Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 11-12-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 11-12
Sự kiện trong nước
- Ngày 11-12-1954, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khẩu Phật tâm xà”, ký bút danh C.B., đăng trên Báo Nhân Dân, số 286. Bài viết nói về thái độ hai mặt của chính quyền nước Anh trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, vừa tham gia đồng minh chống phát xít vừa ngấm ngầm thỏa hiệp với chính quyền Hittle trong việc chống lại Liên Xô.
- Ngày 11-12-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dành cho tỉnh Thanh Hóa chuyến thăm ấm áp ân tình lần thứ 4. Nói chuyện với cán bộ và đồng bào trong tỉnh, Bác biểu dương những tiến bộ của tỉnh Thanh Hóa trong xây dựng và phát triển kinh tế thời gian qua, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ và nêu những khuyết điểm của tỉnh như chưa chú ý nhiều đến chất lượng của hợp tác xã, chưa đẩy mạnh việc trồng cây gây rừng, chưa đạt mức kế hoạch về sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp...
 |
Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Yên Trường (Yên Định, Thanh Hóa) tháng 12 -1961. Ảnh tư liệu |
Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, nếu khắc phục được những mặt yếu kém đó, Thanh Hóa, tỉnh lớn nhất của miền Bắc, nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động, chắc chắn sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm nền tảng vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
- Ngày 11-12-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng thảo luận về tính chất cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Trao đổi ý kiến tại Hội nghị, Người giải thích về những từ ngữ: “chiến tranh cục bộ”, “chiến tranh đặc biệt” và kết luận: “Đó là cách nói chữ của Mỹ. Còn ta cứ nói là “chiến tranh xâm lược”. Người khẳng định: “Dù với hình thức chiến tranh nào, nhân dân ta cũng quyết đánh, quyết thắng”. Người phân tích tình hình thuận lợi, khó khăn của ta, khó khăn của địch và tin tưởng nhân dân ta chắc chắn sẽ làm phá sản học thuyết chiến tranh xâm lược kiểu “đôminô” của chúng. Người dự đoán: “Thời gian đến khi bầu cử tổng thống, nội bộ chúng sẽ mâu thuẫn”. Người đề nghị: Bộ Chính trị cần có biện pháp giải thích trong toàn Đảng, toàn dân về mưu đồ, mục đích tiến hành chiến tranh đặc biệt hay chiến tranh cục bộ của Mỹ; xác định tư tưởng khắc phục gian khổ, hy sinh để đánh Mỹ và thắng Mỹ.
 |
Quân lính thủy đánh bộ của Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng tháng 3-1965. Ảnh tư liệu
|
Người còn nêu một số nội dung công tác cần phải đẩy mạnh để đáp ứng tình hình mới như công tác địch vận; kinh tế thời chiến; chống chiến tranh gián điệp của địch và chuẩn bị tinh thần ứng phó với việc Mỹ có thể ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Người nhắc mỗi ngành, mỗi đơn vị cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình và phải báo cáo trước Chính phủ.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 106-LCT, trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn ca múa Quân đội nhân dân Albania sang thăm và biểu diễn tại Việt Nam.
 |
Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993. Ảnh: TTXVN |
- Ngày 11-12-1993, Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Vǎn hóa của Liên hợp quốc đã có vǎn bản công nhận Quần thể di tích Huế là di sản vǎn hóa của nhân loại.
Vǎn bản này đánh giá: "Quần thể di tích Huế là một thí dụ điển hình về thiết kế đô thị và xây dựng một thành phố kinh đô có phòng thủ, biểu hiện quyền lực của vương quốc phong kiến ngày xưa ở Việt Nam".
Sự kiện quốc tế
- Ngày 11-12-1843 là ngày sinh Robert Koch, ông là nhà bác học vĩ đại người Đức. Sau tốt nghiệp y khoa loại xuất sắc, ông trở thành bác sĩ.
 |
Robert Koch là nhà bác học vĩ đại người Đức. Ảnh Wikipedia |
Nǎm 1881 ông bắt tay nghiên cứu nguyên nhân bệnh lao, đã tìm ra loại vi khuẩn gây lao (vi khuẩn này mang tên ông để ghi nhận công lao của ông). Ông đã đề ra các nguyên lý cơ bản để xác minh nguyên nhân bệnh này. Nǎm 1905 ông được trao thưởng Nobel về Y học. Ông cũng được coi là một trong số những người đặt nền móng cho vi khuẩn học. Ông mất ngày 27-5-1910.
TUẤN ĐIỆP (tổng hợp theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011; TTXVN; baotanghochiminh.vn, Báo Nhân Dân, TTXVN).