Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 8-1-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast  tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 8-1:

Sự kiện trong nước

Ngày 8-1-1926, Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu là Bảo Đại, trở thành vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, cũng như của chế độ phong kiến Việt Nam.

Ngày 8-1-1930, công nhân nhà máy Xi măng Hải Phòng đã tổ chức cuộc đình công lớn đòi tăng lương, giảm giờ làm, trả lương đúng kỳ, chống đánh đập và ủng hộ các cuộc đấu tranh của công nhân ở các địa phương khác chống ách thống trị của thực dân. Cuộc đình công đã giành được những thắng lợi quan trọng, đồng thời biểu dương sức mạnh đoàn kết, ý chí kiên cường của công nhân và quần chúng lao động. Từ đó, ngày này trở thành Ngày truyền thống của công nhân xi măng Việt Nam. Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định lấy ngày 8-1 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Xi măng Việt Nam.

leftcenterrightdel
Bác Hồ về thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng ngày 30-5-1957. Ảnh: Tư liệu

Trong suốt 92 năm  qua, ngành xi măng Việt Nam ghi nhận bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước cũng như ngành xây dựng. Từ nước thiếu xi măng trầm trọng trước năm 1993, đến nay Việt Nam trở thành nước đứng đầu khối ASEAN về sản lượng xi măng và đứng thứ 5 thế giới về sản xuất và tiêu thụ xi măng với tổng công suất thiết kế khoảng 100 triệu tấn/năm. Với vị thế hiện tại, ngành xi măng Việt Nam được coi là có quy mô và sức ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường xi măng trong khu vực.

Từ ngày 8-1 đến ngày 5-2-1966, quân và dân Củ Chi (tỉnh Gia Định cũ) đã giành thắng lợi to lớn trong việc chống địch càn quét của 8 nghìn quân Mỹ và đồng minh, không chỉ tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của chúng mà còn làm thất bại âm mưu của Mỹ nhằm đẩy lùi vòng bao vây của ta đang ngày càng thắt chặt xung quanh Sài Gòn.

leftcenterrightdel

Quân dân Củ Chi đón nhận danh hiệu “Đất Thép Thành Đồng” năm 1967. Ảnh: Tư liệu 

Ngày 8-1-2002, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh trong giai đoạn cách mạng mới”. Nghị quyết xác định: Công tác cựu chiến binh là một trong những công tác vận động quần chúng quan trọng của Đảng, là trách nhiệm của hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, của toàn xã hội.

Sự kiện quốc tế

Ngày 8-1-1963, Kiệt tác Mona Lisa của Leonardo da Vinci lần đầu được trưng bày tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington, D.C, Mỹ.

Ngày 8-1-1940, George Stibitz, nhà toán lý học người Mỹ, cùng với đồng nghiệp tại Bell Labs cho ra đời máy tính số phức hợp (complex Number computer).

Theo dấu chân Người

Ngày 8-1-1920, Nguyễn Ái Quốc cùng một số trí thức Việt Nam đang ở Pari tham dự một cuộc thảo luận tại Hội Địa dư Pháp về quyền tự quyết của người Triều Tiên, cũng nhằm tranh thủ nêu vấn đề về quyền tự quyết của người Đông Dương.

Ngày 8-1-1946, chỉ hai ngày sau cuộc Tổng tuyển cử, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đi thăm Trại giam Hoả Lò ở Hà Nội. Báo chí mô tả người đứng đầu Nhà nước đã thăm khu nhà giam, nhà tắm, lớp học, buồng làm việc, trạm xá, nhà bếp và lắng nghe các phạm nhân phân trần, rồi Người khuyên họ “gắng sửa tội lỗi để xứng đáng là công dân của một nước độc lập”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc Giám đốc trại giam xem xét lại các án tù và xin cơ quan thẩm quyền tha bớt những người nhẹ tội.

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Sở Cảnh sát Trung ương đóng ở phố Hàng Trống và căn dặn: Ngoài việc giữ trật tự còn phải tuyên truyền, phải đoàn kết và hợp tác với tự vệ và nhân dân thành phố. Đến Bộ Tuyên truyền, Chủ tịch nhắc nhở phải giữ thái độ khoan dung với kiều dân Pháp và trong việc tuyên truyền phải tôn trọng sự thật, có vậy mới có nhiều người nghe.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và huấn thị tại Hội nghị cán bộ của lực lượng Công an nhân dân, ngày 29-4-1963. Ảnh: Hochiminh.vn 

Cũng trong ngày hôm đó, đáp lại việc nữ sĩ Hằng Phương gửi tặng cam cho Chủ tịch nước, trên tờ “Tiếng gọi Phụ nữ” (số 11), Bác đăng bài thơ “Cảm ơn người tặng cam” bằng những câu thơ ý nhị và sâu sắc:

“Cảm ơn bà biếu gói cam,

Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai!”

Ngày 8-1-1947, Bác đăng một bài thơ gửi tặng báo “Độc Lập” - cơ quan ngôn luận của giới trí thức và công thương, mang tinh thần cổ vũ cho một năm mới đầu tiên cả nước bước vào cuộc kháng chiến gian khổ:

“Năm mới thế cho năm đã cũ.

Báo “Độc lập” của Đảng Dân chủ.

Kêu gọi toàn thể dân Việt Nam,

Đoàn kết và thắt chặt hàng ngũ,

Kiên quyết kháng chiến đến kỳ cùng,

Để giữ chủ quyền và lãnh thổ.

Chờ ngày độc lập đó thành công.

Tết ấy tha hồ bàn với cỗ.”

Cũng nhân dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi hô hào đồng bào phải hết sức tiết kiệm, để dành tiền bạc, cơm gạo cho cuộc kháng chiến lâu dài..., ra sức thi đua tăng gia sản xuất và quan tâm đến các chiến sĩ ngoài chiến trường.

Cùng ngày, Bác Hồ còn viết thư khen ngợi các chiến sĩ bị thương xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế…, đồng thời khích lệ các thầy thuốc và cán hộ đã hết lòng chăm sóc thương binh:“Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng may 10, Người góp ý kiến về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, đảm bảo chất lượng (8-1-1959). Ảnh: Hochiminh.vn 

Ngày 8-1-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thǎm Xưởng May 10 (lúc đó thuộc Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần) ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bác cǎn dặn công nhân, cán bộ phải đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, cải tiến kỹ thuật và quản lý tốt xí nghiệp.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 8-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời căn dặn dành cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực”. Lời dạy này được đăng trên Báo Cứu quốc, số 137, ngày 9-1-1946.

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa bản tin tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Tư liệu TTXVN 

Lời của Người nhằm nhắc nhở cán bộ tuyên truyền phải hiểu rõ trong hoàn cảnh, nhiệm vụ nào cũng phải tôn trọng tính khách quan, chân thực, phù hợp với tình hình nhiệm vụ cách mạng, trình độ dân trí, phát huy giá trị nhân đạo truyền thống của dân tộc Việt Nam; qua đó, hình thành thái độ, phương pháp tuyên truyền phù hợp. Hơn thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu lên vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác tuyên truyền là phải “tôn trọng hiện thực khách quan”, có như vậy tuyên truyền mới có nhiều người nghe và đạt được mục đích, hiệu quả tuyên truyền.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, đội ngũ cán bộ tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương qua các thế hệ đã vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, bảo đảm khách quan, trung thực. Trong lĩnh vực quân sự, cán bộ làm công tác tuyên truyền các cấp luôn nắm vững đường lối kháng chiến, kiến quốc; đổi mới, sáng tạo nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền phong phú, được cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân đón nhận.

Đối với những người làm báo, lời Bác dạy năm xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Với tư cách là người truyền tin, người định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, những người làm báo phải luôn thể hiện được tính khách quan, tôn trọng sự thật trong mỗi bài viết của mình, đưa thông tin trung thực, có trách nhiệm đến với bạn đọc, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, xứng đáng với vai trò người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo tháng 9-1960. Ảnh: Hochiminh.vn 

Những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền mãi mãi là hành trang, là phương pháp luận quý báu, tiếp sức cho những người làm công tác tuyên truyền tiếp tục phấn đấu hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 8-1-1957 đã đăng tin: “Hồ Chủ tịch tặng Đoàn X bảo vệ Thủ đô 15 vạn đồng làm vốn tăng gia”, trong đó viết:

Cũng vào dịp tháng 12 năm ngoái, Hồ Chủ tịch đã tặng Đoàn X 6 vạn đồng làm vốn tăng gia chuẩn bị ăn Tết Nguyên đán. Đoàn đã phân phối số tiền đó cho các đơn vị thêm vốn tăng gia, thu hoạch vụ rau năm ngoái được hơn 30 vạn đồng.

Ngày 14-12 năm nay, Hồ Chủ tịch lại lấy số tiền nhuận bút viết báo dành được tặng cho Đoàn X 15 vạn để làm vốn tăng gia chuẩn bị Tết Nguyên đán sắp tới.

Được sự săn sóc của Hồ Chủ tịch, anh em toàn Đoàn càng hăng hái làm tròn nhiệm vụ bảo vệ thủ đô và càng hăng hái tăng gia để Tết năm nay sẽ được tươi hơn như lòng Bác mong muốn.”

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 8-1-1967 đăng Lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng cho 45 đơn vị và 111 cá nhân lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chống Mỹ, cứu nước.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 8-1- 1957 và 8-1-1967.
leftcenterrightdel
 

KIM  GIANG (tổng hợp)