Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 23-10-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 23-10

Sự kiện trong nước

- Ngày 23-10-1945: Quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa đồng loạt tấn công địch tại nhiều vị trí trong thị xã Nha Trang, mở đầu Cuộc kháng chiến ở Khánh Hòa và Nam Trung Bộ.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 2-4-1975. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Rạng sáng 23-10-1945, các chiến sĩ của ta chủ động tấn công vào nhiều vị trí đóng quân của địch như nhà ga xe lửa, nhà đèn, khu Bình Tân... Tại ga Nha Trang, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Đại đội trưởng tự vệ Võ Văn Ký đã anh dũng chiến đấu và hy sinh... Anh là liệt sĩ đầu tiên của Nha Trang - Khánh Hòa trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thị sát mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa ngày 27-1-1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp, khi ấy là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã kịp thời biểu dương, động viên quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa: “Với biết bao khó khăn của những ngày đầu kháng chiến, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa đã bám trụ vững chắc một thời gian dài trên tuyến lửa, tiêu diệt và tiêu hao, giữ chân quân Pháp, thật sự làm thất bại âm mưu ‘đánh nhanh thắng nhanh’ của địch... Cho đến lúc này, giao thông của ta từ Bắc vào Nam vẫn thông suốt để Trung ương vẫn tiếp tục chuyển vũ khí, bộ đội vào Nam, tạo điều kiện cho hậu phương chuẩn bị kháng chiến”.

101 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa luôn được Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt. Trong thư gửi quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi các chiến sĩ ở mặt trận miền Nam, đặc biệt là chiến sĩ ở Nha Trang và ở Trà Vinh đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn”.

Năm 1993, HĐND tỉnh khánh Hòa ra Nghị quyết lấy ngày 23-10 làm Ngày Khánh Hòa kháng chiến (theo Báo Nhân Dân).

- Ngày 23-10-1956: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 048-SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn nhảy múa nông thôn nước Cộng hòa Dân chủ Đức sang thăm hữu nghị và biểu diễn tại Việt Nam.

- Ngày 23-10-1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới nhà vua Yemen nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Yemen. “Kính chúc nhân dân Yemen thắng lợi, trong cuộc đấu tranh chống đế quốc để bảo vệ quyền độc lập của Tổ quốc, để xây dựng đất nước phồn vinh của mình và góp phần giữ gìn hòa bình ở Trung, Cận Đông và thế giới”.

- Ngày 23-10-1963: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Viện Kiểm sát tối cao Liên Xô do Tổng Kiểm sát trưởng R.A. Rutencô làm Trưởng đoàn đến chào. Người ân cần thăm hỏi sức khỏe các vị trong đoàn và kết quả trao đổi giữa Viện Kiểm sát tối cao hai nước, đồng thời cảm ơn về lời chúc sức khỏe của đoàn.

Chiều cùng ngày, Người tiếp đoàn đại biểu Liên hiệp Công đoàn thế giới đến nước ta dự Hội nghị Ủy ban Công đoàn quốc tế đoàn kết với lao động và nhân dân miền Nam Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiệt liệt cảm ơn các vị đại biểu, cảm ơn giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đã có những hành động thiết thực ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam, và nhấn mạnh: “Để hòa bình giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam hiện nay, chỉ có một cách là: Đế quốc Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, vấn đề miền Nam Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy, như Hiệp nghị Geneva 1954 đã quy định”. 

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội ý với Bộ Chính trị để thông báo ý kiến của Người về một số vấn đề: Việc Chính phủ Algeria yêu cầu cho người Algeria về nước; việc đoàn văn công Lekra xin sang thăm Việt Nam; vấn đề Thác Bà; việc họp các địa phương sau kỳ họp Quốc hội...

- Ngày 23-10-1992: Thực hiện Thông báo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã quyết định hợp nhất Ban Dân tộc Trung ương với Văn phòng Miền núi và Dân tộc thành Ủy ban Dân tộc và Miền núi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên các học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa. Ảnh: VGP

Trước đó, ngày 3-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL thành lập Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số - tổ chức tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay. Sau nhiều lần đổi tên, ngày 23-10-1992, thực hiện Thông báo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã quyết định hợp nhất Ban Dân tộc Trung ương với Văn phòng Miền núi và Dân tộc thành Ủy ban Dân tộc và Miền núi. Ngày 16-5-2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2003/NĐ-CP đổi tên Ủy ban Dân tộc và Miền núi thành Ủy ban Dân tộc như hiện nay. Ngay những ngày đầu, cơ quan nhà nước về quản lý công tác dân tộc đã có chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác vận động đồng bào các dân tộc nhận rõ âm mưu chia rẽ của kẻ thù, tập hợp nhân dân tham gia các tổ chức, đoàn thể, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo vệ cơ sở cách mạng, làm cho vùng dân tộc thực sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng và Chính phủ (theo Báo Quảng Trị).

Sự kiện quốc tế

- Ngày 23-10-1957: Mỹ phóng thành công tên lửa Vanguard TV-2. Tên lửa đẩy Vanguard đã được sử dụng trong Dự án phóng vệ tinh Vanguard diễn ra từ 1957 đến 1959. Trong số 7 vụ phóng tên lửa có 3 lần phóng vệ tinh thành công. Hai lần phóng tên lửa Vanguard đầu tiên là bằng tên lửa Vanguard TV-0 (Vanguard Test Vehicle-0) vào ngày 8-12-1956 và Vanguard TV-1 vào ngày 23-10-1957. Hai tên lửa này thực chất là tên lửa Viking RTV-N-12a đã qua sửa đổi. Vanguard TV-0 dùng để thử nghiệm hệ thống thiết bị đo đạc - gửi tín hiệu, trong khi Vanguard TV-1 dùng để thử nghiệm quá trình tách tầng tên lửa đẩy (hai tầng) và kích hoạt động cơ nhiên liệu rắn. 

Vanguard TV-2, phóng ngày 23-10-1957, sau vài lần bị trì hoãn, là lần phóng thực sự đầu tiên của Vanguard. Quá trình tách tầng một/hai cùng với việc kích hoạt tự quay tầng thứ ba diễn ra thành công. Tên lửa Vanguard đóng vai trò quan trọng trong cuộc chạy đua vào không gian giữa Mỹ và Liên Xô (theo Báo Tuổi trẻ).

- Ngày 23-10-2002: Một trận động đất mạnh khoảng 6,8 độ Richter xảy ra sáng nay ở miền Tây Bắc Nhật Bản, làm ít nhất 4 người thiệt mạng và khoảng 300 người khác bị thương.

 Nhật Bản là quốc gia thường xuyên hứng chịu các trận động đất mạnh. Ảnh: Kyodo News

Hơn 250.000 hộ gia đình bị mất điện và nước, nhiều nhà bị sập, một số tuyến đường bộ bị hư hỏng dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông, hai đường hầm bị sập, một tàu cao tốc bị trượt bánh, nhiều tuyến đường sắt phải tạm thời ngừng hoạt động. Nhiều tòa nhà rung chuyển mạnh và ở một số nơi chấn động mạnh đến mức người ta không thể đứng vững (theo Báo Nhân Dân).

MINH ANH (theo Bảo tàng Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân, Báo Tuổi trẻ, Báo Quảng Trị)