Ngay từ thời niên thiếu, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia vào các phong trào đấu tranh của học sinh và công nhân tại Hải Phòng, một trong các trung tâm của phong trào cách mạng ở miền Bắc. Ngày 28-9-1928, thực hiện chủ trương "vô sản hóa" do Kỳ bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đề ra, nhiều hội viên đã vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng lao động và sinh hoạt với công nhân để tuyên truyền giác ngộ cách mạng.
Năm 1930, Đảng bộ Hải Phòng lãnh đạo phát động phong trào quần chúng đấu tranh nhân Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Hơn 1.000 công nhân đại diện cho các nhà máy, xí nghiệp thành phố đã tổ chức mít tinh đấu tranh phản đối các án tử hình đối với tù chính trị. Nguyễn Văn Linh và các bạn cùng học ở Trường Jandu, Trường Bonnan của Pháp tham gia rất tích cực vào các hoạt động này.
 |
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp mặt đoàn đại biểu dự Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi giỏi toàn quốc (13-11-1988). Ảnh: TTXVN |
Sáng 1-5-1930, Nguyễn Văn Linh cùng 2 học sinh được tổ chức giao nhiệm vụ rải truyền đơn dọc phố Cát Dài (Hải Phòng). Lúc sinh thời, đồng chí kể lại: "Buổi sáng sớm hôm đó, vào giờ tập thể dục, chúng tôi đi đầu trần, chân đất, mặc quần cụt cùng với bó truyền đơn trong tay với nhiệm vụ là rải truyền đơn dọc theo phố Cát Dài. Chúng tôi không hay biết ở ngã tư của phố thường có cảnh binh đứng đó. Bởi vậy khi rải tới ngã tư, cảnh binh phát hiện và bắt cả ba chúng tôi"(1).
Các đồng chí bị cảnh binh đưa về giam ở Sở mật thám Hải Phòng. Tại đây, chứng kiến những hành động tra tấn, khủng bố của kẻ thù đối với những người cách mạng, Nguyễn Văn Linh không hề run sợ. Đồng chí bị tòa án thực dân kết án 18 tháng tù và đưa về giam tại khám Lớn Hải Phòng.
Ngày 16-11-1930, tù chính trị là đảng viên cộng sản trong khám Lớn ở Hải Phòng nhất loạt tuyệt thực để phản đối sự đàn áp dã man những người tù cộng sản. Họ nắm tay nhau cùng hát vang Quốc tế ca. Ngày 26-1-1931, thực dân Pháp đưa 191 tù chính trị, trong đó có 72 người tù cộng sản ra xử tại phiên tòa đặc biệt ở thị xã Kiến An, cách trung tâm Hải Phòng 10km, Nguyễn Văn Linh cũng bị chúng đưa ra xử lại tại phiên tòa này.
Mặc dù chưa đến tuổi thành niên, Nguyễn Văn Linh bị chúng kết án phát lưu chung thân, cùng với mức án 18 tháng tù chúng xử trước đó. Bản lĩnh vững vàng và sự kiên cường của các chiến sĩ cộng sản lớp đàn anh khiến Nguyễn Văn Linh tăng thêm chí khí cách mạng. Đồng chí không hề run sợ trước những lời tuyên án của bọn quan tòa thực dân.
Mùa đông năm 1931, thực dân Pháp đưa Nguyễn Văn Linh và nhiều chiến sĩ cách mạng khác đày ra Côn Đảo. Chuyến đi đày ấy có cả những chiến sĩ cộng sản bị bắt và bị giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Tháng 5-1936, Mặt trận bình dân Pháp thắng cử, Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp chỉ thị cho chính quyền thuộc địa Đông Dương thực hiện việc đại xá tù chính trị. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được trả tự do, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh... đã lên Hải Phòng, sau đó trở về Hà Nội, khẩn trương tìm bắt liên lạc với tổ chức, hăng hái bước vào cuộc chiến đấu mới.
Tuy nhiên, vào đầu thập niên 1940, phong trào cách mạng lại bước vào giai đoạn thử thách đầy cam go. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nước Pháp nhảy vào vòng chiến, nhưng liên quân Anh - Pháp luôn bị thất bại nặng nề trước đòn tấn công của phát xít Đức. Ngày 22-6-1940, Chính phủ Pháp đầu hàng liên quân Đức-Italy. Để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương, ngày 22-9-1940, quân Nhật đổ bộ vào Hải Phòng, đánh chiếm Lạng Sơn. Cùng ngày, tại Hà Nội, chính quyền thuộc địa đầu hàng, ký hiệp ước thỏa thuận cho Nhật được sử dụng lãnh thổ Bắc Kỳ vào mục đích quân sự.
Từ chối đề nghị của những người cộng sản về việc liên minh phòng thủ Đông Dương, vừa đầu hàng quân Nhật, chính quyền thuộc địa vừa tăng cường đàn áp những người cộng sản và phong trào cách mạng. Không khí khủng bố lan tràn khắp nơi, nhiều cơ sở cách mạng và tổ chức đảng bị phá vỡ; nhiều cán bộ, đảng viên bị địch bắt, bị giết và bị tù đày. Tại Trung Kỳ, đầu năm 1941, đồng chí Nguyễn Văn Linh không may sa vào tay giặc. Các đồng chí Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Vũ Văn Hiếu, Nguyễn Văn Linh cùng hàng trăm đồng chí trung kiên khác bị kẻ thù đẩy xuống tàu, đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Sau cuộc Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 thắng lợi ở Hà Nội, ngày 25-8-1945, nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn và vùng phụ cận khởi nghĩa giành được chính quyền. Cùng ngày, bọn Nhật cho tàu ra Côn Đảo chở hết lính Nhật, Pháp về đất liền. Với những thuận lợi ấy, Đảng uỷ Côn Đảo quyết định thực hiện chủ trương giành chính quyền trên đảo bằng phương pháp hòa bình.
Sau một số cuộc thảo luận và gây sức ép với tên chúa đảo Lê Văn Trà, Hội đồng Liên hiệp quốc dân Côn Đảo, một hình thức chính quyền ở Côn Đảo được thành lập với sự tham gia lãnh đạo của các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Văn Sĩ (Võ Sĩ). Chiều 17-9-1945, các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Sĩ cùng anh em trên đảo tổ chức cuộc mít tinh mừng chiến thắng và đón chào phái đoàn của Xứ uỷ và nhân dân Nam Bộ ra đón những người con của Đảng, của dân tộc trở về đất liền, chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới.
Hành trình hai lần bị tù đày tại Côn Đảo (1931-1936; 1941-1945) là minh chứng sống động cho tinh thần bất khuất, lòng kiên trung và ý chí cách mạng sắt đá của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Trong mọi hoàn cảnh, đồng chí luôn giữ vững chí khí cách mạng, niềm tin vào lý tưởng cộng sản, với ý chí kiên cường, không khuất phục trước bạo lực của kẻ thù. Đặc biệt, với tinh thần cảnh giác cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh thường xuyên phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện dao động, chiêu hồi hay làm tay sai cho địch trong hàng ngũ tù nhân. Bằng lý lẽ sắc bén, phẩm chất mẫu mực, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cảm hóa, thuyết phục nhiều đồng chí giữ vững niềm tin, cùng nhau vượt qua những tháng ngày đen tối nhất. Sự kiên định trong lý tưởng, sự mẫu mực trong hành động và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng của đồng chí là tấm gương sáng cho bao lớp cán bộ, đảng viên noi theo.
 |
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm và nói chuyện với bà con nông dân HTX Tùng Phong, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Nghệ Tĩnh, nay là Hà Tĩnh (từ 23 đến 27-5-1990), nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu. |
Những năm tháng trong lao tù đế quốc không chỉ là nơi giam giữ thân xác của những người cộng sản, mà còn là nơi thử thách tận cùng về tinh thần, niềm tin và lý tưởng. Trong chốn lao tù đế quốc, một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất của những người cộng sản là đấu tranh tư tưởng, bảo vệ khí tiết cách mạng, đồng thời tổ chức lực lượng để chuẩn bị cho những trận tuyến phía trước. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện một bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí kiên cường và khả năng tổ chức xuất sắc trong bối cảnh ấy.
Trong hai lần bị giam giữ tại Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chứng kiến và trải qua những điều kiện sinh hoạt vô cùng khắc nghiệt: “Nằm ngoài khơi xa, nước sâu, sóng lớn, để cách ly tù nhân với cuộc sống đời thường, thực dân Pháp đã chuyển hết số dân ít ỏi ngoài quần đảo về đất liền. Sống trên đảo chỉ có chúa đảo, cai ngục và tù nhân. Vì vậy, những thủ đoạn đối xử tàn bạo, giết hại người tù và sự đấu tranh, phản kháng của người tù dường như chìm vào biển cả. Xà lim, roi vọt và bệnh tật cùng các chế độ hà khắc của nhà tù thực dân từng ngày huỷ hoại cuộc sống người tù. Từ lâu, nơi đây đã lưu truyền những câu ca ai oán: Côn Lôn đi dễ khó về, Sống nương núi Chúa, thác về Hàng Keo”(2).
Sau này, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trong bức thư đồng chí gửi cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), ngày 30-8-1990, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập trường, đồng chí chia sẻ: "Côn Đảo, cái địa ngục trần gian ấy đã trở thành trường học đào tạo cả về văn hóa và đặc biệt là về cách mạng cho chúng tôi". Trong ký ức của đồng chí, những buổi học tiếng Pháp, các lớp huấn luyện lý luận Mác-Lênin, những buổi thảo luận nhỏ, những tài liệu chép tay bí mật... không chỉ là việc học tập đơn thuần mà còn là hình thức giữ gìn ngọn lửa cách mạng, củng cố niềm tin vào lý tưởng và tương lai dân tộc. Tinh thần học tập trong tù không chỉ giới hạn trong phạm vi những người cộng sản mà còn lan tỏa tới các tù nhân thuộc Quốc dân Đảng và thường phạm. Đó là minh chứng hùng hồn cho sức sống của lý tưởng cách mạng và cho thấy rằng không một gông cùm nào có thể trói buộc được khát vọng vươn lên và ánh sáng chân lý.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã tận dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại, nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua"(3).
 |
Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Báo Hưng Yên. |
Thực tế cho thấy, là một trong những người trẻ tuổi nhất bị giam giữ tại Côn Đảo thời điểm ấy, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã sớm thể hiện bản lĩnh chính trị, tinh thần ham học hỏi và ý chí vượt khó. Không chỉ tích cực học tập, đồng chí còn là người tổ chức, khơi nguồn và dẫn dắt các hình thức học tập trong tù, từ văn hóa, ngoại ngữ đến lý luận chính trị. Những trang báo tiếng Pháp, những câu chuyện về cách mạng Tháng Mười Nga, về Nguyễn Ái Quốc, về Chủ nghĩa Mác-Lênin... được truyền tay nhau một cách cẩn trọng nhưng không kém phần sôi nổi, đã tạo nên không khí học tập đặc biệt giữa chốn lao tù. Hình ảnh một người tù trẻ tuổi với gương mặt đăm chiêu, tay không rời sách vở, miệng mấp máy ôn bài giữa bốn bức tường ngục tối là minh chứng sống động cho tinh thần vượt lên hoàn cảnh, cho ý chí tự học và sự khao khát tri thức không ngơi nghỉ.
Có thể khẳng định, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là minh chứng thuyết phục cho nhận định: Phẩm chất, năng lực, uy tín của những nhà lãnh đạo lớn không chỉ được hun đúc bằng những tháng năm hoạt động sôi nổi bên ngoài, mà còn bằng cả những năm tháng âm thầm rèn luyện trong gian khổ của chốn lao tù. Nhà tù không thể dập tắt lý tưởng, mà trái lại, trở thành nơi ươm mầm trí tuệ, tôi luyện bản lĩnh, và ở đó, Nguyễn Văn Linh đã tỏa sáng như một ngọn lửa dẫn đường. Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đồng chí Nguyễn Văn Linh trên cương vị Tổng Bí thư sau này đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.
TS ĐỖ MINH TRÍ, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.
(1).Lê Điệp - Chí Thành: Nơi ấy, tôi đã trưởng thành. In trong Nguyễn Văn Linh, Hành trình cùng lịch sử, Nxb Trẻ, Hà nội, 2015, tr.36.
(2).Nguyễn Văn Linh tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.41.
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, 2011, t.12, tr.402.