Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 16-1-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 16-1:
Sự kiện trong nước
Ngày 16-1-1951: Ngày truyền thống Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) và Sư đoàn 390 (Quân đoàn 1).
Cách đây 71 năm, Đại đoàn Đồng bằng (tiền thân của Sư đoàn 320 và Sư đoàn 390) được thành lập ngày 16-1-1951 tại đình Mống Lá, xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Sự ra đời của Đại đoàn Đồng bằng đã đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của Quân đội ta, phản ánh đúng quy luật khách quan về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Từ khi ra đời, được sự nuôi dưỡng, chở che, giúp đỡ của nhân dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Đại đoàn đã liên tục chiến đấu, tham gia 9 chiến dịch, đánh hơn 400 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt và bắt hơn 3 vạn tên địch…, góp phần cùng toàn quân, toàn dân kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Mồ hôi và xương máu của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn đã xây đắp nên truyền thống “Đoàn kết - Nghiêm túc - Dũng cảm - Chiến thắng”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, do yêu cầu của tình hình mới, Đại đoàn đồng bằng được biên chế thành 2 sư đoàn là 320A và 320B. Sư đoàn 320A (nay là Sư đoàn 320 - Quân đoàn 3) có nhiệm vụ trực tiếp cơ động chiến đấu trên các chiến trường. Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390 - Quân đoàn 1) có nhiệm vụ huấn luyện quân tăng cường để bổ sung lực lượng cho các chiến trường miền Nam. Năm 1973, Sư đoàn 320B được đổi phiên hiệu thành Sư đoàn 390 và được biên chế vào đội hình Quân đoàn 1. Năm 1975, Sư đoàn 320 được biên chế vào Quân đoàn 3.
Trải qua 71 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, sư đoàn 320 và sư đoàn 390 có mặt ở hầu hết các chiến trường nóng bỏng, ác liệt nhất, lập nên những chiến công vang dội, đi vào lịch sử dân tộc...
 |
Lực lượng xe tăng và bộ binh Sư đoàn 320 đánh chiếm căn cứ Đồng Dù (Củ Chi), sáng 29-4-1975. Ảnh: Tư liệu TTXVN
|
Sau khi trở lại Tây Nguyên làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 luôn đoàn kết, hoàn tốt nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ, xây dựng đơn vị vững mạnh và làm tốt công tác dân vận, giúp bà con địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định phát triển kinh tế. Với những thành tích và chiến công xuất sắc, Sư đoàn vinh dự hai lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
 |
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Sư đoàn 320 (16-1-1951/16-1-2021) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Ảnh: Qdnd.vn
|
Sư đoàn 390 (Quân đoàn 1) được Bộ Quốc phòng chọn xây dựng sư đoàn khung thường trực vững mạnh toàn diện, để rút kinh nghiệm triển khai trong toàn quân. Trong suốt những năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 390 luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn gian khổ, tập trung xây dựng sư đoàn cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; thực hiện tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với những thành tích vẻ vang và chiến công oanh liệt, Sư đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.
 |
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Sư đoàn 390 (16-1-1951/16-1-2021) và đón nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Ảnh: Qdnd.vn
|
Ngày 16-1-1961, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra nghị định thành lập Uỷ ban trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng (gọi tắt là Uỷ ban sông Hồng). Việc thành lập Uỷ ban sông Hồng nhằm xúc tiến công tác phòng chống lụt bão và trị thuỷ, góp phần ổn định sản xuất và đời sống nhân dân vùng sông Hồng.
Ngày 16-1-1975, Bệnh viện Bạch Mai được xây lại xong sau khi bị máy bay Mỹ ném bom hủy diệt tháng 12-1972. Đây là một trung tâm chữa bệnh lớn, nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ của ngành y tế. Toàn bộ hệ thống gồm có các khoa ngoại, sản, nội, xét nghiệm, huyết học, điện quang, các cơ sở nghiên cứu và hệ thống điện nước của bệnh viện Bạch Mai được khôi phục như cũ.
Ngày 16-1-1986: Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nǎm khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của 218 đơn vị và tập thể Anh hùng, 111 cá nhân Anh hùng và 223 chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đây là Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần đầu tiên kể từ ngày thống nhất đất nước. Đại hội đã ghi nhận thành tích của các tập thể và cá nhân trong lao động sản xuất và chiến đấu, góp phần xây dựng tổ quốc Việt Nam thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
 |
Thiếu niên, nhi đồng Thủ đô chào mừng Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ V tại Lễ khai mạc, sáng 16-1-1986. Ảnh: TTXVN |
Ngày 16-1-2010: Ngày thành lập Trường Cao đẳng nghề số 22 (Quân đoàn 4).
Sự kiện quốc tế
Ngày 16-1-1605: Ấn bản đầu tiên tiểu thuyết Đôn Kihôtê, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha của Miguel de Cervantes được phát hành tại Madrid, Tây Ban Nha.
Ngày 16-1-1547: Ivan IV của Nga hay còn gọi là Ivan Bạo chúa trở thành Sa hoàng Nga.
Ngày 16-1-1920: Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc) tổ chức cuộc họp hội đồng đầu tiên tại Paris, Pháp.
Ngày 16-1-1991: Chiến tranh vùng Vịnh (hay Chiến dịch Bão táp Sa mạc) bắt đầu, Mỹ và 27 đồng minh tấn công Iraq nhằm giải phóng Kuwait sau khi nước này bị Iraq tấn công ngày 2-8-1990.
Theo dấu chân Người
Ngày 16-1-1935, Nguyễn Ái Quốc lúc này đang ở Liên Xô đã viết “Thư gửi Ban Phương Đông” của Quốc tế Cộng sản nêu lên tình trạng thiếu lý luận cách mạng của đa số cán bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... và cho rằng nhiều vấp váp sai lầm hay bế tắc của phong trào cộng sản ở đây đều bắt nguồn từ “trình độ lý luận rất thấp”và yêu cầu “phải giúp đỡ các đồng chí của chúng ta khắc phục những khó khăn ấy bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thụ được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sĩ đều phải có”.
Ngày 16-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo “Lời kêu gọi đồng bào phá hoại để kháng chiến”.
Sau “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” ngày 19-12-1946, thì đây là một văn kiện quan trọng kêu gọi toàn dân tiếp tục cuộc kháng chiến bằng những việc làm cụ thể. Văn kiện viết: “Vì sao ta phải kháng chiến? Vì không kháng chiến thì Pháp sẽ cướp nước ta lần nữa. Chúng sẽ bắt dân ta làm nô lệ lần nữa. Vì ta không chịu làm trâu ngựa cho Pháp, vì ta phải gìn giữ non sông đất nước ta, cho nên ta phải đánh bọn thực dân Pháp. Đánh thì phải phá hoại... Ta vì nước hy sinh chịu khổ một lúc. Đến ngày kháng chiến thắng lợi, ta sẽ cùng nhau kiến thiết sửa sang lại nào có khó gì”.
Trên báo Nhân Dân ra ngày 16-1-1960, Bác viết bài báo “Lấy Cần làm gốc”, phân tích những cách nhìn nhận phiến diện về chủ nghĩa xã hội và cho rằng: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải lấy “Cần” làm gốc. “Cần” là lao động cần cù và sáng tạo. Năng suất lao động càng tăng là nguồn no ấm của chúng ta”.
Ngày 16-1-1961, Bác đến thăm Viện Đông y và căn dặn: “Thầy thuốc cắt thuốc tốt mà sắc thuốc không tốt thì chữa bệnh vẫn chưa tốt. Thầy thuốc cắt thuốc tốt và sắc thuốc tốt nhưng nấu ăn không tốt, để giường có rệp, muỗi cắn hút máu của người bệnh thì chữa bệnh cũng không tốt. Cho nên phải đoàn kết trên dưới thành một khối như chiếc máy đồng hồ vậy”. (Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)
 |
Thăm Bệnh xá Vân Đình (Hà Tây cũ) ngày 20-4-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện 'Lương y như từ mẫu.' Ảnh: Tư liệu TTXVN
|
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Các cô, các chú nên thấm nhuần và làm cho cán bộ thấm nhuần điều này: Phải có tinh thần cảnh giác, phòng gian bảo mật”
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bài nói tại Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 16 tháng 1 năm 1966, trong bối cảnh nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng giành được nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Bên cạnh thắng lợi đó, quá trình tiến hành cách mạng ở từng miền vẫn còn nhiều yếu kém sở hở, bị kẻ gian, bọn phản động lợi dụng phá hoại.
(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, t.15, tr.13-25.)
 |
Bác Hồ tại Hội nghị chính trị đặc biệt (27-3-1964). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Trong bài nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương, khen ngợi những tập thể, cá nhân đã lập được nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đồng thời chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm đang tồn tại; một số nơi còn làm lộ bí mật, cán bộ nói lộ bí mật của Đảng, Nhà nước bị kẻ địch lợi dụng chống phá, gây ra nhiều bất lợi, cản trở sự phát triển của cách mạng. Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên trong bộ máy của Đảng, Nhà nước phải học tập, làm theo những gương điển hình; đồng thời phải sửa đổi lề lối làm việc cho thật khoa học; phải nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối giữ gìn bí mật của Đảng, Nhà nước.
Lời của Người nhanh chóng được triển khai tới mọi cán bộ, đảng viên, trong các tổ chức; tiến hành đợt sinh hoạt rút kinh nghiệm; đẩy mạnh phong trào học tập tập thể, cá nhân đạt thành tích tốt, kiên quyết khắc phục khuyết điểm; thực hiện nghiêm lề lối, nội quy làm việc. Trong lĩnh vực hoạt động quân sự, lời của Người được các đơn vị đón nhận, quán triệt sâu sắc; trao đổi rút kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, lề lối làm việc khoa học của cán bộ, chiến sĩ, thực hiện tốt công tác phòng gian bảo mật quân sự, bí mật quốc gia.
Hiện nay, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", thực hiện "phi chính trị hóa" quân đội; thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đặc biệt, chúng đã lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và các ứng dụng trên không gian mạng để tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều thông tin sai trái, xấu, độc trên mạng xã hội nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này đang đặt ra yêu cầu cao đối với các cơ quan, đơn vị quân đội trong đấu tranh phòng gian, giữ gìn bí mật quân sự, bí mật quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 |
Xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. (Trong ảnh: Diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại Thủ đô Hà Nội) . Ảnh: TTXVN |
Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động; nâng cao tinh thần cảnh giác, tăng cường các biện pháp phòng gian, giữ bí mật quân sự, bí mật quốc gia; xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đủ sức bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia - dân tộc.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 16-1-1980 đã đăng bài viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Đảng viên”. Trong đó có đoạn: “Đảng viên là người thay mặt Đảng, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì vậy, lợi ích của người đảng viên phải ở trong chứ không thể ở ngoài lợi ích của Đảng, của giai cấp. Đảng và giai cấp thắng lợi và thành công, tức là đảng viên thắng lợi và thành công. Nếu rời khỏi Đảng, rời khỏi giai cấp thì cá nhân dù tài giỏi mấy, cũng nhất định không làm nên việc gì. ”
 |
Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 16-1-1980. |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 16-1-1995 đã trích đăng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta đã thu được nhiều thắng lợi to lớn, nhưng không phải không có sai lầm. Song chúng ta đã không hề che giấu sai lầm, trái lại chúng ta đã thật thà tự phê bình và tích cực sửa chữa.”
Cũng trong số báo này, trên trang 3 đã đăng bài viết “Đại hội Đảng lần thứ III, Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà” trong chuyên mục “Những mốc son trong trang sử vàng của Đảng”, cùng với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960).
 |
Trang nhất và trang 3 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 16-1-1995. |
KIM GIANG (tổng hợp)