1. Công cuộc đổi mới của Đảng ta bắt đầu từ Đại hội VI (tháng 12-1986) mở ra thời kỳ phát triển mới cho cách mạng Việt Nam. Như một mốc son chói lọi, đổi mới mang tầm vóc một cuộc cách mạng, bắt đầu từ đổi mới tư duy để thay đổi toàn diện, triệt để, sâu sắc các lĩnh vực đời sống. Sau gần 4 thập niên nhìn lại càng phải khẳng định tư duy, bản lĩnh đổi mới của Đảng ta thật quý giá, lớn lao vô cùng.
Nền văn nghệ cách mạng Việt Nam đa dạng, giàu sức sống hôm nay cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh-người có công định hướng, mở đường cho sự nghiệp đổi mới sâu sắc, toàn diện. Những câu nói của đồng chí đã đi vào lịch sử văn hóa dân tộc như chiếc chìa khóa vàng mở ra chân trời sáng tạo: “Nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật”, “Hãy cởi trói cho văn nghệ sĩ”, “Tự cứu mình trước khi trời cứu”...
Đổi mới là một quy luật tất yếu của đời sống. Đổi mới văn nghệ là tất yếu của tất yếu. Vì thuộc lĩnh vực tinh thần với đặc thù tư duy bằng cái tôi cá tính để sáng tạo những hình tượng nghệ thuật đơn nhất, không lặp lại nên phải luôn mới mẻ.
 |
Công chúng tham quan Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - cuộc đời và sự nghiệp”. Ảnh: HOÀNG HOÀNG
|
2. Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, hai ngày 6 và 7-10-1987 trở thành sự kiện đặc biệt đánh dấu thời kỳ sáng tạo mới. Đó là hai ngày gặp gỡ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ. Theo tường thuật, trong gần 15 tiếng đồng hồ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói 5 phút mở đầu, trước khi kết thúc cuộc gặp, đồng chí phát biểu 50 phút, còn lại là lắng nghe. Đó là dấu hiệu đổi mới rõ nhất: Đảng ta rất quan tâm, trân trọng, thể hiện tinh thần dân chủ, chăm chú lắng nghe tiếng nói của văn nghệ sĩ. Thuật ngữ “cởi trói” mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dùng, sẽ sống mãi, bởi đó là linh hồn của đổi mới về văn nghệ. Trước hết là đổi mới về tư tưởng: “Ðừng bẻ cong ngòi bút, phải viết cái điều mình nghĩ”. Là công việc vô cùng gian nan, phức tạp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tiên liệu trước sự khó khăn qua lời chúc ân tình, sâu sắc, tinh tế: “Tôi chúc các đồng chí mạnh khỏe, kiên trì và dũng cảm”.
Đổi mới văn nghệ, xét đến cùng là trả lời các câu hỏi: Đổi mới những gì? Làm thế nào để thực hiện? Vì sao chưa có tác phẩm hay? Làm gì để có nhiều tác phẩm hay? Những điều này đã được nói nhiều, xin nói thêm về sự “cởi trói” ở ngay chính đội ngũ văn nghệ sĩ. Tiêu biểu là câu chuyện về bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Hoàn thành từ năm 1982, nhưng chưa được công chiếu vì có dư luận nói “có vấn đề”.
Tháng 10-1983, Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem phim và nhắc nhở phải tổ chức chiếu công khai phim này. Nhưng có sức mạnh vô hình nào đó, phim vẫn không được ra rạp. Phải đến tháng 5-1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trực tiếp xem và yêu cầu cho công chiếu, mới được nghiêm túc thực hiện. Như vậy, sự “cấm đoán” có khi không ở “bên trên”, mà sợi dây vô hình trói buộc tư tưởng văn nghệ sĩ nằm trong chính đội ngũ. Phải chăng có sự “sợ bóng sợ gió” không đâu? Phải chăng có sự đố kỵ, sự thiếu trân trọng, yêu thương, giúp đỡ nhau chân thành?...
3. Con thuyền văn nghệ Việt Nam sau năm 1986, như có người chèo lái mới, như có thêm lực đẩy mới, đi đúng vào quỹ đạo hướng gió đổi mới thuận chiều của đất nước, kiêu hãnh vươn mình trên biển cả cuộc đời, hướng về chân trời độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội nên đã gặt hái những thành quả lớn lao. Nhiều tên tuổi mới xuất hiện trên văn đàn như: Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Dạ Ngân, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Anh Thái, Mai Văn Phấn, Lê Ngọc Trà, Đỗ Lai Thúy...
Nhìn từ thực tiễn, là những mùa gặt hái chưa bao giờ có nhiều thành tựu như vậy. Dấu ấn nổi bật của văn học là 3 tác phẩm văn xuôi xuất sắc cùng được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991: “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh), “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (Nguyễn Khắc Trường), “Bến không chồng” (Dương Hướng). Trên sân khấu kịch, những vở kịch nói của Lưu Quang Vũ làm xôn xao dư luận, thắp sáng đèn các rạp ở Thủ đô và các thành phố lớn, được đón nhận cả trên sân khấu quốc tế. Trong trang phục màu sắc dân tộc kết hợp với hiện đại, hội họa Việt Nam tự tin bước ra thế giới. Nhiều triển lãm của các họa sĩ trẻ được mở trong nước, ngoài nước. Nhiều phim Việt Nam tham dự các liên hoan phim quốc tế đoạt giải cao...
Xét về sự đổi mới theo cả chiều sâu, bề rộng, phải kể đến công lao của lý luận phê bình. Đây chính là nền tảng cho sự đổi mới thành công. Đó là sự giới thiệu những tên tuổi cũng là những nhà tư tưởng lớn của thế giới: V.I.Propp, M.Bakhtin, M.Lotman, M.Foucault, R.Barthes, J.Derrida, G.Genette, S.Freud, C.G.Jung, M.Heidegger... Nhìn chung cả 8 khuynh hướng, trường phái lý thuyết (hình thức Nga, phê bình mác xít, phê bình mới, chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học, chủ nghĩa hậu cấu trúc, chủ nghĩa hậu hiện đại, phê bình phân tâm học, phê bình hiện tượng luận) đã có mặt ở nước ta, ảnh hưởng khá rõ đến một số nghiên cứu, nhất là ở các luận án tiến sĩ.
Các hướng nghiên cứu ưu trội trên thế giới như thi pháp học, tự sự học, phân tâm học và văn học, nghệ thuật, mỹ học tiếp nhận, so sánh văn học, ký hiệu học, lý thuyết diễn ngôn, phê bình sinh thái... đã được ứng dụng rộng rãi. Cũng cần khẳng định nhờ tài năng cá nhân nhà văn, kế thừa thành quả ngôn ngữ văn hóa dân tộc, cùng sự tiếp thu cách viết mới từ nước ngoài mà chúng ta có các tác phẩm văn học khá xuất sắc...
4. Tư tưởng đổi mới văn hóa, nghệ thuật của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã trở thành tài sản văn hóa của dân tộc. Không chỉ tạo nên những giá trị mới, tư tưởng quý giá đó còn để lại những bài học tỏa sáng lâu dài.
Một là, bài học bám sát vào sự lãnh đạo của Đảng. Căn cứ vào thực tiễn từ đổi mới năm 1986 đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII ngày 16-7-1998 của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”... đã mang đến một sức sống mới cho văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Đó là ánh sáng, là điểm tựa cho văn nghệ phát triển. Dưới cờ Đảng, văn học, nghệ thuật cần thực hiện tốt sứ mệnh phục vụ nhân dân, đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hai là, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nêu khẩu hiệu “Nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật” chính là một cụ thể hóa quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin coi hiện thực là nguồn gốc của nhận thức. Là một hình thái ý thức, văn nghệ càng phải đi sâu vào mảnh đất hiện thực, phải ngụp lặn xuống tận đáy dòng sông cuộc đời để nắm bắt, tìm hiểu, khái quát, mô tả bản chất cuộc sống. Thoát ly hiện thực, nghệ thuật nhất định khô héo. Chỉ có từ đời sống, bắt nguồn từ đời sống mới có thể nảy nở những tài năng. Không có cách nào khác, muốn rèn luyện tài năng, người nghệ sĩ phải trở về cái gốc của nghệ thuật là đời sống sự thật muôn màu muôn vẻ.
Ba là, lịch sử văn hóa nhân loại cho thấy bất kỳ sáng tác lớn nào cũng đều được bắt nguồn từ truyền thống và có những dấu ấn cách tân cá nhân rất rõ. Như vậy, sáng tạo phải bay nhịp nhàng trên đôi cánh truyền thống, dân tộc và đổi mới, hiện đại.
Bốn là, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, để cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo (AI), như cây xanh, người nghệ sĩ phải cần cù cắm sâu các chùm rễ khỏe mạnh vào các mảnh đất truyền thống dân tộc, văn minh thế giới và cuộc sống đương đại; vươn cao cành lá vào bầu trời thời đại quang hợp ánh sáng lý tưởng của Đảng, của tình yêu hòa bình, hữu nghị thì mới có thể kết được những trái tác phẩm vừa mang tính mẫu số chung của văn hóa nhân loại, vừa có hương vị tư tưởng riêng. Như đã nói ở trên, việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lập trường, bản lĩnh cho văn nghệ sĩ là rất quan trọng, phải được rèn luyện thường xuyên, thực chất, hiệu quả.
PGS, TS, nhà văn NGUYỄN THANH TÚ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.