Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 22-2-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

 Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 22-2

Sự kiện trong nước

- Từ ngày 22-2 đến ngày 13-4-1967, quân và dân miền Đông Nam Bộ đã đánh bại cuộc hành quân Gianxơn Xiti (Junction City), gồm 45.000 quân, thuộc 8 lữ đoàn Mỹ vào vùng bắc tỉnh Tây Ninh nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta. Ta loại khỏi vòng chiến đấu 14.000 tên địch, phá hủy hơn 1.000 xe quân sự, 90 khẩu pháo, phá hủy và bắn rơi 167 máy bay. Tướng Mỹ Lêman, chỉ huy cuộc hành quân này bị cách chức. Đập tan cuộc hành quân Gianxơn Xiti, ta đã giáng thêm một đòn chí tử vào kế hoạch phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của Mỹ.

Cuộc hành quân Gianxơn Xiti, chiến dịch “hoành tráng” nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh tư liệu.

- Ngày 22-2-1983, Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương họp tại Viêng Chǎn nhằm tǎng cường quan hệ đoàn kết chiến đấu, tuyên bố ủng hộ sự thỏa thuận giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Campuchia về việc rút quân tình nguyện Việt Nam về nước.

- Nhà thơ, nhà giáo dục Võ Liêm Sơn sinh nǎm 1888, quê ở tỉnh Hà Tĩnh, mất ngày 22-2-1949. Ông làm giáo sư Hán vǎn và quốc vǎn ở trường Quốc học Huế. Nǎm 1926, ông gia nhập Đảng Tân Việt. Nǎm 1930, ông bị Pháp bắt giam. Ra tù, ông sáng tác thơ vǎn kêu gọi lòng yêu nước. Nǎm 1944, ông tham gia Mặt trận Việt Minh, đến nǎm 1948 làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt liên khu IV. Các tác phẩm chính của Võ Liêm Sơn gồm có: "Hài vǎn" châm biếm chế độ thực dân. "Cô lâu mộng" (truyện dài), "Ngắm non Hồng" (tập thơ). Phê bình Vǎn hóa Đông Tây (dịch thuật).

Sự kiện quốc tế

- Phrêđêrich Sôpanh (Frédéric Chopin) sinh ngày 22-2-1810, từ trần nǎm 1849. Ông là nhạc sĩ pianô, nhà soạn nhạc nổi tiếng của Ba Lan và thế giới. Những bản nhạc của ông có tính chất lãng mạn, dịu dàng, buồn man mác. Một số bản nhạc của ông đã nói lên sự phẫn nộ, cǎm uất và sự thương nhớ Tổ quốc Ba Lan bị nô dịch. Sôpanh là người cách tân phương pháp biểu diễn pianô trong lĩnh vực hòa âm và phối khí. Sau khi Sôpanh qua đời, trái tim của ông được đưa về lưu giữ trên mảnh đất quê hương ông - Tổ quốc Ba Lan.

Nhà soạn nhạc Phrêđêrich Sôpanh. Ảnh: Hội Nhạc sĩ Việt Nam. 

- Haienrich Ruđônphơ Hécxơ nhà vật lý vĩ đại người Đức, người có công tìm ra sóng điện từ và hiệu ứng quang điện, sinh ngày 22-2-1857. Nǎm 1887, ông công bố công trình “Những dao động điện rất nhanh” và chế tạo thành công máy phát dao động điện cao tần gọi là bộ rung Hécxơ và một bộ cộng hưởng để phát hiện những dao động điện.

Nǎm 1891 ông khám phá ra nhiều tính chất của tia tử ngoại, nghiên cứu điện động lực các môi trường chuyển động. Các công trình của ông đã góp phần vào việc chế tạo ra vô tuyến điện. Ông mất ngày 1-1-1894. Để tưởng nhớ ông, người ta dùng tên ông để đặt cho đơn vị tần số điện "Hécxơ".

Theo dấu chân Người

- Ngày 22-2-1925, Cụ Phan Bội Châu viết thư nhờ Hồ Tùng Mậu chuyển cho Lý Thụy (bí danh của Nguyễn Ái Quốc) lúc này đang hoạt động tại Quảng Châu. Trong thư, Nhà ái quốc lão thành đã thành tâm đưa ra những lời đánh giá khích lệ: (Đọc thư) mới biết là học vấn, trí thức của cháu nay đã tăng trưởng quá nhiều, không phải như hai mươi năm trước... Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Nhận được liên tiếp hai bức thư của cháu bác vừa buồn lại vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác, mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh ban mai...Cháu học vấn rộng rãi đã từng đi nhiều nơi hơn bác cả chục, cả trăm lần. Tri thức và kế hoạch của cháu tất vượt sức đo lường của bác...

Cụ Phan Bội Châu. Ảnh tư liệu. 

Cũng trong tháng 2-1925, báo “Le Paria” (Người Cùng khổ) đăng bài “Chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Viễn Đông, Varen và Đông Dương”. Bài báo phân tích lý do một đảng viên Đảng Xã hội là Varen sang làm Toàn quyền Đông Dương là nhằm ngăn không cho người bản xứ nghe lời người và ru ngủ dân bản xứ bằng hứa hẹn hàng đống những cải cách.

Tháng 2-1945, Mặt trận Việt Minh xuất bản sách “Phép dùng binh của ông Tôn Tử” do Hồ Chí Minh dịch. Trong lời giới thiệu dịch giả lưu ý: “Ông Tôn Tử là một người quân sự có tiếng nhất ở Trung Quốc. Ông sinh hơn 2000 năm trước... Nguyên tắc của Tôn Tử chẳng những dùng về quân sự đúng, mà dùng về chính trị cũng rất hay”.

Tháng 2-1945, cũng là thời gian Hồ Chí Minh được tướng của quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng Trương Phát Khuê cấp giấy phép đi lại trên vùng Vân Nam - Trung Quốc. Trong bộ quân phục Trung Hoa, Bác tiếp xúc với nhiều lực lượng chính trị Trung Hoa và Việt kiều, đồng thời cũng tìm cách tiếp cận với lực lượng Đồng minh đang đặt bản doanh ở Côn Minh.

Bác Hồ nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc, tháng 10-1963. Ảnh tư liệu. 

- Bác dự kỳ họp của Bộ Chính trị khai mạc ngày 22-2-1963 (họp từ ngày 22 đến ngày 26) bàn về việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và phát biểu vì sao kế hoạch năm nào cũng phải điều chỉnh: “Có phải mình chủ quan và tham quá không?... Chủ trương đúng, nhưng chỉ đạo chưa tốt, đó cũng là một loại mất cân đối... Khi bàn, mình thường không bàn toàn diện. Ra trận, diễu binh, cũng phải dàn ra xem thiếu những thứ gì. Trong lãnh đạo kinh tế cũng phải làm như thế, phải liệu bò làm chuồng, liệu cơm gắp mắm. Công nghiệp phải nhìn xa, nhưng lại phải xem xét cụ thể, tính toán chu đáo... Trong xây dựng thì phân tán, cái gì cũng muốn làm… Cần phải tập trung vào những cái gì quan trọng,... Phải chú ý tới con người, vì con người rất quan trọng... Mục tiêu kế hoạch phải nêu rõ vấn đề cải thiện dân sinh”.

Theo Sách Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa (Tập I) Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia - Sự thật (2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

- Ngày 22-2-1952, Bác thăm Đại đoàn Pháo binh 351 đang trú quân và huấn luyện tại tỉnh Tuyên Quang, trong lời thăm hỏi, Bác nêu tư tưởng: “Muốn thắng địch phải đưa pháo đi xa, khiêng, kéo pháo vào gần địch mà bắn trăm phát trúng cả trăm thì đồn nào mà không hạ được”.

Pháo binh là hỏa lực chủ yếu của lục quân và là hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội ta. Ngay từ ngày đầu mới thành lập, bằng trí tuệ, nghị lực và bản lĩnh của mình, bộ đội pháo binh đã tích cực, chủ động khắc phục mọi khó khăn gian khổ, thiếu thốn để huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị, khí tài, sẵn sàng bước vào các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược của dân tộc.

Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN.

Lời dạy của Bác đã trở thành tư tưởng chỉ đạo tác chiến, phương châm hành động và quyết tâm chiến đấu của bộ đội pháo binh. Cùng với sự phát triển về lực lượng, trang bị ưu thế hơn hẳn địch, nghệ thuật tác chiến của bộ đội pháo binh đã phát triển, sáng tạo lên tầm cao mới, góp phần to lớn vào thắng lợi vào quá trình chiến đầu.

Qua các chiến dịch, trận then chốt tiêu biểu cho thấy, để đánh thắng kẻ địch mạnh hơn ta về số lượng và chất lượng trang bị, bộ đội pháo binh đã vận dụng nguyên tắc tập trung lực lượng pháo binh hợp lý, đạt được ưu thế cần thiết về hỏa lực chi viện cho binh chủng hợp thành, đánh thắng trong các trận then chốt chiến dịch, mục tiêu chủ yếu và thời cơ quan trọng.

Trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội pháo binh đã dũng cảm vượt qua khó khăn về địa hình, thời tiết, xẻ núi làm đường kéo pháo vào Điện Biên Phủ. Những đòn hỏa lực dũng mãnh, chính xác của pháo binh ta đã phá nát tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần làm nên thắng lợi quyết định của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội pháo binh đã đưa pháo vào luồn sâu, bám trụ kiên cường, dội bão lửa vào các trung tâm sào huyệt của địch trên khắp chiến trường miền Nam. Hỏa lực pháo binh đã tham gia vào hầu hết các trận đánh, các chiến dịch với tất cả sự mưu trí, sáng tạo và bất ngờ, tạo điều kiện tối ưu cho các cánh quân “thần tốc” tiến thẳng vào dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công Đại thắng mùa xuân 1975.

Khẩu đội pháo 152-D20 Lữ đoàn Pháo binh 382 thực hành tiêu diệt mục tiêu trong diễn tập. Ảnh: baoquankhu1.vn. 

Trưởng thành trong chiến đấu và gắn liền với những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, không ngừng lớn mạnh, trưởng thành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, truyền thống của Bộ đội Pháo binh gắn liền với truyền thống và sự trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 122 ngày 22-2-1954 đã đăng bài “Ý nghĩa quan trọng của việc tặng danh hiệu anh hùng”, nhấn mạnh quan điểm của Bác về việc “bầu anh hùng”. Hồ Chủ tịch cho rằng “không nhất thiết phải đợi đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc mới bầu anh hùng”... “Phát hiện và đề cao anh hùng được kịp thời, phong trào sẽ có thêm nhiều đầu tàu, tăng thêm sức mới để phát triển ngày càng mạnh”...

Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 122 ngày 22-2-1954 (trái) và trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 6714 ngày 22-2-1980.

Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 6714 ngày 22-2-1980 đăng “Tuổi già đại phong” nằm trong chuyên mục “Hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”, viết về tấm gương cụ Nguyễn Văn Chuyền luôn tiên phong trong phong trào trồng cây nhớ ơn Bác.

MINH ANH (tổng hợp)