác tốt. Tôi yêu cầu cấp ủy các cấp, cơ quan chức năng nắm chắc chất lượng cán bộ, theo phân cấp để nắm đến từng cán bộ, có kế hoạch bồi dưỡng, quản lý cán bộ thật tốt, đồng thời cần tạo ra môi trường để rèn luyện cán bộ từ thực tiễn. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được mối đoàn kết, thống nhất trong cán bộ, cấp ủy, chỉ huy đơn vị; làm tốt công tác chính sách, hậu phương quân đội và tạo điều kiện về nơi ở cho gia đình cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, để bộ đội yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị”, Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền cho biết.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền nghỉ hưu năm 2018 ở tuổi 60. Về địa phương, ông tích cực tham gia các hội, đoàn thể ở địa phương, gương mẫu chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Bài và ảnh: ĐÌNH XUÂN