Trong bài viết, tờ báo bình luận quan hệ Việt Nam - Brazil đang trên đà phát triển mạnh mẽ, trở thành biểu tượng sống động của hợp tác Nam - Nam trong một thế giới đa cực và cạnh tranh. Dù cách nhau nửa vòng Trái Đất, hai quốc gia đã tìm thấy sự kết nối sâu sắc trong lịch sử, văn hóa và khát vọng phát triển.
Việt Nam và Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8-5-1989. Dù ở hai bán cầu nhưng hai quốc gia lại gắn kết bởi những điểm tương đồng nổi bật: Lịch sử đấu tranh giành độc lập, bản sắc văn hóa phong phú và lòng hiếu khách nồng hậu của người dân. Những giá trị này đã trở thành cầu nối, biến tình hữu nghị truyền thống thành những bước tiến chiến lược.
 |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva tại lễ ký xuất khẩu hàng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil.
|
Với cột mốc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2024, Việt Nam và Brazil đang mở ra kỷ nguyên mới của hợp tác toàn diện, trong đó Việt Nam - ngôi sao đang lên ở châu Á - tỏa sáng với tiềm năng kinh tế vượt trội và vai trò chiến lược ngày càng quan trọng.
Bài viết của Novaresistencia nhấn mạnh, kim ngạch thương mại Việt Nam - Brazil đã tăng trưởng vượt bậc từ 1,5 tỷ USD năm 2011 lên hơn 7,7 tỷ USD năm 2024, tăng hơn 5 lần trong hơn một thập kỷ. Sự tăng trưởng này phản ánh tính bổ trợ chiến lược giữa hai nền kinh tế khi Việt Nam củng cố vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các sản phẩm nổi bật của Việt Nam như thủy sản, dệt may, giày dép, cao su, thép và hàng công nghiệp chế biến không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường Brazil mà còn đa dạng hóa nguồn cung cho quốc gia Nam Mỹ này. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, với các sản phẩm như tôm và cá tra đạt tiêu chuẩn quốc tế, rất được ưa chuộng tại Brazil.
Ngược lại, Brazil - với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị thế cường quốc nông nghiệp - đã cung cấp các sản phẩm chiến lược như đậu nành, ngô, lúa mì, bông, khoáng sản và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu nông nghiệp và công nghiệp chế biến của Việt Nam. Tính bổ trợ này tạo ra chuỗi giá trị bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai thị trường.
Tuy nhiên, tiềm năng kinh tế của Việt Nam không chỉ dừng ở các sản phẩm truyền thống. Với chiến lược phát triển kinh tế hiện đại, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành trung tâm công nghệ cao, kinh tế số, năng lượng sạch và công nghệ sinh học. Việt Nam là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh và linh kiện điện tử lớn nhất thế giới, với các thương hiệu như Samsung, Apple và Intel thiết lập cơ sở sản xuất tại đây.
Với mục tiêu đầy tham vọng đạt kim ngạch thương mại song phương 10 tỷ USD vào năm 2025 và 15 tỷ USD vào năm 2030, Việt Nam và Brazil đang xây dựng nền tảng cho giai đoạn hợp tác kinh tế toàn diện, trong đó Việt Nam - với tốc độ tăng trưởng nhanh, vị trí chiến lược và mạng lưới FTA rộng lớn - đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa Brazil và châu Á.
Bài báo nhấn mạnh quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Brazil là biểu tượng của sự đoàn kết và khát vọng của các quốc gia đang phát triển. Với lòng tin chính trị làm nền tảng, hợp tác kinh tế - thương mại làm động lực và ngoại giao văn hóa làm cầu nối, hai nước đang xây dựng một mô hình hợp tác tiêu biểu, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và đóng góp vào hòa bình, ổn định toàn cầu.
TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.