Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 13-1-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 13-1
Sự kiện trong nước
- Ngày 13-1-1953: Từ ngày 13 đến ngày 28-1-1953, Bộ tư lệnh Liên khu 5 đã tổ chức, chỉ đạo chiến dịch An Khê. Sau 15 ngày chiến đấu, ta đã diệt 6 đại đội địch, thu 900 súng, có 1 đại bác 105 ly, 15 đại liên, 39 trung liên, 30 tấn đạn và quân trang, quân dụng, nhân dân phá hai khu tập trung. Là chiến dịch phối hợp ba thứ quân, phối hợp các chiến trường toàn Liên khu, diệt nhiều đại đội địch, thu nhiều vũ khí, góp phần quan trọng làm thất bại âm mưu “bình định” của địch. Đáng chú ý, ta đã đẩy mạnh phát triển cơ sở cách mạng vào những nơi xung yếu vùng tạm bị chiếm, góp phần cùng quân dân cả nước đẩy địch càng lún sâu vào thế bị động đối phó. Thắng lợi của chiến dịch An Khê đã vượt qua phạm vi Đông Dương. Tin bại trận làm xôn xao dư luận nước Pháp.
Chiến dịch tiến công An Khê giành thắng lợi thể hiện bước phát triển mới về nghệ thuật sử dụng binh lực hợp lý, hình thành thế trận hiểm hóc, chủ động tiến công và tiến công liên tục, tập trung dứt điểm từng mục tiêu, diệt gọn từng đơn vị cả trong công kiên và trong vận động phục kích. Chính vì đánh giá đúng tình hình địch, ta giữ vững quyền chủ động từ khi mở màn đến khi kết thúc chiến dịch, ta đã đạt mục đích chiến dịch đề ra, buộc địch phải phân tán một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược vào chiến trường Tây Nguyên và duyên hải Trung - Trung Bộ, cùng với các chiến trường khác tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường chính Bắc Bộ mở rộng lực lượng, thế trận chuẩn bị cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.
 |
Đồn của quân Pháp bị bộ đội ta tiêu diệt trong chiến dịch. Ảnh tư liệu. |
- Ngày 13-1-1955: Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết định số 221/QĐ về việc đổi tên Tổng cục Cung cấp thành Tổng cục Hậu cần. Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và phát triển; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ngành Hậu cần Quân đội đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, góp phần cùng toàn dân, toàn quân giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Hậu cần Quân đội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước đã trao tặng Ngành Hậu cần Quân đội nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất..
 |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và trao bằng chứng nhận tặng Tổng cục Hậu cần. Ảnh: Baochinhphu.vn |
- Ngày 13-1-1969: Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về việc bồi dưỡng và noi gương người tốt việc tốt.
- Ngày 13-1-1973: Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thưởng huân chương cho 140 địa phương và các đơn vị có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước, của nhân dân, nhanh chóng khắc phục hậu quả của chiến tranh kể từ khi giặc Mỹ đánh phá trở lại miền Bắc.
- Ngày 13-1-2003: Chủ tịch nước kí quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động cho 6 đơn vị và 2 cán bộ quân đội có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kì đổi mới.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 13-1-1847: Hiệp ước Cahuenga kết thúc chiến tranh Hoa Kỳ-Mexico tại California.
- Ngày 13-1-1942: Henry Ford được cấp bằng sáng chế một chiếc ô tô được làm bằng nhựa, nhẹ hơn 30% so với ô tô thông thường.
- Ngày 13-1-2001: Trận đầu tiên trong 2 trận động đất lớn tại El Salvador xảy ra, làm ít nhất 944 người thiệt mạng và phá hủy hơn 100.000 căn nhà.
Theo dấu chân Người
- Ngày 13-1-1926, Nguyễn Ái Quốc viết thư tới Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân tha thiết đề nghị cung cấp tài liệu về nông dân để “có thể dịch sang tiếng Trung Quốc dùng cho việc tuyên truyền...” .
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Ảnh: tư liệu |
- Năm 1947, Hồ Chủ tịch viết “thư gửi lãnh tụ và nhân dân các nước” trong đó nêu rõ: “Việt Nam chỉ muốn hòa bình và độc lập để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới, trước là với dân tộc anh em Á Đông và dân tộc Pháp... Vì Tổ quốc, vì tự do, nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến đến cùng. Vì nhân đạo vì chính nghĩa, vì hòa bình chung và lợi ích chung, nhân dân Việt Nam mong các vị giúp đỡ mọi phương diện”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - Tập 1)
- Ngày 13-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh ban bố Luật hôn nhân gia đình. Trong bài nói tại Đại hội Đại biểu nhân dân Hà Nội diễn ra vào buổi tối cùng ngày ký sắc lệnh, Bác Hồ nêu rõ ý nghĩa lịch sử của đạo Luật này: “Có quan hệ mật thiết đến mọi người dân trong nước, đến cả nòi giống Việt Nam ta. Đạo luật ấy làm cho gái trai thật sự bình quyền, gia đình thật sự hạnh phúc. Toàn thể đồng bào ta đều nhiệt liệt hoan nghênh đạo luật chí tính chí lý ấy”. Cũng trong ngày này, trong bài nói tại Đại hội đại biểu nhân dân Hà Nội về thắng lợi của kỳ họp lần thứ 11 Quốc hội khóa I, Bác Hồ chỉ thị: “Đồng bào Thủ đô phải thật gương mẫu trong mọi công tác. Thủ đô phải là thành phố gương mẫu cho cả nước”. (Hồ Chí Minh toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010 - t12)
- Ngày 13-1-1962, trong phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị, khi bàn về ngân sách Nhà nước, Bác nhấn mạnh đến nguyên tắc “Khai nguyên tiết lưu”. “Cái gì cần tập trung thì tập trung, cái gì giảm được thì kiên quyết giảm. Làm sao cho dưới thông, dân thông... Chống lãng phí tham ô cần có biện pháp...”.
Cùng ngày, Người gửi điện tới Tổng thống Indonexia Xucácnô (Sukarno), lên án bọn đế quốc âm mưu ám hại Tổng thống và bày tỏ sự vui mừng khi biết tin Tổng thống được bình yên. Cũng trong ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho Thiếu tá Yuri Gagarin, phi công vũ trụ Liên Xô, con người đầu tiên được phóng lên vũ trụ trên con tàu “Phương Đông I” ngày 12-4-1961. (Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử - tập 8)
 |
Nhà du hành Yuri Gagarin - người đầu tiên bay vào vũ trụ. Ảnh: Vov.vn |
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
- Ngày 13-1-1967, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2038 đăng trang trọng bài và ảnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Thái Bình”
- Ngày 13-1-1970, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân có đăng trang trọng lời Hồ Chủ tịch khai mạc Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng: "Biết bao đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã vì dân, vì Đảng mà hy sinh một cách cực kỳ oanh liệt... Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ, và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ đã vượt tất cả mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã truyền lại cho chúng ta."
THANH HƯƠNG (tổng hợp)