Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 10-7-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 10-7
Sự kiện trong nước
- Ngày 10-7-1948, từ ngày 10-7 đến ngày 15-7-1948 diễn ra Hội nghị Giáo dục toàn quốc họp tại Việt Bắc.
- Ngày 10-7-1981, ngày thành lập Bệnh viện Quân y 87. Bệnh viện Quân y 87 là bệnh viện hạng 1 thuộc Tổng cục Hậu cần nằm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, được thành lập trên cơ sở bệnh viện dã chiến. Với ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, thống nhất cao độ của Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên bệnh viện từng bước khắc phục khó khăn, tiếp nhận những trang thiết bị y tế cần thiết để thực hiện nhiệm vụ thu dung, điều trị.
Những năm gần đây, Bệnh viện Quân y 87 chú trọng đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại như: Máy siêu âm 3D, 4D; máy CT Scanner; máy XQ kỹ thuật số; máy nội soi tiêu hóa ánh sáng lạnh; máy mổ nội soi; máy tán sỏi ngược dòng; máy chụp cộng hưởng từ (MRI); máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA); phòng xét nghiệm sinh học phân tử…
Đồng thời, thành lập Khoa Y học Hải quân và bộ phận cấp cứu đường không, đường biển để sẵn sàng nhận nhiệm vụ, điều trị các bệnh lý cho ngư dân đánh bắt tại ngư trường trong khu vực; bảo đảm cấp cứu, vận chuyển kịp thời các bệnh binh và người dân tại quần đảo Trường Sa khi có lệnh.
Cùng với đó, bệnh viện đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phục vụ, điều trị với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm”, nhiều ca bệnh khó, bệnh nặng như uốn ván, sốt xuất huyết suy đa tạng, đa chấn thương… tưởng chừng không qua khỏi nhưng đã được các bác sĩ của bệnh viện tận tình cứu chữa thành công.
 |
Bệnh viện Quân y 87. Ảnh: Hà Trang |
Ghi nhận sự đóng góp của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của Bệnh viện Quân y 87 trong những năm qua, đơn vị đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tặng thưởng các danh hiệu cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 1988), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (năm 2011), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2020); bằng khen của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm quân y cho quân và dân trong khu vực.
Bệnh viện liên tục được tặng cờ thi đua của các cấp, đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; Đảng bộ bệnh viện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhiều cán bộ, bác sĩ của bệnh viện được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 10-7-1941, trong chiến dịch Barbarossa, quân Đức mở chiến dịch tiến công vào thành phố Smolensk nhằm mở con đường ngắn nhất để vào Moskva.
- Ngày 10-7-2011, Du thuyền Bulgaria của Nga chìm trên đoạn sông Volga tại Tatarstan khiến 122 người tử vong.
Theo dấu chân Người
- Ngày 10-7-1921, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đang làm việc với các đảng viên chi bộ quận 17 tại Fontainebleau.
- Ngày 10-7-1922, tại Pari, Nguyễn Ái Quốc cùng với luật sư Phan Văn Trường và kỹ sư Nguyễn Thế Truyền đến thăm Nguyễn Văn Vĩnh từ trong nước mới sang dự Hội chợ thuộc địa ở Marseille. Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà hoạt động trên lĩnh vực văn hóa và báo chí có tư tưởng cấp tiến chủ trương chống chế độ quân chủ.
- Ngày 10-7-1931, trong “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tống Văn Sơ bắt đầu bị thẩm vấn lần thứ nhất sau khi bị nhà đương cục Hồng Kông bắt giữ.
 |
Nhà tù Victoria, nơi Nguyễn Ái Quốc bị đế quốc Anh bắt giam ở Hồng Kông. Ảnh tư liệu |
- Ngày 10-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhiều khách Pháp trong đó có cả nguyên Toàn quyền Đông Dương, Bộ trưởng thuộc địa A. Xaru vào 8 giờ tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp mấy người Pháp chuyên môn về các ngành kinh tế bên nước ta. Nói chuyện về cách Việt-Pháp cộng tác, làm sao cho dân Việt cũng có lợi, người Pháp cũng có lợi.
- Ngày 10-7-1948, Bác gửi thư tới Hội nghị Giáo dục toàn quốc được triệu tập tại Chiến khu Việt Bắc góp một số ý kiến nhằm mục tiêu “chúng ta cần phải có một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc” do vậy phải “sửa đổi triệt để chương trình giáo dục... phải có sách kháng chiến và kiến quốc cho các trường... phải sửa đổi cách dạy... phải đào tạo cán bộ mới và giúp đỡ cán bộ cũ... phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ văn hóa phổ thông của đồng bào”.
- Ngày 10-7-1954, trong bài “Gửi báo cáo và xin chỉ thị” đăng trên Báo Nhân Dân, Bác đề cập phương thức làm việc để bảo đảm công tác lãnh đạo có chất lượng: “Viết báo cáo, thì các tài liệu phải nghiên cứu kỹ, xét lại kỹ, phải đúng sự thật... Tuyệt đối không nên báo cáo một cách mơ hồ, giả dối, chỉ nói cái tốt mà giấu giếm cái xấu... Có như vậy, trong Đảng ý chí mới nhất trí, lãnh đạo mới thống nhất, đoàn kết mới chặt chẽ, kinh nghiệm mới dồi dào, mọi việc mới kịp thời và thành công… Cán bộ các cấp phải hiểu rõ rằng: Chế độ thỉnh thị và báo cáo là rất quan trọng và mỗi cán bộ phụ trách phải kiên quyết làm đúng chế độ ấy”.
- Ngày 10-7-1960, nhân thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội khóa II, Bác viết bài “Quốc hội ta vĩ đại thật” đăng trên Báo Nhân Dân điểm lại lịch sử và sứ mạng lịch sử của Quốc hội khóa I và kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử khóa II, đặc biệt là việc bảo lưu 91 đại biểu miền Nam của khóa I và 34 đại biểu mới tập kết ra Bắc đã biểu thị cho ý chí của toàn dân tộc. Bài báo kết luận: “Quốc hội khóa I của ta là Quốc hội kháng chiến. Quốc hội khóa II này là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.
 |
Nhân dân phố Lò Đúc, khu phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa II (tháng 5-1960). Ảnh tư liệu |
- Ngày 10-7-1966, dưới bút danh “Chiến sĩ”, Bác viết bài “Chúng ta phải làm thật tốt việc sơ tán” đăng trên Báo Nhân Dân, xác định “Việc sơ tán là một bộ phận cần thiết trong việc phòng không... Làm việc sơ tán thật tốt tức là góp phần đắc lực vào công việc phòng không, vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Riêng với đồng bào phải rời đô thị đi sơ tán và đồng bào đón bà con về địa phương sơ tán, Bác nhắc lại câu ca dao:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Đồng bào cả nước phải thương nhau cùng!”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010).
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Phải lấy việc làm thực tế mà hướng dẫn nhân dân ta xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Lời dạy trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Quốc hội ta vĩ đại thật”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 2304, ngày 10 tháng 7 năm 1960. Bài viết đã nêu lên ý nghĩa và những quyết định lịch sử của Quốc hội khóa I; đồng thời khẳng định thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa II trong bối cảnh nhân dân ta đang đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.624)
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II, tại tổ 52, khu Trúc Bạch, thuộc đơn vị bầu cử số 1 khu Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Đây là sự kỳ vọng, cũng là lời căn dặn và giao nhiệm vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để các đại biểu Quốc hội khóa II thực sự là nơi gửi gắm quyền lực chính trị của nhân dân. Quốc hội phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi đại biểu Quốc hội phải luôn sâu sát thực tế, bám nắm thực tiễn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và bằng những hành động cụ thể, mẫu mực để làm gương và hướng dẫn nhân dân.
Lời dạy của Người, không chỉ là phương châm hành động, mục tiêu phấn đấu của đại biểu Quốc hội, đại biểu dân cử ở các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, mà còn là cơ sở, tiêu chí để nhân dân, quần chúng lựa chọn người đại diện cho mình và giám sát việc thực hiện của các đại biểu Quốc hội. Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân ta đã luôn đề cao trách nhiệm, lựa chọn được những người tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, tiền phong, gương mẫu về lời nói và hành động để bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đại biểu quân đội được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội luôn là những tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, về phương pháp, tác phong và phong cách công tác, nói đi đôi với làm, sâu sát quần chúng và làm gương cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân noi theo. Trong tình hình hiện nay, trước xu thế dân chủ hóa và yêu cầu phát huy nhân tố con người trong xây dựng quân đội, đòi hỏi cần phải quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Mỗi quân nhân cần nhận rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc lựa chọn bầu ra những đại biểu đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của quân nhân trong đơn vị. Mặt khác, những người được lựa chọn làm đại diện cho quyền lợi chính trị, quân sự, kinh tế của quân nhân phải luôn nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, xứng đáng là tấm gương mẫu mực để quần chúng noi theo.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 130 ra ngày 10-7-1954, đăng nội dung Điện khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các chiến sĩ và cán bộ Liên khu 5.
 |
Trang nhất Báo quân đội nhân dân số 130, đăng ngày 10-7-1954. Ảnh: qdnd.vn |
ĐẶNG CƯỜNG (tổng hợp)