Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã trả lời báo chí những nội dung quan trọng xung quanh sự kiện này.

PV: Thưa Thứ trưởng, Việt Nam gia nhập Công ước ICCPR từ khi nào và đã có những bước triển khai ra sao?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Công ước ICCPR là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, với 173 quốc gia thành viên. Công ước bảo đảm các quyền dân sự, chính trị cơ bản, như quyền sống, quyền an toàn cá nhân, tự do ngôn luận, lập hội, tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tham gia quản lý xã hội...

Việt Nam gia nhập Công ước từ ngày 24-9-1982. Tại Phiên đối thoại lần thứ ba năm 2019 ở Geneva, Việt Nam đã trình bày báo cáo giai đoạn 2002-2017. Sau đối thoại, Ủy ban Nhân quyền đưa ra nhiều khuyến nghị. Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện, đồng thời hoàn thiện pháp luật và tăng cường bảo đảm các quyền dân sự, chính trị trong thực tiễn.

 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh: Việt Nam luôn coi trọng và nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với việc bảo đảm quyền con người, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước. Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”, “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân”.

Đối với lĩnh vực tư pháp, Đảng xác định rõ mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Nhà nước pháp quyền, bản chất là nơi pháp luật giữ vị trí tối cao. Đảng và Nhà nước ta thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền chính là để bảo đảm quyền con người, tự do cá nhân, công bằng, bình đẳng.

Nghị quyết số 27-NQ/TW (năm 2022) của Trung ương cũng yêu cầu tiếp tục thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.

Nghị quyết số 66-NQ/TW (năm 2025) của Bộ Chính trị cũng khẳng định rõ yêu cầu đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm thực chất các quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do hợp đồng, sự bình đẳng của các doanh nghiệp, khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia...

Những chủ trương này đều nhằm bảo đảm xã hội phát triển bền vững, tự do, bình đẳng, hạnh phúc, thịnh vượng cho tất cả mọi người, tức là bảo đảm tốt hơn các quyền con người.

PV: Thưa Thứ trưởng, việc thể chế hóa các chủ trương nêu trên đang được thực hiện ra sao?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Quan điểm coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.

Hiến pháp 2013 ghi nhận: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Đồng thời, yêu cầu mọi người phải tôn trọng quyền của người khác, việc thực hiện quyền không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền hợp pháp của người khác.

Những năm qua, Quốc hội đã ban hành nhiều luật, nghị quyết liên quan đến quyền con người, quyền công dân, góp phần cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế. Quy trình ban hành luật cũng được hoàn thiện, với các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục lấy ý kiến nhân dân để bảo đảm quyền của đối tượng tác động, cũng là để bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, nhiều luật về xử lý vi phạm, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội cũng được hoàn thiện để phòng ngừa, xử lý các hành vi xâm phạm quyền con người.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp luật có liên quan để tạo điều kiện cho các cá nhân được thụ hưởng quyền của mình ở mức độ cao nhất có thể. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, xã hội.

Hàng loạt chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh xã hội được ban hành, nâng cao mức sống, điều kiện phát triển toàn diện cho người dân. Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

PV: Thưa Thứ trưởng, Đoàn Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào cho Phiên đối thoại tới đây?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Bộ Tư pháp đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng Báo cáo với sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến các nội dung của Công ước. Dự thảo Báo cáo được tham vấn các cơ quan, tổ chức liên quan theo đúng hướng dẫn của Ủy ban Nhân quyền. 

Trên cơ sở Báo cáo quốc gia lần thứ 4 của Việt Nam, theo quy trình của Ủy ban Nhân quyền, ngày 28-5-2024, Ủy ban Nhân quyền đã đưa ra Danh sách các vấn đề quan tâm đối với Báo cáo ICCPR lần thứ 4 của Việt Nam. Bộ Tư pháp đã phối hợp các bộ, ngành xây dựng báo cáo trả lời, gửi Ủy ban vào tháng 12-2024.

Đồng thời, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch bảo vệ Báo cáo ICCPR lần thứ tư, thành lập Đoàn công tác liên ngành với 9 bộ, ngành tham gia.

Đoàn đã rà soát toàn diện các khuyến nghị của Ủy ban từ năm 2019, Danh sách vấn đề quan tâm năm 2024 và hơn 50 báo cáo độc lập từ các tổ chức phi chính phủ để chủ động chuẩn bị nội dung.

PV: Xin Thứ trưởng chia sẻ thêm về mục tiêu, dự định của Đoàn Việt Nam tại Phiên đối thoại?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Chúng tôi xác định đây là dịp để Việt Nam báo cáo những nỗ lực, kết quả trong việc thực hiện công ước.

Đoàn Việt Nam tham gia trên tinh thần cởi mở, chân thành, hợp tác, xây dựng. Trong Phiên đối thoại, chúng tôi sẽ tập trung vào một số thông điệp như Việt Nam đang tập trung thực hiện nhiều đột phá có tính cách mạng để đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong đó có việc đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 

Việc mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý Nhà nước ngày càng được chú trọng hơn, bảo đảm và bảo vệ tốt hơn các quyền dân sự, chính trị của người dân. Khẳng định Việt Nam luôn dành sự quan tâm và ưu tiên nguồn lực tốt nhất có thể và sẽ tiến hành các biện pháp đồng bộ để thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền dân sự, chính trị… Những thông tin, bằng chứng được đưa ra tại Báo cáo cũng như Phiên đối thoại sẽ là câu trả lời rõ ràng, phản bác những thông tin còn sai lệch về tình hình quyền con người tại Việt Nam. 

Với những vấn đề được đề cập nhưng chưa chính xác, chưa khách quan về tình hình quyền con người tại Việt Nam, chúng tôi xác định sẽ thẳng thắn đối thoại, không né tránh. Đối với những nội dung đã rõ, chúng tôi sẽ thông tin ngay, còn vấn đề chưa đủ thông tin thì chúng tôi sẽ đề nghị cung cấp thông tin để kiểm tra và trả lời sau. 

Chúng tôi cũng xác định tham gia Phiên đối thoại trên tinh thần cầu thị, cởi mở đối với các vấn đề được đề cập để tiếp thu, tiếp tục thúc đẩy những nội dung chúng ta đã thực hiện tốt. Đồng thời, cũng có cách tiếp cận phù hợp để thúc đẩy thực thi Công ước một cách hiệu quả hơn nữa. 

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng và chúc Đoàn Việt Nam có một Phiên đối thoại thành công!

CHIẾN THẮNG (ghi)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.