Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 23-2-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 23-2

Sự kiện trong nước

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 2 họp ở Hà Nội từ 23 đến 27-2-1961. Đại hội tổng kết những kinh nghiệm chính của công tác công Đoàn trong thời gian 1950-1961 và cǎn cứ vào đường lối chủ trương của Đảng, xác định vai trò và chức nǎng của Công đoàn trong giai đoạn mới của Cách mạng nhằm đẩy mạnh các mặt hoạt động của Công đoàn, bảo đảm hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ mới.

Đại hội đã thông qua nghị quyết: “Tập trung lực lượng thực hiện nhiệm vụ trung tâm công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng miền Bắc làm cơ sở đấu tranh thống nhất nước nhà”, thông qua điều lệ mới của Tổng Công đoàn Việt Nam, bầu ra Ban Chấp hành mới của Tổng Công đoàn và nhất trí tán thành đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam.

Lễ khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 3. Ảnh: TTXVN. 

Lý Càn Đức sinh ngày 23-2-1066, lúc lên ngôi mới 6 tuổi, hiệu là Lý Nhân Tông. Đến tuổi trưởng thành, nhà Vua trực tiếp lo việc nước, có thực tài, được ca ngợi là vị vua sáng suốt. Triều đại ông có chiến công rực rỡ: đập tan cuộc xâm lược của nhà Tống. Lý Nhân Tông từ trần nǎm 1128.

Sự kiện quốc tế

23-2-1903: Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt ký Hiệp ước Cuba - Hoa Kỳ, theo đó Hoa Kỳ được quyền thuê vĩnh viễn Vịnh Guantánamo để làm nơi tiếp nhận than và làm căn cứ hải quân.

23-2-1918: Hồng quân Xô viết thành lập. Đây là lực lượng vũ trang đã bảo vệ vững chắc nhà nước Xô viết (1918-1920), chiến thắng chủ nghĩa phát xít (1940-1945), góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Liên bang Xô viết trải qua quá trình chiến đấu và chiến thắng trở thành Quân đội Cách mạng có sức mạnh vĩ đại.

Các chiến sĩ Hồng quân Xô viết. Ảnh: Posterazzi. 

23-2-1927: Nhà vật lý lý thuyết người Đức Werner Heisenberg viết một bức thư cho đồng nghiệp Wolfgang Pauli, trong đó lần đầu tiên ông mô tả về Nguyên lý bất định.

23-2-1946: Tướng Yamashita Tomoyuki của Lục quân Đế quốc Nhật Bản, người có biệt danh Con hổ Mã Lai, bị hành hình tại Philippines theo phán quyết của Tòa án vì các cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.

Theo dấu chân Người

Ngày 23-2-1946, trả lời phỏng vấn vào thời điểm cuộc đàm phán Pháp - Hoa đã đạt tới thỏa thuận Pháp sẽ thay thế quân Trung Hoa Quốc dân Đảng ở phía Bắc vĩ tuyến 18, Bác nêu rõ quan điểm: “Dân Việt Nam có một ý muốn rất bình thường là muốn độc lập. Thấy tôi nói thế, có người họ cũng tán thành nền độc lập của ta. Là vì sau những câu hỏi của họ, tôi đã hỏi lại họ: “Ông là người Pháp, có muốn được độc lập, có muốn được tự do không?”.

Tôi lại nói cho họ biết thêm rằng chúng tôi tranh đấu từ trước tới bây giờ là cũng tranh đấu theo như người Pháp đó thôi. Ba tiếng Tự do, Bình đẳng, Bác ái đó làm cho Pháp thành một dân tộc tiên tiến, thì chúng tôi, chúng tôi cũng chỉ muốn tranh đấu để được như thế. Nếu bao giờ có cuộc đàm phán, Chính phủ cũng không giấu dân vì nước mình chưa phải là một nước ngoại giao bí mật”.

Ngày 23-2-1953, báo “Cứu Quốc” đăng bài “Canh giả hữu kỳ điền” của Bác (ký tên C.B) giải thích tên bài báo “có nghĩa là dân cày có ruộng, ruộng đất của dân cày lại trả lại cho dân cày. “Dân cày có ruộng” chỉ là một chính sách dân chủ, nó không phải là chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn ngày 23-2-1960. Ảnh tư liệu

Ngày 23-2-1960, Bác Hồ thăm và nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Lạng Sơn nêu lên 10 nhiệm vụ để thúc đẩy phát triển ở một tỉnh biên giới và thực hiện tốt đoàn kết dân tộc, đoàn kết Việt-Trung.

Ngày 23-2-1962, dự họp Bộ Chính trị bàn về tình hình quốc tế và công tác đối ngoại, Bác căn dặn: “Cần có sự kiểm tra, đôn đốc các cán bộ ngoại giao và nhắc nhở họ: ra ngoài đừng tham”. Bàn về cách mạng miền Nam, Bác lưu ý phải nắm được đặc tính của cuộc chiến tranh, chuẩn bị quan điểm để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc và Liên Xô, phải quan tâm đến đồng bào Thượng và kiên trì khẩu hiệu: “Trường kỳ gian khổ, nhất định thắng lợi”.

Cũng trong tháng 2-1962, Bác nói chuyện với Hội nghị tổng kết công tác cảnh vệ. Với kinh nghiệm của một nhà hoạt động cách mạng từng trải, Bác kết luận: “Tóm lại, các chú muốn bảo vệ tốt phải có kỹ thuật, phải giữ được bí mật và phải có thái độ tốt đối với đồng bào”.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 23-2-1958, Bác đến thăm hội nghị cán bộ tỉnh Sơn Tây đang học tập Tuyên bố của Hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân... vừa họp tại Moscow (11-1957).

Bác căn dặn: “Các xã họp lại thành cả nước. Nước ta mạnh là do cán bộ và nhân dân các xã đồng tâm, nhất trí, đoàn kết chặt chẽ. Muốn cho Đảng mạnh thì chi bộ phải vững chắc. Muốn chi bộ vững chắc thì mọi đảng viên phải có đạo đức cách mạng, phải làm đúng đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, phải gần gũi và đoàn kết với quần chúng”.

Bác Hồ nói chuyện với học viên Lớp bồi dưỡng đảng viên mới do Đảng bộ thành phố Hà Nội tổ chức năm 1966. Ảnh tư liệu. 

Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, mà nòng cốt chính là đội ngũ đảng viên. Nói tới xây dựng Đảng là phải nói tới đội ngũ đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng”.

Thấm nhuần lời Bác dạy, từ ngày thành lập Đảng, nhất là từ thời kỳ đổi mới đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác xây dựng đội ngũ đảng viên. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Đặc biệt, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết nêu rõ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, công tác xây dựng đảng viên gặp nhiều khó khăn, thách thức do những diễn biến phức tạp từ kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đại dịch Covid-19, đặc biệt là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ và tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Hội nghị tổng kết công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên năm 2021 tại tỉnh Bình Định. Ảnh: Dukccq.binhdinh.gov.vn

Thời gian tới, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, tác động mạnh, nhiều chiều đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, Đảng phải tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực sự tiền phong gương mẫu, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm cơ sở nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà một trong những giải pháp quan trọng là phải tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, với quan điểm dựa vào dân để xây dựng Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong việc tham gia xây dựng Đảng; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải chịu sự giám sát của nhân dân lấy uy tín của đảng viên đối với nhân dân làm thước đo để đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên; nâng cao năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, các cấp ủy viên và bí thư.

Tựu chung lại, việc xây dựng Đảng, mà trọng tâm là xây dựng tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới là nhiệm vụ cơ bản thường xuyên, cũng là nhiệm vụ then chốt trong giai đoạn hiện nay.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số 78 ngày 23-2-1953 đăng điện mừng của Hồ Chủ tịch gửi Đại nguyên soái Stalin với nội dung: “Nhân dịp kỷ niệm ngày Hồng quân, thay mặt Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam và nhân danh tôi, tôi xin gửi đồng chí lời chúc mừng chân thành và kính chúc Hồng quân Liên Xô ngày càng hùng mạnh để bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa và hòa bình thế giới”.

Trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số 78 ngày 23-2-1953 (trái) và Trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số 2786 ngày 23-2-1969.

Trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số 2786 ngày 23-2-1969 đăng bài viết “Đoàn những người lãnh đạo cộng sản ở Cộng hòa Liên bang Đức tặng Hồ Chủ tịch tượng và lá cờ thêu ảnh đồng chí Ten-lơ-man” nhân dịp sang thăm hữu nghị nước ta.

MINH ANH (tổng hợp)