Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 6-12-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 6-12

Sự kiện trong nước

- Ngày 6-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài với nhan đề “Chiến đấu vì chính nghĩa”, ký tên Q.T., đăng trên Báo Cứu quốc, số 427. Người vạch rõ chiến lược, chiến thuật của quân và dân ta cần thực hiện. Đó là chiến thuật phòng ngự “bảo tồn được lực lượng để chờ thời cơ trừ diệt địch quân” và nhấn mạnh: “thế thủ không phải cố chết để mà giữ, không phải chống nhau với quân địch ở ngoài cửa ngõ, mà phải dụ quân địch vào sâu để trừ diệt chúng... chiến lược tiêu hao lực lượng của địch là chiến lược rất mầu nhiệm trong cuộc chiến tranh tự vệ”.

Phân tích về “điều kiện nhân hòa”, yếu tố quyết định để tiêu diệt quân địch, Người cho rằng: “Chỉ phe nào vì chính nghĩa mà chiến đấu, phe ấy mới có đủ điều kiện nhân hoà”, chúng ta chiến đấu vì chính nghĩa, nên chúng ta có đủ điều kiện nhân hòa. Ngoài yếu tố đó, chúng ta còn có thêm lợi thế nữa, ấy là địa lợi và thiên thời. Có chiến thuật đúng đắn, lại có đủ ba điều kiện nhân hòa, địa lợi và thiên thời, “cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Ảnh tư liệu 

- Ngày 6-12-1953: Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tấn công thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Quân ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: hochiminh.vn 

Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược, “đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã viết những câu thơ mô tả sinh động những ngày chiến dịch Điện Biên Phủ gian khổ nhưng hào hùng: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/chiến sĩ anh hùng/đầu nung lửa sắt/56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…

- Ngày  6-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 279-SL, tặng thưởng Huân chương Độc lập cho 16 cá nhân và đơn vị, Huân chương Kháng chiến cho 43 cá nhân và đơn vị, Huân chương Lao động cho bốn cá nhân và đơn vị đã lập nhiều thành tích trong thời kỳ hoạt động bí mật và trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Ngày 6-12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II).

Người nhấn mạnh: “Hiện nay, nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn dân ta là đẩy mạnh công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Muốn thực hiện được nhiệm vụ đó, trước hết là phải tiến hành cách mạng tư tưởng... Phải làm cho tư tưởng chính trị của nhân dân ta chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, có như thế chúng ta mới phát huy được hết thuận lợi, khắc phục được mọi khó khăn, hoàn thành tốt kế hoạch nhà nước ba năm và chuẩn bị tốt cho kế hoạch dài hạn về sau”.

Người căn dặn cụ thể các cán bộ phụ trách công tác nông thôn và công nghiệp một số điều cần nhớ và cần thực hiện để giành vụ đông - xuân thắng lợi, để làm tốt công tác cải tiến quản lý xí nghiệp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội (19-12-1963). Ảnh tư liệu

 

- Ngày 6-12-1959, bài viết với đầu đề “Thư không dán” kính gửi Tổng thống Mỹ Dwight David Eisenhower, có biệt danh là “Ike”, ký bút danh T.L., đăng Báo Nhân dân, số 2090, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần những luận điệu lừa bịp dư luận về cái gọi là “Tự do, công lý và hòa bình” mà Tổng thống Mỹ thường rêu rao. Bằng những dẫn chứng cụ thể, bài báo tố cáo Mỹ một mặt luôn nói đến “hòa bình”, nhưng thực tế lại tăng cường chạy đua vũ trang và viện trợ vũ khí cho lực lượng của Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam để chúng bắn giết những người vô tội.

- Ngày 6-12 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cả nước có hơn 4 triệu cựu chiến binh, là những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và đáp ứng nguyện vọng thiết tha, chính đáng của đông đảo cựu chiến binh Việt Nam, ngày 6-12-1989, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định cho thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam.  Sự ra đời của Hội Cựu chiến binh Việt Nam là dấu mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lực lượng cựu chiến binh để tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ phục vụ sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước trong thời bình, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, gắn bó tình bạn chiến đấu…

- Ngày 6-12-1967, chị Nguyễn Thị Xuân, dân quân huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình, một mình dùng súng trường bắn rơi chiếc máy bay F4H của giặc Mỹ. Đây là một chiến công tuyệt vời của dân quân nữ và của cây súng trường.

 - Ngày 6-12-1978, công trình trang thiết bị Nhà in Báo Nhân Dân do Cộng hòa dân chủ Đức giúp ta xây dựng từ đầu năm 1975 đã được khánh thành. Công trình này đảm bảo in 1 triệu tờ báo trong một ngày.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 6-12-2006: NASA tiết lộ các bức ảnh chụp bởi tàu vũ trụ Mars Global Surveyor cho thấy sự hiện diện của chất lỏng nước trên Sao Hỏa.

Tàu thăm dò sao Hỏa Global Mars Surveyor. Ảnh: bbsnews.net

- Ngày 6-12-1917 là ngày Quốc khánh Cộng hòa Phần Lan.

 

TUẤN ĐIỆP (tổng hợp theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I; Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011; Báo Nhân Dân; TTXVN).