Đồng chí Nguyễn Đình Hoàng sinh năm 1959, quê ở Bình Phú, Tây Sơn, Nghĩa Bình (nay là tỉnh Bình Định). Năm 1978, khi bọn phản động Pol Pot tiến đánh biên giới Tây Nam, anh đã viết đơn bằng máu xung phong lên đường nhập ngũ: “Trước cảnh đau thương, tang tóc như vậy, bản thân tôi là người đoàn viên, thanh niên không thể ngồi yên được nên tôi tự cắt tay, lấy máu của mình viết đơn xin tình nguyện xung phong gia nhập lực lượng vũ trang để trực tiếp cầm súng đánh quân thù, trả thù cho đồng bào, đồng chí của mình”.

Những di vật của liệt sĩ Nguyễn Đình Hoàng được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 5 đã giúp chúng tôi hiểu rõ lý tưởng và sự can trường của anh. "Con đang làm nhiệm vụ quốc tế vẻ vang của người thanh niên, thật sự hiểu được những đau khổ, mất mát dưới chế độ diệt chủng mà người dân Campuchia chịu đựng. Bản thân con cũng đau khổ, căm hờn chẳng khác gì họ... Ba má, anh chị và các em hãy tự hào vì đã có người con, người em trai đi làm người lính tình nguyện..." (trích thư đồng chí Nguyễn Đình Hoàng gửi về nhà năm 1983); “...

Bà mẹ Campuchia rót nước cho các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Ảnh tư liệu 

25 ngày đêm nằm phục vất vả, anh em chúng tôi phải chịu đựng cái nắng gay gắt của khu rừng khộp, ăn ngày 3 bữa cơm vắt, nước lại khó khăn, chỉ đảm bảo cho mỗi đồng chí từ 0,8 lít đến 1 lít trong ngày, 25 ngày đêm không tắm, không giặt nhưng vẫn quyết tâm tiêu diệt Pol Pot, tìm Pol Pot mà đánh, tìm đường Pol Pot đi mà phục..." (trích báo cáo thành tích cá nhân của đồng chí Nguyễn Đình Hoàng về trận đánh vào tháng 12-1985). Ngoài những di vật của Nguyễn Đình Hoàng và hình ảnh về chiến trận, chúng tôi còn thấy những hình ảnh cao quý của Bộ đội Cụ Hồ-“Đội quân nhà Phật”-trên đất nước chùa tháp: Tắm cho trẻ em, hớt tóc cho nhân dân, bảo vệ nhân dân thu hoạch lúa, xây dựng sân chơi và giúp nhân dân nước bạn tự bảo vệ mình...

Ngày 23-10-1988, trong lúc về đơn vị, chuyến xe định mệnh chở Đại úy Nguyễn Đình Hoàng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 733, Sư đoàn 315 bị Pol Pot phục kích. Chiếc xe bị bắn cháy, đồng chí Nguyễn Đình Hoàng anh dũng hy sinh, để lại niềm tiếc thương và truyền ngọn lửa cách mạng cho đồng chí, đồng đội. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, tháng 12-1989, liệt sĩ Nguyễn Đình Hoàng được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

THANH NHÀN