Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 15-1-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế

Sự kiện trong nước

- Ngày 15-1-1937: Báo Nhành lúa ra số đầu tiên tại Huế. Tờ báo đánh dấu thời kỳ Mặt trận dân chủ đấu tranh trên lĩnh vực báo chí công khai. Nhành lúa xuất bản đến số 9, ngày 19-3-1937, bị Toàn quyền Đông Dương cấm xuất bản.

- Ngày 15-1-1952: Bác Hồ ký Sắc lệnh truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho nữ Anh hùng dân quân Bùi Thị Cúc, quê ở Hưng Yên đã giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng khi bị giặc Pháp bắt và giết hại một cách dã man.

- Ngày 15-1-1970: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh đặt các danh hiệu vinh dự Nhà nước: Anh hùng Lao động và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

- Ngày 15-1-1973: Hoa Kỳ tuyên bố chấm dứt toàn bộ việc ném bom, bắn phá, thả mìn trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 bằng máy bay, tàu chiến đối với miền Bắc Việt Nam.

Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 152, Trung đoàn 250, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân) quán triệt nhiệm vụ trước buổi huấn luyện. Ảnh: Qdnd.vn 

- Ngày 15-1-1976: Sư đoàn Phòng không 361 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý ''Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân''.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 15-1-1759: Bảo tàng Anh (British Museum) - một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới, bắt đầu mở cửa cho công chúng tham quan.

- Ngày 15-1-1943: Khánh thành Lầu Năm Góc - trụ sở của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Lầu Năm Góc được khởi công xây dựng ngày 11-9-1941, là một trong những tòa nhà văn phòng lớn nhất thế giới xét về diện tích sàn.

Toàn cảnh trụ sở Lầu Năm Góc. Ảnh: Baotintuc.vn 

Theo dấu chân Người

- Ngày 15-1-1923, Nguyễn Ái Quốc với tư cách là một đảng viên thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp tích cực hoạt động nhằm thu hút sự chú ý của chính giới đối với vấn đề thuộc địa nói chung, xứ sở Đông Dương của mình nói riêng.

Ngày 15-1-1923, bài báo “Những người bản xứ được ưa chuộng” đăng trên tờ “Người cùng khổ”(Le Paria). Bằng một giọng văn hài hước sắc xảo và sâu cay, tác giả lấy tích truyện “Othello” của đại văn hào Shakespeare để liên tưởng đến thân phận những người da màu trên nước Pháp hiện đại, bóc trần những thủ đoạn và sự tuyên truyền lừa bịp về nền dân chủ và công lý...

- Ngày 15-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 5, hủy bỏ quyền quản lý và sử dụng đường sắt Hải Phòng-Vân Nam của Công ty Hỏa xa Vân Nam. Đây là một trong những thế lực mạnh của nền kinh tế thuộc địa. Nó độc quyền khai thác con đường huyết mạch nối vùng Tây Nam Trung Quốc thông ra cảng Hải Phòng. Không chỉ người Pháp mà lúc này Trung Hoa Quốc dân Đảng cũng muốn nắm. Theo Sắc lệnh này thì toàn bộ tài sản của Công ty nay thuộc quyền sở hữu và sử dụng của Nhà nước Việt Nam.

Để ổn định trị an, Bác cũng ký Sắc lệnh số 6 về hình phạt đối với tội trộm cắp, tự ý phá hủy, cắt dây điện thoại hoặc tàng trữ các loại vật tư có liên quan; và sắc lệnh bổ sung về chức năng của Tòa án quân sự.

- Ngày 15-1-1953 chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 30 ngày V.I.Lênin mất (21-1-1924/21-1-1954) Bác viết bài “Kỷ niệm Lênin” đăng trên Báo Nhân Dân. Bài báo nêu lên những bài học sâu sắc: “Lênin dạy chúng ta phải ra sức chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Dù vô tình hay là cố ý, duy trì ba bệnh ấy tức là giúp sức cho kẻ địch và làm hại cho nhân dân, cho Chính phủ, cho Đảng... Chúng ta kỷ niệm đồng chí Lênin, thương nhớ đồng chí Lênin thì càng phải học tập và thực hành chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là con đường duy nhất cho chúng ta đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Người dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội (16-7-1960). Ảnh: Hochiminh.vn 

- Ngày 15-1-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài với tiêu đề: “Phải cấy chiêm xong trước tết”, ký bút danh T.L., đăng trên Báo Nhân Dân, số 4665, nhắc nhở cán bộ các cấp, các ngành ở địa phương cần tăng cường chỉ đạo nhân dân gieo cấy vụ chiêm xuân đúng kỹ thuật, hết diện tích, kịp thời vụ. Tác giả phê bình một số địa phương có tiến độ gieo cấy chậm hoặc bảo vệ nguồn sức kéo chưa tốt như ở Thái Bình, Lạng Sơn, v.v.. Và mong rằng các địa phương kịp thời rút kinh nghiệm để tiến hành sản xuất vụ chiêm xuân thắng lợi.

(Sách Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2009, tập 10)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 15-1-1950, trong thư viết cho Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Xây dựng bộ máy công an nhân dân. Tức là công an phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân.” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, trang 312)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Cảnh sát nhân dân Thủ đô Hà Nội, mùng 1 Tết Quý Mão (1963). Ảnh tư liệu 

Trong thư, Người ghi nhận những đóng góp, hy sinh lớn lao của lực lượng Công an nhân dân trong những năm qua; đồng thời căn dặn “các tổ chức công an phải giản đơn, thiết thực, tránh cái tệ quá hình thức, giấy má. Lề lối làm việc phải dân chủ… Phải hoan nghênh nhân dân phê bình công an, để đi đến hiểu công an, yêu công an, và giúp đỡ công an”.

 Người mong muốn lực lượng công an cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ, với tinh thần vì dân, tin dân, dựa vào dân mà phục vụ nhân dân. Lời của Người đã cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ công an cố gắng ra sức thi đua lập nhiều thành tích trong bảo vệ chế độ, giữ gìn trật tự, an ninh chính trị và cuộc sống của nhân dân.

Lúc sinh thời, Bác luôn quan tâm, chăm lo đến việc tổ chức xây dựng lực lượng công an nhân dân. Người khẳng định, mỗi cán bộ, chiến sĩ và toàn lực lượng công an nhân dân phải đặt lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Công an nhân dân phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Đảng, phải phục tùng đường lối, chính sách của Đảng.

Người còn dạy lực lượng công an nhân dân 6 điều về “Tư cách người Công an cách mệnh”, đó là “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính/ Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ/ Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành/Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép/ Đối với công việc, phải tận tụy/Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, trang 498).

Trong giai đoạn hiện nay, lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục phát huy cao độ truyền thống quý báu “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu; luôn kiên định trước mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với danh hiệu Lực lượng Công an nhân dân anh hùng của Dân tộc Việt Nam anh hùng.

Lời chỉnh huấn trên của Bác không chỉ là bài học lớn với riêng lực lượng Công an nhân dân, mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Khắc ghi lời dạy của Người, các đơn vị quân đội luôn phát huy bản chất, truyền thống "quân với dân như cá với nước", đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhân dân; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, an toàn gắn với xây dựng địa bàn an toàn, góp phần củng cố, tăng cường "thế trận lòng dân", cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 529, ra ngày 15-1-1959 đăng trang trọng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Đức Ốt-tô Gơ-rốt-tơ-vôn (Otto Grotewohl) kèm dòng chú thích: Thủ tướng Ốt-tô Gơ-rốt-tơ-vôn và nhân dân Đức đón tiếp Hồ Chủ tịch tại sân bay Ba-linh (Berlin), trong dịp Người đi thăm nước Cộng hòa dân chủ Đức. Ảnh: Sở nhiếp ảnh trung ương.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 529, ra ngày 15-1-1959. 

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1151, ra ngày 15-1-1963 đăng trang trọng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Ủy viên Ủy ban công tác đối ngoại Xô-viết liên bang của Xô-viết tối cao Liên Xô I.V. An-đơ-rô-pốp, kèm dòng chú thích: Hồ Chủ tịch thân mật bắt tay đồng chí An-đơ-rô-pốp, khi đoàn Đại biểu Xô-viết tối cao Liên-xô đến thăm Người sáng ngày 13-1-1963. (Ảnh: VNTTX) (Vũ Đình Hồng chụp)

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1151, ra ngày 15-1-1963. 
 

ĐẶNG LOAN (tổng hợp)