Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 20-2-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 20-2
Sự kiện trong nước
- Từ ngày 20 đến 28-2-1957, Ðại hội Văn nghệ toàn quốc lần II diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Ðại hội đã nhận định tình hình, khẳng định thành tích và đề ra những nhiệm vụ mới cho lực lượng văn nghệ ở cả 2 miền. Đại hội đã quyết định lập Hội Liên hiệp Vǎn học nghệ thuật và các hội riêng của từng ngành vǎn học, nghệ thuật để thay thế cho tổ chức vǎn nghệ cũ.
 |
Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang chụp ảnh cùng Bác Hồ tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962. (Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) |
- Ngày 20-2-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thǎm công trường xây dựng công trình thủy lợi Bắc - Hưng - Hải. Đến cống Xuân Quan, Bác Hồ xem xét từng hạng mục công trình và nghe ban chỉ huy công trường báo cáo về tình hình thi công. Người cũng nói chuyện với cán bộ, công nhân về Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm làng gốm và hợp tác xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Người căn dặn xã viên “phải cố gắng thi đua làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ, làm sao vừa hạ giá bát mà thu nhập của mỗi xã viên vẫn cao hơn người làm ăn riêng lẻ... Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
(Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, 1985, trang 36-37.)
- Ngày 20-2-1985, Binh đoàn 15 được thành lập trên cơ sở sáp nhập các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường miền Trung-Tây Nguyên.
Binh đoàn 15 là một trong số ít các đơn vị được thành lập sớm trong đội hình các đơn vị kinh tế - quốc phòng. Với bề dày hơn 37 năm khai hoang, phục hóa, cải tạo vùng đất đỏ bazan màu mỡ, nhưng bị ô nhiễm nặng do hậu quả của chiến tranh ở Tây Nguyên, nơi từng có mật độ dân cư thấp, kinh tế, văn hóa, xã hội chậm phát triển, Binh đoàn đã đi “từ không tới có, từ gian khó tới vinh quang”, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân ở địa bàn nơi đóng quân.
Thành quả đó đã khẳng định tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam - đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là chủ trương xây dựng Binh đoàn trên cả ba chiến lược: “Xây dựng vùng chiến lược, trồng cây chiến lược, chiến lược xây dựng con người” và khẳng định chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là hoàn toàn đúng đắn.
 |
Cán bộ Công ty 74, Binh đoàn 15 hướng dẫn người lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai khai thác mủ cao su. Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Binh đoàn còn tham gia tích cực vào các hoạt động đối ngoại quốc phòng. Binh đoàn đã tổ chức kết nghĩa với Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển chính trị cơ sở 3 trọng điểm tỉnh Xay-sổm-bun (Bộ Quốc phòng Lào), qua đó thường xuyên trao đổi, chia sẻ với nước bạn những kinh nghiệm hay của mô hình phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; chủ trương, biện pháp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Binh đoàn 15 đã giành được nhiều thành tích xuất sắc, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Binh đoàn được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới (2003) và mới đây nhất là Huân chương Lao động hạng Ba (2022). 3 đơn vị trực thuộc Binh đoàn được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 2 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 20-2-1872, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở thành phố New York chính thức mở cửa cho công chúng tham quan. Đây là nơi lưu giữ bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật đa dạng và giá trị nhất trên thế giới.
 |
Một khu trưng bày bên trong Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Ảnh: Getty Images |
- Ngày 20-2-1962, John H. Glenn, người lớn tuổi nhất trong số 7 phi hành gia được NASA lựa chọn tham gia chương trình huấn luyện trên tàu vũ trụ Project Mercury, đã trở thành người Mỹ đầu tiên bay quanh Trái đất, và ông đã thực hiện việc này tổng cộng 3 lần.
- Ngày 20-2-1986, module chính của Trạm vũ trụ Hòa Bình được Liên Xô phóng thành công vào trong không gian. Đây là trạm nghiên cứu đầu tiên theo kiểu modular được phóng lên vũ trụ, chuyên thực hiện các thí nghiệm khoa học phục vụ mục đích hòa bình và sự phát triển của con người. Suốt 15 năm hoạt động trên quỹ đạo, Trạm Hòa Bình đã thực hiện khoảng 23.000 thí nghiệm khoa học. Đây được coi là một kỷ lục độc nhất của ngành hàng không vũ trụ trong thế kỷ XX. Trạm đã đón nhận tổng cộng 104 lượt phi hành gia đến làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, trong đó đợt lưu trú dài ngày nhất trên trạm là của phi hành gia người Nga Valeri Vladimirovich Polyakov (437 ngày).
 |
Trạm Vũ trụ Hòa bình khi còn hoạt động. Ảnh: Starwalk Space |
- Ngày 20-2-1992, Giải bóng đá Ngoại hạng Anh chính thức ra đời với tên gọi FA Premier League sau khi các câu lạc bộ tham dự Football League First Division quyết định tách khỏi Football League, một hệ thống giải đấu khởi nguồn từ năm 1888, nhằm tận dụng lợi nhuận về các thỏa thuận bản quyền truyền hình. Sự ra đời của Premier League đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của nền bóng đá xứ sương mù và sau 30 năm phát triển, Ngoại hạng Anh đã trở thành giải đấu đắt giá và nổi tiếng nhất trên thế giới.
Theo dấu chân Người
- Ngày 20-2-1927, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Khổng Tử” đăng Báo Thanh Niên ở Quảng Châu, nhân việc Chính phủ Trung Quốc tuyên bố xóa bỏ những nghi lễ và biến mọi nơi thờ phụng Khổng Tử thành trường học... Tác giả bình luận: “Nếu Khổng Tử sống ở thời đại chúng ta và nếu ông khăng khăng giữ những quan điểm ấy thì ông sẽ trở thành phần tử phản cách mạng... Chính phủ Trung Quốc đã làm mất đi một thể chế cũ và trái với tinh thần dân chủ. Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin!”.
- Ngày 20-2-1960, về thăm tỉnh Hải Ninh (tỉnh Quảng Ninh ngày nay), Bác căn dặn cán bộ và nhân dân phải “đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo và đoàn kết Việt-Trung”.
- Ngày 20-2-1961, nhân trở lại thăm Cao Bằng chiến khu xưa, Bác làm bài thơ “Thăm lại Hang Pác Bó”:
Hai mươi năm trước ở hang này
Đảng vạch con đường đánh Nhật -Tây
Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay.
Hai mươi năm trước (2-1941) Bác từng làm bài thơ “Pác Bó hùng vĩ”
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lênin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lại đầu nguồn suối Lênin, Pác Bó ngày 20-2-1961. Ảnh: Hochiminh.vn |
- Ngày 20-2-1965, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị về Cách mạng miền Nam, Bác dự báo: “Phải đề phòng Mỹ nhảy vào. Mình không sợ địch, nhưng không khinh địch”.
(Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa” và “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt".
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, ngày 20-2-1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt.
Lời căn dặn trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng và đã trở thành tôn chỉ, mục tiêu cho công tác xây dựng, đào tạo cán bộ. Với ý so sánh rằng cán bộ giống như dây chuyền của bộ máy, bộ phận giúp cho bộ máy hoạt động, Người muốn khẳng định khẳng định vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ.
Theo Người, cán bộ là cái gốc của mọi công việc và cái gốc của cán bộ chính là đạo đức cách mạng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng quần chúng không được giáo dục, không được tập hợp thành một khối thống nhất thì cách mạng cũng không đi đến thành công. Trách nhiệm của người cán bộ là người tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân và tập hợp quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất mới tạo ra sức mạnh tổng hợp và đưa cách mạng đến thành công. Muốn làm được công việc này thì cán bộ phải thực sự tận tâm, tận lực với công việc, thực sự là tấm gương trước quần chúng nhân dân, thực sự là công bộc của dân.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung (xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất, ngày 25-1-1961. Ảnh: Hochiminh.vn |
Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, lời căn dặn của Bác: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt” vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa to lớn, là tư tưởng chỉ đạo trong công tác cán bộ của Đảng ta, đồng thời là yêu cầu, đòi hỏi đối với đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ trong quân đội nói riêng. Mỗi người cán bộ quân đội cần phải không ngừng học tập, tu dưỡng về phẩm chất, năng lực, thực sự là hạt nhân đoàn kết, gương mẫu, tiêu biểu về mọi mặt, tận tâm tận lực với công việc, là tấm gương sáng trong từng đơn vị để cán bộ, chiến sĩ học tập, noi theo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân số 1756 ra ngày 20-2-1966 đăng bức ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh thân mật tiếp đồng chí Mi-y-a-mô-tô Kên-gi” nhân dịp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản sang thăm hữu nghị Việt Nam.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 20-2-1966. |
- Trang 2 Báo Quân đội nhân dân số 7798 ra ngày 20-2-1983 đăng bức tranh Bác Hồ với các cháu thiếu nhi của Đỗ Lệnh Dung.
 |
Bức tranh Bác Hồ với các cháu thiếu nhi trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 20-2-1983 |
TRUNG THÀNH (Tổng hợp)