Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 22-10-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 22-10

Sự kiện trong nước

- Ngày 22-10-1946: Buổi sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến phòng bá âm Đài Tiếng nói Việt Nam (lúc đó đặt tại số 4 phố Phạm Ngũ Lão), giải thích bản Tạm ước 14-9 với nhân dân cả nước.

15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của các nhà báo Việt Nam, Pháp và Trung Hoa về những cảm nghĩ của Người trong thời gian ở Pháp và khi về đến Tổ quốc. Trả lời câu hỏi: “Ngoại giao và quốc sách Việt Nam từ đây về sau có gì biến đổi không?”, Người tuyên bố: “Có thể trả lời là không biến đổi gì hết. Về nội chính, Chính phủ từ trước tới giờ vẫn chủ trương đoàn kết để xây dựng nước Việt Nam mới. Về ngoại giao, Chính phủ quyết đòi độc lập, quyết đòi thống nhất, nhưng quyết định ở trong khối Liên hiệp Pháp; đối với các hữu bang, từ trước đến giờ, vẫn theo một con đường thân thiện. Trước thế thì nay vẫn thế, không thay đổi”.

Hồ Chủ tịch thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đoàn Không quân Sao Đỏ tháng 2-1967. Ảnh tư liệu.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và dự Lễ bế giảng của Trường cán bộ tự vệ mang tên Hồ Chí Minh tại khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu Nghị).

Trong ngày, Người tiếp đại úy Pháp L. Valoa (Louis Valloir) và các sĩ quan, thủy thủ Pháp của chiến hạm Dumont Durville. Người tặng L. Valoa bức tranh và mỗi thủy thủ một chiếc huy hiệu. (Theo sách Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

- Ngày 22-10-1956: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 274-SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn ca nhạc dân gian Hungary nhân dịp Đoàn sang thăm và biểu diễn tại Việt Nam.

Buổi tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự buổi tiễn Đoàn ca nhạc dân gian Hungary lên đường về nước. Thay mặt Chính phủ ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn (Theo Báo Nhân Dân, số 962, ngày 23-10-1956).

- Ngày 22-10-1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho các bà Nguyễn Thị Thảo (xã La Hiên, Võ Nhai, Thái Nguyên), Phạm Thị Miên (khu Hàng Đào, Hà Nội), Nguyễn Thị Thành (khu Bạch Mai, Hà Nội) về thành tích diệt giặc dốt và bà Toàn (chợ Thống Nhất, Hải Phòng), chị Võ Bích Hương (cửa hàng bách hóa, 40 Tràng Tiền, Hà Nội) nhặt được của rơi đã trả lại cho những người mất. Người còn gửi huy hiệu tặng cụ Triệu Văn Bính (Bảo Hà, Yên Bái), tổ công nhân bốc vác Phà Đen (Hà Nội) và hai công nhân mỏ Hồng Quảng đã dũng cảm cứu người và tài sản của Nhà nước.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 90-SL đồng ý để ông Trần Cung được từ chức Phó chủ tịch Ủy ban hành chính Khu Tả Ngạn đi nhận công tác khác (theo Báo Nhân Dân, số 1685, ngày 24-10-1958 và số 1686, ngày 25-10-1958).

- Ngày 22-10-1963: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 50/QĐ-BQP thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), trên cơ sở hợp nhất Bộ tư lệnh Phòng không và Cục Không quân.

Cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân luôn quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ảnh: qdnd.vn. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân chủng là lực lượng nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, bắn rơi hàng nghìn máy bay địch, bắt sống nhiều giặc lái. Đặc biệt, trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972, Bộ đội Quân chủng Phòng không-Không quân cùng quân, dân Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay B-52, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, làm nên chiến thắng vĩ đại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, rút hết quân Mỹ về nước.

Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nhiều chiến công xuất sắc.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 22-10-2008: Ấn Độ phóng thành công tàu vũ trụ thăm dò Mặt trăng. Sáng 22-10, từ sân bay vũ trụ Sriharikota ở vùng Nellore thuộc bang Andha Pradesh, Ấn Độ đã phóng thành công tàu vũ trụ không người lái thăm dò Mặt trăng đầu tiên của nước này mang tên Chandrayaan-1. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến lớn của chương trình vũ trụ Ấn Độ trong bối cảnh cuộc đua chinh phục không gian ở châu Á đang phát triển nhanh chóng.

Hình đồ họa tàu Chandrayaan-1. Ảnh: Britannica

Tàu Chandrayaan-1 nặng 1.304 kg, mang theo 11 thiết bị nghiên cứu khoa học, được phóng vào 6 giờ 22 phút bằng tên lửa đẩy PSLV-C11 do Ấn Độ tự chế tạo. Chi phí cho sứ mệnh của tàu Chandrayaan-1 vào khoảng 80 triệu USD. Trong số các thiết bị nghiên cứu khoa học trên tàu Chandrayaan-1 có 5 thiết bị do Ấn Độ chế tạo, 3 thiết bị của Cơ quan vũ trụ châu Âu, 2 của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và 1 của Viện hàn lâm khoa học Bulgaria (Theo TTXVN).

- Ngày 22-10-1964: Nhà triết học và nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre được công bố là người đoạt giải Nobel Văn học; tuy nhiên, ông cũng đã trở thành người đầu tiên từ chối giải thưởng Nobel. Trong lịch sử hơn 100 năm của giải Nobel Văn chương, ông là người đầu tiên khước từ giải thưởng danh giá này. Gần đây, sau 50 năm giữ bí mật, Viện Hàn Lâm Thụy Điển mới công bố các thông tin liên quan tới giải Nobel Văn chương được trao năm 1964 – năm Sartre từ chối nhận giải.

Jean-Paul Sartre sinh ngày 21-6-1905 tại Paris, Pháp. Cha ông là sĩ quan hải quân Pháp, đã qua đời năm ông mới lên 2 tuổi. Sau khi cha mất, mẹ đẻ đưa Sartre về ở với ông ngoại, một giáo viên tiếng Đức.

Giữa những năm 1930, Sartre bắt đầu sự nghiệp viết văn. Tiểu thuyết “Buồn nôn”, xuất bản năm 1938 nổi tiếng vang xa ra ngoài nước Pháp. Sau đó là liên tiếp các tác phẩm mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh, đưa Sartre lên thành một trong những nhà văn hàng đầu thế giới.

Trong suốt cuộc đời của mình, Sartre chưa bao giờ ngừng sáng tác và đấu tranh. Kể cả khi đôi mắt đã bị lòa, ông vẫn tham gia phát biểu tại các cuộc mít-tinh, vẫn sáng tác văn chương đều đặn. Chỉ có thần chết mới ngăn được ông. Ngày 15-4-1980, Sartre qua đời vì ung thư phổi ở tuổi 75. Khoảng 50.000 người Pháp đã xuống đường, đi theo đoàn đưa tang Sartre, diễu hành qua các tuyến phố nơi ghi lại kỷ niệm về ông và cuối cùng dừng lại ở nghĩa trang Montparnasse (theo Thể thao & Văn hóa).

MINH ANH (Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh; sách Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011; Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Thể thao & Văn hóa)