Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 18-1-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 18-1
Sự kiện trong nước
18-1-1077: Quân Tống do Quách Quỳ và Triệu Tiết chỉ huy tiến đến sông Như Nguyệt (tức sông Cầu ở Bắc Ninh ngày nay). Tại đây, Lý Thường Kiệt chỉ huy quân nhân đã tiêu diệt phần lớn quân tác chiến của Tống (8 vạn tên) và một phần lớn quân tiếp lương, phục vụ (7 vạn tên), buộc chúng phải rút lực lượng còn lại về nước, thừa nhận nền độc lập của nước ta.
18-1-1950: Là ngày diễn ra Trận tập kích của Tiểu đoàn 108 (Mặt trận Hà Nội) đánh sân bay Bạch Mai, căn cứ không quân quan trọng của Pháp nằm cách trung tâm Hà Nội 4 km về phía Nam (nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Từ đầu 1947, sau khi hoàn thành việc tái chiếm Thủ đô Hà Nội, Pháp ráo riết củng cố và sửa sang 2 sân bay Bạch Mai và Gia Lâm nhằm phục vụ cho ý đồ xâm lược, trong đó sân bay Bạch Mai là căn cứ của các loại máy bay ném bom, vận tải vũ khí, tiếp tế lương thực cho các đồn bốt đóng sâu trong hậu phương của ta; hoặc chở quân nhảy dù trong các chiến dịch đánh chiếm vùng tự do.
    |
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô (25-9-1966). Ảnh tư liệu |
    |
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam (9-2-1967). Ảnh tư liệu |
Thực hiện chủ trương của Thành uỷ và Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội, Ban chỉ huy trận đánh được thành lập do Trần Hải, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 108 làm Chỉ huy trưởng và Văn Tân, Chính trị viên Thành đội dân quân Hà Nội làm Chính trị viên.
Sau thời gian nghiên cứu tình hình, Ban chỉ huy trận đánh quyết định sử dụng 32 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 108 trực tiếp tham gia trận đánh, tổ chức thành 3 mũi: mũi 1 có nhiệm vụ đánh phá dãy máy bay về phía đông nam từ đường băng đến bốt thứ 5; mũi 2 có nhiệm vụ đánh phá dãy máy bay về phía tây; mũi 3 có nhiệm vụ đánh kho xăng địch.
Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, được nhân dân và du kích địa phương giúp đỡ, đêm 17 rạng 18-1, các mũi bí mật triển khai chiếm lĩnh trận địa.
Kết quả, ta đã phá huỷ 25 máy bay, 600 nghìn lít xăng, 32 tấn vũ khí, đạn dược và lương thực, diệt 16 quân địch, trong đó có một sĩ quan người Pháp (Lidocti); phía ta hy sinh 1 chiến sĩ.
Trận đánh sân bay Bạch Mai của quân dân Hà Nội diễn ra nhanh gọn và đạt hiệu suất chiến đấu cao ngay tại trung tâm đầu não của địch đã gây tiếng vang lớn, góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động của ta ở Liên khu 3 trong Hè Thu 1950; để lại nhiều kinh nghiệm về cách đánh của bộ đội đặc công trong kháng chiến chống Pháp. Chính phủ đã tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba cho Tiểu đoàn 108.
(Bách khoa toàn thư Quân sự Việt Nam)
18-1-1969: Diễn ra phiên họp đầu tiên của Hội nghị Paris về Việt Nam, tại phòng họp trung tâm của Hội nghị quốc tế Paris. Bốn đoàn đại biểu gồm Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã bàn về việc chuẩn bị cho phiên họp toàn thể lần thứ nhất.
18-1-1993: Sáp nhập Cục Quản lý Khoa học Kỹ thuật, Tổng cục Kỹ thuật với Cục Khoa học Quân sự, Bộ Tổng tham mưu thành Cục Quản lý Khoa học Công nghệ thuộc Bộ Quốc phòng (Quyết định 27/QĐ-QP).
18-1-2002: Nghị quyết (số 10/NQ-TƯ) của Bộ Chính trị (khoá IX) về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010.”
Sự kiện quốc tế
18-1-1943: Là ngày kết thúc Chiến dịch Tia Lửa, Hồng Quân Xô Viết. Đây là một phần chiến dịch quân sự diễn ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Chiến dịch đã phá vỡ cuộc vây hãm Leningrad của phát xít Đức, mở con đường hành lang đến thành phố.
    |
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lán trại của dân du mục ở Tân Cương, Trung Quốc và cùng hát bài “Đồng cỏ vui tươi”, năm 1959. Ảnh: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao |
18-1-1950: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trở thành quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo dấu chân Người
Ngày 18-1-1923, hồ sơ mật thám của Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc tham dự kỳ họp hàng tháng của Hội Liên hiệp Thuộc địa. Đây là tổ chức được thành lập từ năm 1921 tập hợp đông đảo thành viên là người dân các thuộc địa đang sống ở nước Pháp. Tại kỳ họp này, Nguyễn Ái Quốc là một trong những người tham gia sáng lập.
    |
 |
Tại tòa thị chính Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố quyết tâm của dân tộc Việt Nam nhất định không bao giờ chịu làm nô lệ, tháng 9-1946. Ảnh: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao |
Ngày 18-1-1946, nhân dịp Liên hợp quốc họp ở London, thủ đô nước Anh, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ H.Truman lên án hành động chiến tranh của thực dân Pháp đồng thời yêu cầu người đứng đầu Nhà nước Mỹ hãy “can thiệp ngay lập tức và có giải pháp để nhân dân Việt Nam thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đó”. Người nêu rõ: “Sự giúp đỡ to lớn của Cộng hoà Mỹ, của Trung Quốc và Liên hợp quốc về tài chính và kỹ thuật, Cộng hoà Việt Nam chúng tôi sẽ có đủ khả năng góp phần xây dựng nền hoà bình và thịnh vượng chung trên thế giới.”
Ngày 18-1-1960, 10 ngày trước Tết Canh Tý, Bác Hồ đó viết bài “Mừng Tết nguyên đán như thế nào?” đăng trên báo Nhân dân, nêu những điều đáng khen, đáng chê trong việc ăn Tết, nhắc nhở cán bộ phải làm gương, hướng dẫn nhân dân ăn tết vui vẻ, tiết kiệm.
Cũng trong ngày bài báo được đăng, Bác đi thăm tỉnh Kiến An (nay là huyện thuộc thành phố Hải Phòng) gặp gỡ cán bộ và nhân dân tỉnh, Bác nhắc nhở đảng viên phải “thường thường ôn lại, tự liên hệ và giữ đúng những tiêu chuẩn của người đảng viên”. Cùng ngày, Bác thăm và nói chuyện với học sinh Trường miền Nam số 12, Hải Phòng.
Ngày 18-1-1961, cũng trên tờ báo của Đảng, Bác Hồ đó viết bài “Một lòng một dạ phục vụ nhân dân” để phê phán một số hiện tượng tiêu cực, cửa quyền của những cán bộ ngành thương nghiệp quốc doanh.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện tại Lễ bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ VI, ngày 18-1-1949.
Bác nhắc nhở cán bộ, đảng viên về việc này trong thời điểm Đảng ta đang tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công cuộc kháng chiến, kiến quốc chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng dân tộc. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải luôn tự phê bình, nhận rõ những yếu kém, khuyết điểm về đạo đức, quan hệ quần chúng và hậu quả nguy hại từ những yếu kém, khuyết điểm đó. Nhiệm vụ cấp bách mà thực tiễn cách mạng lúc này đang đòi hỏi là phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt với quần chúng nhân dân; từng cán bộ, đảng viên phải tự soi mình, sửa chữa ngay những yếu kém, khuyết điểm về đạo đức, thực hành tiết kiệm, chỉnh sửa lối làm việc, xây dựng tác phong công tác khoa học, gần dân.
    |
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (30-1-1965). Ảnh tư liệu |
Lời nói cùng tấm gương đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh như nguồn sáng tiếp thêm sức mạnh cho Đảng trong nhiệm vụ lãnh đạo nâng cao chất lượng xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thông qua thực hiện lời của Người, những thói hư, tật xấu, lối làm việc cá nhân chủ nghĩa, thiếu khoa học, kém hiệu quả trong cán bộ, đảng viên dần được phát hiện, chấn chỉnh khắc phục, góp phần làm trong sạch Đảng, củng cố đoàn kết trong nội bộ Đảng, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Đến hôm nay, lời của Người năm xưa là tài liệu quý, để cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Điều đó góp phần nâng cao chất lượng xây dựng chỉnh đốn Đảng; kiên quyết đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, lạc hậu; chống các hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng đến xây dựng môi trường văn hóa; ngăn ngừa biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
    |
 |
Tuổi trẻ Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân tham gia hoạt động giáo dục truyền thống. Ảnh: THÀNH TRUNG |
    |
 |
Lãnh đạo Học viện Kỹ thuật Quân sự trao bằng khen của Bộ Quốc phòng tặng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong Phong trào "Thi đua Quyết thắng" năm học 2019-2020. |
Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, là tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người tổ chức, giáo dục, rèn luyện Quân đội ta, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những nội dung sinh hoạt thường kỳ của các chi bộ và cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng.
Việc học tập và làm theo Bác còn được gắn kết chặt chẽ với phong trào “Thi đua Quyết thắng”, các cuộc vận động của các cấp, các ngành, nhất là Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, tr.15)
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 18-1-1966 đăng tin “Hồ Chủ tịch tặng bằng khen cho bộ đội công binh”. Trên bằng khen có ghi dòng chữ: “Binh chủng công binh Quân đội nhân dân Việt Nam đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, dũng cảm vượt khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ, công tác, phục vụ kịp thời chiến đấu, góp phần vào chiến thắng chung của toàn quân và toàn dân.”
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 18-1-1967 đăng ảnh kèm bài viết "Bác Hồ đến dự và nói chuyện tại Đại hội thi đua các đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước". Việc Bác Hồ đến dự khiến mọi người vô cùng xúc động, thấy rõ sự quan tâm chăm sóc ân cần của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đối với thế hệ trẻ.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 18-1-1969 đăng điện mừng của Hồ Chủ tịch gửi Hội nghị quốc tế ủng hộ nhân dân các nước thuộc địa của Bồ Đào Nha và nhân dân các nước châu Phi Nam xích đạo.
    |
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 18-1 các năm 1966, 1967 và 1969. |
    |
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 18-1-1995. |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 18-1-1995 trang trọng đăng lời dạy của Bác: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.”
TƯỜNG VY (tổng hợp)