Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 11-7-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 11-7

Sự kiện trong nước

- Ngày 11-7-1950, trong lúc kháng chiến chống Pháp đang giành được những thắng lợi to lớn trên khắp các chiến trường, ngày 11-7-1950, Tổng cục Cung cấp, tiền thân của Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay được thành lập, đánh dấu một bước phát triển mới của ngành Hậu cần quân đội, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng lớn mạnh của quân đội ta. Từ đó đến nay, ngày 11-7-1950 là Ngày truyền thống ngành Hậu cần quân đội.

leftcenterrightdel
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Hậu cần quân đội (11-7-1950 / 11-7-2020). Ảnh: baotintuc.vn

Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ngành Hậu cần quân đội đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, góp phần cùng toàn dân, toàn quân giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Trong thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng cục Hậu cần đã kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo toàn quân triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh vào đơn vị quân đội. Lực lượng quân y đã nỗ lực chung tay cùng toàn dân, toàn quân ta ngăn chặn, khống chế thành công dịch bệnh, tiếp tục làm ngời sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới đất nước.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 11-7-1987, vào lúc 6 giờ 35 phút ngày 11-7-1987 (theo giờ Anh), thế giới đã chào đón sự có mặt của em bé người Nam Tư là công dân thứ 5 tỷ. Hội nghị quốc tế về dân số đã lấy dấu mốc lịch sử đó là Ngày Dân số Thế giới.

leftcenterrightdel
 Đội tuyển Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010. Ảnh: AFP

- Ngày 11-7-2010: Đội tuyển Tây Ban Nha đánh bại đội tuyển Hà Lan trong trận chung kết và giành chức vô địch World Cup đầu tiên trong lịch sử nước nhà.

Theo dấu chân Người

- Ngày 11-7-1921, báo cáo của mật thám Pháp ghi nhận những cuộc tranh luận sôi nổi giữa các thành viên trong nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp trong đó có Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc... tại ngôi nhà của luật sư Phan Văn Trường, số 6 Villa des Gobelins ở Paris.

- Ngày 11-7-1946, một ngày tiếp xúc bận rộn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp với bà con Việt kiều và nhiều tổ chức chính trị, xã hội và chính khách Pháp trong đó có Tổng hội Giáo học Pháp, Hội Pháp - Việt hữu nghị trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới trí thức như nhà thơ Aragon, nữ bác học Marie Curie, lãnh đạo Đảng Cộng sản M.Thorez, Bộ trưởng Hải ngoại Pháp M.Moutet,… và cả Thủ tướng G. Bidault.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Việt kiều tại Pháp, năm 1946. Ảnh: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao

Trong lúc tiếp Hội Pháp - Việt hữu nghị, “Hội này là do những người Pháp có danh vọng lập ra, để ủng hộ cuộc độc lập Việt Nam… hễ ai đồng tình với Việt Nam là được vào Hội”, vị Chủ tịch của nước Việt Nam độc lập bày tỏ: “Tôi không tìm cách giấu nỗi cảm động của tôi trong lúc này... Các ngài cũng nhận thấy rằng lòng mong ước mạnh nhất của tôi, sự quan tâm nhất của nước Cộng hòa Việt Nam, nguyện vọng tha thiết của dân tộc Việt Nam là thực hiện được tình thân thiện Pháp - Việt... Nước Pháp của cuộc Đại cách mạng 1789, nước Pháp của cuộc kháng Đức, của cuộc giải phóng, đó tượng trưng hơn bao giờ hết lý tưởng tự do, dân chủ. Và nước Việt Nam chiến đấu giành độc lập chỉ là theo những lý tưởng dân chủ mà dân tộc Pháp là người tiên phong”.

leftcenterrightdel
 Nhân dân Pác Bó - Hà Quảng đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm (20-2-1961). Ảnh: Hochiminh.vn

- Ngày 11-7-1961, đến thăm và nói chuyện với Đại hội liên hoan Chiến sĩ toàn quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị bộ đội ta phải “Thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng quân đội, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để tự cải thiện mức sống của mình và giảm nhẹ sự đóng góp của đồng bào”.

Và Bác tặng Đại hội mấy vần thơ:

Công nhân phất cao ngọn cờ Duyên Hải,

Nông dân phất cao ngọn cờ Đại Phong,

Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ “ba nhất”,

Công, nông, binh đại thi đua, đại đoàn kết,

Chủ nghĩa xã hội nhất định đại thành công,

Bắc - Nam nhất định sẽ thống nhất non sông một nhà!”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Bất kỳ việc to việc nhỏ, phải chịu khó giải thích cho mọi người dân hiểu rõ thì dân sẽ vui lòng làm, mà việc gì cũng thành công”.

(Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 7, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, tr112)

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Công trái”, đăng trên Báo Cứu Quốc, số 1859, ngày 11-7-1951. Đây là giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đảng và Nhà nước ta phát hành công trái để phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đi đến thành công. Mặc dù cuộc phát hành công trái nhìn chung đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra; nhưng có địa phương, đơn vị chưa đạt chỉ tiêu; đặc biệt, so với việc Liên Xô phát hành công trái thì ta còn hạn chế. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích và chỉ ra lý do những địa phương, đơn vị chưa đạt chỉ tiêu là do cán bộ những nơi đó tuyên truyền, giải thích chưa rõ, thậm chí quan liêu, mệnh lệnh.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn cứ địa Việt Bắc (năm 1951). Ảnh: Hochiminh.vn 

Hồ Chí Minh khẳng định, trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bất kỳ từ “việc to” đến “việc nhỏ”, nếu biết cách và kiên trì tuyên truyền, giải thích, động viên quần chúng nhân dân để họ hiểu rõ thì sẽ phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân và việc gì cũng sẽ đem lại thành công. Lời dạy đó không chỉ dành cho một người, một việc mà còn dành cho mọi cán bộ, đảng viên trong tất cả mọi việc. Qua đây, Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh những tác động tiêu cực của bệnh quan liêu, mệnh lệnh đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.

Lời dạy trên đây của Hồ Chí Minh là sự khẳng định vai trò quyết định của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng; đồng thời, cũng nói lên tầm quan trọng đặc biệt của công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giác ngộ, đoàn kết, tập hợp và phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng khó khăn, phức tạp hơn, trong khi đó các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, kích động, chia rẽ nhân dân với Đảng. Thực tế đó càng đòi hỏi phải quán triệt và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cần Yên, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: MINH TRƯỜNG 

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và giáo dục chính trị theo đúng 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp; tập trung xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; làm chủ vũ khí, trang bị; thành thục về kỹ thuật, chiến thuật; luôn phân biệt rõ đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng thời, phải kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu trong quản lý, chỉ huy đơn vị.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 11-7-1981 đưa tin về Hội nghị nghiên cứu về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người ở thành phố Huế.

leftcenterrightdel
 Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân ngày 11-7-1981.
leftcenterrightdel
 

QUỲNH TRANG (tổng hợp)