Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 12-1-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast  tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 12-11:

Sự kiện trong nước

Từ ngày 12 đến 16-1-1947: Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ nhất, đặt ra yêu cầu chính lúc này là bảo toàn chủ lực và duy trì sức chiến đấu của bộ đội.

Từ ngày 12 đến 22-1-1959: Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp Hội nghị lần thứ 15 đề ra Đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam. Trung ương chủ trương con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là Khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã tạo bước chuyển biến lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước, góp phần hoàn chỉnh đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng. Từ đó, phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam ngày càng lan rộng, nhất là phong trào “đồng khởi” phá thế kìm kẹp của địch, giành chính quyền.

Hội nghị Trung ương lần thứ 15 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa họp tại thủ đô Hà Nội vào tháng 1-1959. Ảnh: Baotanglichsu.vn 

Ngày 12-1-1968: Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng nhân dân Lào nổ súng mở màn chiến dịch Nậm Bạc (chiến dịch Quyết thắng) ở Thượng Lào. Qua 15 ngày đêm chiến đấu, ngày 27-1-1968, chiến dịch Nậm Bạc đã giành thắng lợi to lớn về chính trị và quân sự.

Chiến dịch Nậm Bạc đã giải phóng hoàn toàn khu vực Nậm Bạc - Khăm Đeng, một khu vực rộng lớn với trên 10 nghìn dân, nối liền vùng giải phóng Thượng Lào thành khu vực liên hoàn, tạo thế vững chắc cho hậu phương cách mạng Lào; trực tiếp phá vỡ căn cứ chiến lược và kế hoạch tiến công vùng giải phóng của quân Phái hữu Lào; góp phần quan trọng làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng Lào, đồng thời có ý nghĩa nghi binh, phối hợp nhịp nhàng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường Miền Nam Việt  Nam. (Bách khoa Toàn thư Quân sự Việt Nam)

Một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào. Ảnh: Tạp chí Quốc phòng toàn dân  

Ngày 12-1-1976: Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phê chuẩn việc thành lập Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

Sự kiện quốc tế

Ngày 12-1-1876: Ngày sinh nhà vǎn hiện thực Mỹ Jack London. Các tác phẩm của ông bộc lộ rõ xu hướng xã hội chủ nghĩa, phê phán sâu sắc trật tự tư bản. Ông có các tác phẩm nổi tiếng như: "Tiếng gọi nơi hoang dã" (1903), "Tình yêu cuộc sống" (1907), "Nanh trắng" (1907), "Gót sắt" (1907),"Dân chúng của vực thẳm", "Chiến tranh giai cấp".

Ngày 12-1-1933: Quốc hội Mỹ công nhận độc lập của Philippines.

Ngày 12-1-1964: Quân nổi dậy đứng đầu bởi John Okello đã lật đổ quốc vương Jamshid bin Abdullah, kết thúc 200 năm thống trị của người Ả Rập tại Zanzibar.

Ngày 12-1-1981: Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 35 chấp nhận Việt Nam và 4 nước khác là Tây Ban Nha, Cộng hòa Ả Rập, Xyri, Thượng Vôn ta và Urugoay làm thành viên chính thức của Ủy ban sử dụng hòa bình khoảng không vũ trụ.

Ngày 12-1-2004: Tàu RMS Queen Mary 2 (Anh) – chiếc tàu khách lớn nhất, mới nhất và lộng lẫy nhất thế giới – thực hiện chuyến đi đầu tiên.

Ngày 12-1-2010: Động đất ở Haiti giết chết khoảng 316.000 người và phá hủy phần lớn thủ đô Port-au-Prince.

Theo dấu chân Người

Ngày 12-1-1933, sau khi Tòa án Anh ở Hồng Kông đã ra lệnh thả, Nguyễn Ái Quốc quyết định đi Anh, nhưng tàu vừa cập bến cảng Singapore thì chính quyền sở tại theo yêu cầu của nhà cầm quyền ở Hồng Kông ra lệnh cho nhà cách mạng Việt Nam phải quay lại nơi xuất phát. Cách đó mới hơn một năm (tháng 6-1931), Bộ Thuộc địa Pháp đã cảnh báo: Việc trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc chỉ có thể làm trầm trọng thêm những hoạt động có hại của phong trào Đông Dương mà các Sở an ninh Đông Dương đều biết là ông ta đã tập trung tất cả trò thông minh, quyền lực và sự nổi tiếng của mình.

Ngày 12-1-1947, lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh lan rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời một nhà báo Mỹ, trong đó một lần nữa bày tỏ “Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ giúp các dân tộc nhỏ giành độc lập như Tổng thống Roosevelt đã thường nói”, đồng thời sẵn sàng tiếp đón những phóng viên Mỹ muốn đến tìm hiểu tình hình Việt Nam.

Ngày 12-1-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thǎm và tát nước chống hạn với bà con nông dân ở làng Tó, xã Đại Thanh, Hà Đông (nay là xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội (12-1-1958). Ảnh tư liệu TTXVN  

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhân dân xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Người đi xem giếng chống hạn ở cánh đồng Cửa Miếu. Nói chuyện với cán bộ, nhân dân tại Hội nghị chống hạn của xã, Người nhấn mạnh: Muốn chống hạn được tốt, cần phải chống những tư tưởng lệch lạc, phải đoàn kết giúp đỡ nhau, trong thi đua, thưởng phạt phải phân minh. Người tặng Hội nghị một số huy hiệu của Người để làm giải thưởng thi đua. Sau đó, Người thăm công trường xây dựng Đài phát thanh Mễ Trì.

Ngày 12-1-1967, Bác tiếp giáo sư H.S.Ax môrơ, chủ bút tờ “Nhật báo Acansát” cùng hai nhân vật nữa là những người đã nhận sứ mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ thăm dò khả năng chấm dứt chiến tranh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm hiểu một cách chân tình và thẳng thắn: “Tôi chưa có thời gian nào để lấy vợ và lập gia đình. Tôi nói với thanh niên Việt Nam rằng họ là con cháu tôi, vì vậy tôi rất bình yên và giản dị. Tôi ngủ rất ngon, ngay cả khi có việc ném bom của các ông”.

“Chúng tôi không đánh nước Mỹ. Chúng tôi không phạm một hành động đối địch nào vào lãnh thổ các ông... Trong khi những hành động chiến tranh còn tiếp diễn thì các ông đừng mong đợi chúng tôi đến bàn thương lượng. Làm như vậy không phải là thương lượng một giải pháp mà đó là đi xin hòa bình, là đầu hàng... Khi nào chấm dứt ném bom, cuộc nói chuyện sẽ bắt đầu”,” Nhân dân chúng tôi là người có lý trí biết suy nghĩ, yêu hòa bình. Chúng tôi muốn kết thúc cuộc chiến tranh này, nhưng nền độc lập, tự do của Việt Nam không bao giờ lại bị đưa ra thương lượng một lần nữa”.

Cuộc tiếp xúc này là tín hiệu để phía Mỹ nhận thức được thiện chí có nguyên tắc của phía Việt Nam nhằm đi đến bàn hội nghị đó diễn ra tại Pari ngay sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy vào mùa Xuân năm Mậu Thân (1968).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (12-1-1967). Ảnh: Tư liệu TTXVN  

Tối cùng ngày, Bác Hồ đến dự lễ khai mạc Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tổ chức tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Nói chuyện với Đại hội, Người tỏ ý rất phấn khởi và tự hào trước sự trưởng thành của thanh niên nước ta, đặc biệt là tinh thần quả cảm, anh dũng của thanh niên trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, Người cũng nhắc các đại biểu rằng sở dĩ có được sự tiến bộ vượt bậc đó là: “Nhờ có Đảng giáo dục, có Đoàn giúp đỡ, có nhân dân bồi dưỡng cho nên chúng ta mới có anh hùng”. Cuối cùng, Người nói: “Các cháu nào đã là anh hùng thì phải cố gắng tiến lên nữa, các cháu nào chưa là anh hùng thì cố gắng phấn đấu trở thành anh hùng”.

 (Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2007)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

 “Hồ Chí Minh xin gửi tới nhân dân Mỹ vĩ đại tình hữu nghị tốt đẹp nhất của nhân dân Việt Nam và hy vọng nhân dân Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam đấu tranh giành độc lập”.

Đây là lời trong bức Điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời một nhà báo Mỹ vào ngày 12-1-1947 (theo Bản gốc tiếng Anh lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh); trong bối cảnh nhân dân ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hoạt động ngoại giao của nước ta bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận.

 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, t.5, tr.28)

Trong bức điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với nhân dân Mỹ và thế giới rằng: Nhân dân, Đảng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn yêu chuộng hòa bình, không muốn chiến tranh đổ máu, muốn là bạn với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Nhưng cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp đã chà đạp lên các quyền cơ bản thiêng liêng của con người, dân tộc Việt Nam, buộc nhân dân Việt Nam phải cầm súng kháng chiến. Đề nghị Nhà nước Mỹ ủng hộ, không can thiệp vào cuộc chiến tranh chính nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân sĩ trí thức Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam (17-1-1967). Ảnh: Hochiminh.vn  

Lời của Người đã góp phần giúp nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới hiểu rõ hơn cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam; trong những điều kiện và hoàn cảnh nhất định đã nhận được sự ủng hộ tích cực của nhân dân tiến bộ trên thế giới; là một bài học kinh nghiệm bổ ích đối với hoạt động ngoại giao, báo chí, tuyên truyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ba Lan (21-7-1957). Ảnh tư liệu  
Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến Chủ tịch Tiệp Khắc Antonín Zápotocký tại Praha, trong chuyến thăm hữu nghị Tiệp Khắc (17-7-1957). Ảnh tư liệu TTXVN
 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Myanmar, tháng 2-1958. Ảnh: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao  

Lời của Người trong bức điện trả lời nhà báo Mỹ năm xưa đến hôm nay vẫn được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân sử dụng như một tài liệu quý để nghiên cứu, học tập, vận dụng nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc, phủ nhận bản chất nhân văn, nhân đạo cộng sản trong đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta hiện nay.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Xu-đăng. Ảnh: Qdnd.vn 

Thấm nhuần lời của Bác và quan điểm đoàn kết quốc tế của Đảng, trải qua hơn bảy mươi năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và thực hiện nhiệm vụ quốc tế, Quân đội nhân Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống đoàn kết quốc tế tốt đẹp “giúp bạn tức là tự giúp mình”, có tinh thần yêu nước chân chính, tinh thần quốc tế vô sản cao cả, luôn đoàn kết với nhân dân và quân đội các nước anh em, với nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 12-1-1965 đăng bài viết: “Toàn quân thi đua làm theo lời Bác dạy và chào mừng chiến thắng Bình Giã” và “Ghi sâu lời Bác dạy: Phải luôn luôn khiêm tốn”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 12-1-1965.  

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 12-1-1970 đã đăng trang trọng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ kèm lời dẫn: “Hồ Chủ tịch – Người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 12-1-1970.  
 

 KIM  GIANG (tổng hợp)