Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 9-12-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 9-12

Sự kiện trong nước

- Ngày 9-12-1911, khánh thành Nhà hát Lớn Hà Nội. Là một công trình kiến trúc lớn, được khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, nơi đây đã từng chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử và bước chuyển quan trọng của đất nước như lần biểu dương lực lượng cách mạng của quần chúng nhân dân Hà Nội mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám; Tuần lễ vàng; phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I…

Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911. 

Sau ngày đất nước thống nhất và cho đến ngày nay, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa lớn của cả nước và là một biểu tượng đẹp về mặt kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật của thủ đô Hà Nội.

Năm 2011, nhân dịp kỷ niệm Nhà hát 100 năm tuổi, Nhà hát Lớn Hà Nội và không gian Quảng trường Cách mạng Tháng Tám đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia.

- Ngày 9-12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với Đoàn đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin (Liên Xô) đến chào Người.

- Ngày 9-12-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng tỉnh Ninh Bình 10 huy hiệu làm phần thưởng cho những địa phương có thành tích chống hạn.

 Bức ảnh “Nụ cười hạnh phúc của cô gái nhỏ miền Nam trong vòng tay Bác” chụp Bác Hồ với nghệ sĩ Trà Giang năm 1962. Ảnh tư liệu

- Ngày 9-12-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nữ diễn viên điện ảnh Trà Giang đến thăm và cùng ăn cơm trưa với Người.

- Ngày 9-12-2002, nhà thơ Tố Hữu qua đời. Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4-10-1920, ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nhưng quê hương của ông ở làng Phù Lai (nay là thôn Tân Xuân Lai), xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế). Ông được tôn vinh là nhà thơ của cách mạng, nhà thơ của nhân dân, người có công đầu xây dựng nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu đã sống một cuộc đời trọn vẹn với cách mạng, với nghệ thuật, với thơ ca. Sự nghiệp thơ của ông chính là bản anh hùng ca, là cuốn biên niên sử hào hùng và bi tráng, sôi động và đầy nhiệt huyết của cách mạng giải phóng dân tộc trong suốt hơn nửa thế kỷ cứu nước và giữ nước. Đó là những vần thơ hào hùng, khí thế của “Chào xuân 67”, “Việt Nam máu và hoa”, “Từ ấy”…, rồi lại chút bâng khuâng bồi hồi với “Bầm ơi”, hay xúc động với bài thơ bất diệt “Emily, con ơi”.

 Nhà thơ Tố Hữu thời trẻ. Ảnh tư liệu

Con người, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và thi ca của Tố Hữu luôn sống mãi trong niềm tin yêu của Đảng và nhân dân. Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 9-12-2005, Nga khởi công xây dựng đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc” lớn nhất châu Âu.

Tuyến đường này có chiều dài 1.200 km, đường kính của ống dẫn là 1,42m, bắt đầu từ thành phố Babayevo thuộc tỉnh Vologda của Nga, chảy qua biển Baltic tới Đức và châu Âu. Đây là dự án liên doanh giữa Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga với các công ty BASF và E.ON của Đức, công ty Gasunie của Hà Lan và công ty GDF Suez của Pháp.

Các đường ống tại cơ sở ở Lubmin (Đức) - nơi đón nhận khí đốt từ “Dòng chảy phương Bắc”. Ảnh: Reuters 

Được đưa vào vận hành ngày 8-11-2011 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2012, đường ống này cho phép Nga cung cấp trung bình mỗi năm 55 tỷ mét khối khí đốt cho các bạn hàng tại khu vực châu Âu, đồng thời cũng giúp Nga tránh được sự lệ thuộc vào chính sách, vốn hay thay đổi của các nước mà Nga xuất khẩu, quá cảnh khí đốt.

- Ngày 9-12-2020, báo cáo y tế toàn cầu của WHO chỉ ra rằng bệnh không truyền nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Sau khi đánh giá các xu hướng tử vong và bệnh tật do các căn bệnh hay thương tật trong 2 thập kỷ qua, báo cáo chỉ ra rằng các căn bệnh không truyền nhiễm chiếm tới 4 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu vào giai đoạn năm 2000, rồi tăng lên tới 7 trong 10 nguyên nhân hiện nay, đã cho thấy tầm quan trọng của việc thế giới cần tập trung tăng cường ngăn ngừa và điều trị các căn bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường, các bệnh hô hấp mãn tính, cũng như điều trị các vết thương.

WHO cũng cảnh báo tính cấp thiết của việc cải thiện chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách công bằng và toàn diện. Chăm sóc sức khỏe ban đầu chính là nền tảng cơ bản cho mọi vấn đề, từ công tác chống các bệnh không truyền nhiễm đến kiểm soát đại dịch toàn cầu.

 

HUYỀN TRANG (Tổng hợp)