Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 25-1-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 25-1
Sự kiện trong nước
- Ngày 25-1-1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 119/SL, thành lập Cục Tổng Thanh tra Quân đội quốc gia Việt Nam (nay là Thanh tra Bộ Quốc phòng). Đây là tổ chức thanh tra cấp bộ đầu tiên trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, để thực hiện nhiệm vụ: “Kiểm tra việc chấp hành các mệnh lệnh quân sự, chính trị, chấp hành kỷ luật quân đội, đề nghị thưởng phạt, thuyên chuyển cán bộ”. Việc thành lập Cục Tổng Thanh tra Quân đội quốc gia Việt Nam khẳng định vai trò và sự cần thiết của công tác thanh tra trong quân đội. Ngày 25-1-1948 trở thành ngày truyền thống ngành thanh tra quốc phòng.
 |
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Lê Chiêm trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất tặng Thanh tra Bộ Quốc phòng. Ảnh: Qdnd.vn |
Trong suốt 74 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, đội ngũ cán bộ ngành thanh tra quốc phòng luôn kế thừa và phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ thanh tra là tai mắt của Đảng và Chính phủ, tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”.
- Ngày 25-1-1969 là ngày khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị bốn bên về Việt Nam ở Paris. Đây là một sự kiện chính trị ngoại giao nổi bật của Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). Tại cuộc đàm phán này ta kiên quyết đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền Sài Gòn, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam.
 |
Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự phiên khai mạc Hội nghị bốn bên về Việt Nam tại Paris ngày 25-1-1969. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
- Ngày 25-1-1983: Hội đồng nhà nước công bố Lệnh tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 66 đơn vị và 13 cá nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Ngày 25-1-1984: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 44/CT tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú cho 189 nghệ sĩ các ngành nghệ thuật biểu diễn. Đây là đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ đầu tiên ở nước ta.
- Ngày 25-1-1991: Đền Đô được công nhận là di tích lịch sử vǎn hóa. Ngôi đền này xây dựng từ thế kỷ thứ XI trên đất làng Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là nơi phát tích của nhà Lý, thờ 8 vị vua triều Lý (nên còn gọi là đền Lý Bát Đế). Lễ hội đền Đô được tổ chức hằng nǎm từ ngày 15-3 đến 17-3 âm lịch để tưởng nhớ vua Lý Thái Tổ đǎng quang (ngày 15-3 nǎm Canh Tuất - 1010).
Sự kiện quốc tế
- Ngày 25-1-1924: Thế vận hội mùa đông Olympic lần thứ nhất được tổ chức tại Chamonix, Pháp. Tổng cộng 258 vận động viên đến từ 16 quốc gia đã tham gia tranh tài ở 6 môn thể thao.
 |
Các vận động viên Anh tham gia thi đấu tại Thế vận hội mùa Đông 1924. Ảnh: kienthuc.net.vn |
- Ngày 25-1-1954, hội nghị ngoại trưởng 4 nước Liên Xô, Anh, Pháp Mỹ họp ở Berlin nhằm giải quyết việc thống nhất nước Đức. Hội nghị kết thúc ngày 18-2-1954 mà không mang lại kết quả nào về việc thống nhất nước Đức. Tuy nhiên các bên tham dự đồng ý lời đề nghị của Ngoại trưởng Liên Xô Molotov mở cuộc đàm phán bao gồm 5 nước lớn tại Genève vào ngày 26-4-1954 để bàn về việc hòa giải và tái lập hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương.
- Ngày 25-1-2004: NASA đưa thành công hai robot lên thám hiểm sao Hỏa.
Theo dấu chân Người
- Ngày 25-1-1924, báo “Đời sống thợ thuyền” đăng bài báo của Nguyễn Ái Quốc có nhan đề là “Phong trào công nhân Viễn Đông”. Bài báo nhắc đến phong trào công nhân tại thành phố Osaka Nhật Bản mà ở đó sức mạnh đoàn kết giai cấp đã buộc giới chủ phải hoảng sợ. Đó là những nét mới trong phong trào công nhân ở Viễn Đông, xứ sở gần gũi với Đông Dương.
- Ngày 25-1-1944 là ngày đầu năm Giáp Thân, trong khi đang tiến hành vận động quốc tế, từ Liễu Châu (Trung Quốc) Bác gửi lời chúc qua tờ “Đồng Minh” với nhan đề “Chào Xuân”: “…Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng / Viết bài chào Tết, chúc thành công!”.
 |
Bác Hồ tặng quà các cháu thiếu nhi Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu |
- Ngày 25-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thông tư cho Ủy ban Trung bộ chỉ đạo việc đối xử đối với một số quan lại trong chế độ cũ đã tham gia các vụ đàn áp phong trào cách mạng. Thông tư yêu cầu “Các Uỷ ban địa phương cần phải tỏ rõ thái độ rộng lượng với các cựu công chức và quan lại ấy. Nếu không thấy nhân dân oán hờn thì cứ để họ sống yên ổn” vì “Chính phủ muốn để cho họ cơ hội được giác ngộ khiến họ tự ý tham gia vào phong trào kháng chiến kiến quốc một cách thành thực và mong chuộc lại những lỗi lầm”.
- Ngày 25-1-1948, Bác gửi tới cụ Ưng Úy, một cựu quan lại cao cấp và là người của Hoàng tộc nhà Nguyễn cũ, thân sinh ra nhà bác học Bửu Hội đang sống tại Huế một bức thư “…xin mời cụ tham gia kháng chiến để chúng ta tiếp tục sự nghiệp bỏ dở của các vị tiền bối Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân là đánh đuổi thực dân Pháp để giành độc lập cho dân tộc, cho Tổ quốc”.
Đáp lại, cụ Ưng Úy đã lên chiến khu và ra lời tuyên bố: "Tôi vốn là cựu quan chức Nam triều và là người trong Hoàng gia. Nay thực dân Pháp thực hiện mưu mô lấy người Việt trị người Việt, tôi phẫn uất quá nên tôi phải dời nhà lên chiến khu, nguyện theo Chính phủ để giúp một phần hiểu biết vào công cuộc kháng chiến cho đỡ nỗi phẫn uất trong lúc tuổi già..."
- Ngày 25-1-1953, trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ âm mưu và hành động hiếu chiến của thực dân Pháp trong tình thế thất bại của chúng. Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta: “tuy thắng lợi nhiều, chúng ta quyết không được chủ quan, khinh địch” (tr.27). Người khẳng định, “kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ và gian khổ. Và từ nay cuộc chiến tranh giữa ta với địch sẽ gay go, phức tạp hơn”.
- 20 năm sau, ngày 25-1-1963 tức ngày mồng Một Tết Quý Mão, trong “Lời chúc mừng năm mới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Càng thương đồng bào miền Nam, chúng ta càng phải lao động cần cù, phấn đấu hăng hái hơn nữa cho Bắc Nam mau được sum họp một nhà” và nhắc lại cái chân lý mà cách đó 17 năm (1946) Bác đó từng nêu lên: “Nước Việt Nam ta là một, / Dân tộc Việt Nam ta là một. / Dù cho sông cạn đá mòn, / Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Chủ tịch Tiệp Khắc Antonin Novotný thăm bệnh viện Việt – Tiệp, Hải Phòng (ngày 25-1-1963). Ảnh: TTXVN |
- Ngày 25-1-1963, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Chủ tịch Tiệp Khắc Antonin Novotný tiếp các vị đại diện Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến chúc Tết. Sau đó, Người đi chúc Tết cán bộ, công nhân Nhà máy ô tô Hòa Bình, bà con xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội), một đơn vị bộ đội bảo vệ Thủ đô, một đơn vị cảnh sát nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và một đơn vị trực thuộc Cục Cảnh vệ thuộc Bộ Công an.
(Sách Hồ Chí Minh ngày này năm xưa – Tập 1)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Phải có một Quân đội đánh giỏi và một hậu phương vững chắc", “Mỗi một người công nhân, mỗi một người nông dân đều phải biết đánh giặc”. “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”.
(Sách Hồ Chí Minh toàn tập – Nxb Chính trị Quốc gia sự thật – tập 8)
Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Lênin dạy” đăng trên Báo Nhân dân, số 161, từ ngày 21 đến ngày 25-1-1954. Đây là thời điểm quân và dân ta đang mở các chiến dịch lớn tiến công địch trên các chiến trường; kế hoạch Nava của thực dân Pháp đang trên đà phá sản; cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của nhân dân ta tiến đến giai đoạn quyết định, cần phải có sức mạnh tổng lực của lực lượng quân sự hùng mạnh và nguồn hậu cần tiếp tế hùng hậu, để đáp ứng yêu cầu của cuộc quyết chiến chiến lược giành thắng lợi.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, chiến sĩ tầu hải quân T.524 tại cảng Bãi Cháy. Ảnh: btgtu.lamdong.dcs.vn |
Trong bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lại cho mọi người thấy rõ quan điểm lý luận của Lenin về tính tất yếu phải xây dựng một Quân đội của giai cấp công nhân, cùng với hậu phương vững chắc, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Qua đó, Người chủ trương tập trung củng cố, tăng cường sức mạnh cho Quân đội; cả nước hợp sức, dồn lực, xây dựng hậu phương vững chắc, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng".
Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm ấy đã trở thành định hướng chiến lược về xây dựng sức mạnh lực lượng cách mạng; được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hưởng ứng tích cực; khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, ý chí quyết tâm giành độc lập dân tộc, huy động sức mạnh tổng hợp tham gia xây dựng Quân đội và bảo đảm hậu phương cho tuyền tuyến, giành thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Chủ trương đó tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta vận dụng sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn, cùng quân dân miền Nam thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
Quán triệt sâu sắc quan điển của Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội cách mạng, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên chăm lo giáo dục, rèn luyện, nâng cao sức mạnh tổng hợp, trình độ chiến đấu của Quân đội; tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội, làm cho quân đội ta luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
- Ngày 25-1-1968, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2395 có đăng bài "Quân khu Việt Bắc phấn khởi đón thư khen của Hồ Chủ tịch".
- Ngày 25-1-1969, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2758 có đăng điện mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Hội nghị quốc tế ủng hộ nhân dân các nước A-rập.
THANH HƯƠNG (Tổng hợp)