Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 24-10-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 24-10
Sự kiện trong nước
- Ngày 24-10-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì buổi nói chuyện của ông Lampoué, Giáo sư luật học người Pháp về đề tài Cá nhân và quốc gia, tại phòng kính nhà hát thành phố. Người chỉ vào hai quốc kỳ Pháp và Việt Nam và nói: “Đó là biểu hiện của một sự cộng tác khăng khít” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.472-473).
- Ngày 24-10-1956: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đoàn đại biểu thanh niên Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ Đức và Pháp đến chào Người nhân dịp các đoàn sang Việt Nam dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Người nói chuyện với các đại biểu và nhận tặng phẩm do các đoàn tặng (theo Báo Nhân Dân, số 964, ngày 25-10-1956).
 |
Bác Hồ tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cứu quốc 1956 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu |
- Ngày 24-10-1957, Báo Hànộimới xuất bản số hằng ngày đầu tiên.
Báo Hànộimới - cơ quan của Thành ủy Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô - là kết quả của hai lần hợp nhất giữa các tờ báo khác nhau theo chủ trương của lãnh đạo thành phố.
Ngày 24-10-1957, Thủ đô - tờ báo hằng ngày của Thành ủy Hà Nội ra mắt số báo đầu tiên trên khổ giấy 30x40cm, in một màu. Đây cũng là dấu mốc mà Báo Hànộimới sau này lấy làm ngày kỷ niệm thành lập báo. Ngày 1-1-1959, tờ Thủ đô Hà Nội (hợp nhất từ tờ Thủ đô và Hà Nội hằng ngày) ra số báo đầu tiên. Báo chuyển trụ sở từ phố Hai Bà Trưng về số 44 phố Lê Thái Tổ.
 |
Trụ sở Báo Hànộimới ngày nay. Ảnh: hanoimoi.com.vn |
Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, Báo Hànộimới đã đoàn kết, phát huy được thế mạnh của từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tham gia tích cực vào sự nghiệp thống nhất, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.
- Ngày 24-10-1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về tình hình lãng phí ở Bộ Giao thông - Bưu điện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về tình hình lãng phí ở Bộ Giao thông - Bưu điện. Sau khi nghe báo cáo, Người phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí chủ yếu là do lãnh đạo thiếu đoàn kết, thiếu tinh thần trách nhiệm với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân và góp ý kiến về biện pháp sửa chữa. Người yêu cầu phải chú ý kiểm tra vấn đề lãnh đạo trong các Bộ để đến phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 12 sẽ đưa vấn đề này ra bàn.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 24-10-1901, bà Annie Edson Taylor, một giáo viên người Mỹ đã trở thành người đầu tiên sống sót sau khi mạo hiểm vượt thác Niagara trong một chiếc thùng gỗ.
Bà Annie Edson sinh ra tại Auburn, New York vào năm 1838, trong một gia đình khá giả. Bà trở thành giáo viên sau khi hoàn thành một khóa học kéo dài 4 năm. Trong thời gian này, bà đã gặp người chồng tương lai của mình là David Taylor. Họ kết hôn với nhau và có một cậu con trai, nhưng đứa bé đã chết vài ngày sau khi chào đời. Bi kịch cuộc đời Taylor tiếp diễn khi David thiệt mạng trong Nội chiến.
Sau cái chết của chồng, Taylor đã đi khắp nước Mỹ trước khi định cư tại Bay City, bang Michigan vào năm 1898 và mở một lớp khiêu vũ. Lo sợ về một tương lai nghèo khó, Taylor bắt đầu suy nghĩ về những cách kiếm tiền nhanh chóng. Trong một lần đọc báo về những người mạo hiểm vượt thác Niagara nằm trên biên giới Mỹ - Canada vào tháng 7-1901, bà nghĩ rằng nếu chinh phục thành công, bà có thể nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền.
Phương tiện mà Taylor chọn để vượt thác là một chiếc thùng gỗ có chiều cao 1,5m và nặng 72kg. Nó được làm từ gỗ sồi trắng và được nối với nhau bằng những chiếc vòng sắt. Bên trong là một tấm đệm và một chiếc đai bảo vệ bằng da để giữ cho Taylor không bị quăng quật quá nhiều. Một cái đe nặng 90kg được gắn ở đáy thùng để chiếc thùng giữ được tư thế thẳng đứng khi rơi xuống thác.
Đúng 16 giờ ngày 24-10, Taylor đã cùng hai người bạn của mình chèo thuyền đến đỉnh thác, sau đó trèo vào trong thùng và được đẩy từ trên đỉnh thác Horseshoe ở bên phía Canada xuống dưới. Chưa đầy 20 phút sau, những người cứu hộ đã vớt chiếc thùng lên ngay sau khi nó lao xuống. Taylor vẫn còn sống và chỉ bị trầy xước trên đầu.
- Ngày 24-10-1945: Hiến chương Liên hợp quốc chính thức có hiệu lực
 |
Phiên họp toàn thể lần thứ 32 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 20-7-1977. Ảnh: TTXVN. |
Hiến chương Liên hợp quốc là Điều ước quốc tế được ký ngày 26-06-1945 tại San Fransico và chính thức có hiệu lực từ ngày 24-10-1945.
Bao gồm lời mở đầu và 19 chương chia thành 111 điều khoản, Hiến chương kêu gọi Liên hợp quốc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống, tăng cường luật pháp quốc tế, thúc đẩy việc mở rộng các quyền con người. Theo quy định của Hiến chương, các cơ quan chính của Liên hợp quốc gồm có Ban Thư ký, Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Tòa án Công lý Quốc tế, và Hội đồng Ủy trị Liên hợp quốc (theo U.N. Charter signed,” History.com).
- Ngày 24-10-1949, đúng 4 năm sau khi Hiến chương có hiệu lực, viên gạch đầu tiên được đặt xuống làm nền móng cho trụ sở của Liên hợp quốc ở thành phố New York. Kể từ năm 1945, hơn 10 giải Nobel đã được trao tặng cho Liên hợp quốc và các cơ quan hoặc quan chức của Liên hợp quốc.
MINH ANH (theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011; Báo Nhân Dân; U.N. Charter signed; History.com)