Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 25-10-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 25-10
Sự kiện trong nước
- Ngày 25-10-1946: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Bàn về địa hình, ký tên Q.T., đăng trên Báo Cứu quốc, số 386. Người dựa theo Binh pháp Tôn Tử nói về địa hình, kết hợp với tình hình thực tế, mà chia ra 6 loại địa hình thường gặp trong tác chiến, phân tích ưu điểm và nhược điểm của từng loại địa hình và đưa ra những chiến thuật chiến đấu trên các địa hình ấy.
Kết luận, Người viết: “Về quân sự đành rằng phải có binh mạnh, tướng giỏi, nhưng không nghiên cứu địa hình một cách tường tận, không thể xuất trận thành công được. Trên mặt trận, biết lợi dụng địa hình, đánh trận không hao tổn công sức mà được thắng lợi dễ dàng... Gặp địa hình nào phải tùy cơ ứng biến để có thể lợi dụng một cách có hiệu quả trong cuộc chiến đấu với quân địch” (theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.474-476).
- Ngày 25-10-1948: Cách mạng Thủy Nguyên quật khởi.
 |
Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bức trướng của thành phố tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thủy Nguyên. Ảnh: thanhphohaiphong.gov.vn
|
Ngày 7-2-1947, địch mở cuộc hành quân đánh chiếm huyện Thủy Nguyên, làm bàn đạp chiếm Quảng Yên và Đường 18, mở thông đường lên phía Bắc với 3 mũi: Mũi một dùng tàu chiến đổ quân lên bến Đoan, cầu Giá, tiến về Núi Đèo; mũi hai dùng tàu chiến đổ quân lên bến Kiền Bái đánh về Trịnh Xá; mũi ba qua phà Bính chia làm hai cánh nhỏ theo đường 10 và đường máng nước lên chiếm Núi Đèo.
Các lực lượng vũ trang của ta đã chặn đánh kịp thời các mũi tiến công của địch. Trận đánh quyết liệt nhất là trận Cầu Sưa, thôn An Lư. Trận Thủy Đường, một tiểu đội tự vệ đã dùng vũ khí thô sơ ngăn chặn hàng trăm quân địch với một tinh thần gan dạ, dũng cảm, còn một người cuối cùng vẫn kiên cường chiến đấu bảo vệ làng xóm.
Tháng 3-1947, Chính phủ quyết định Thủy Nguyên về trực thuộc tỉnh Quảng Yên, cũng từ đó, sự chỉ đạo của cấp trên đối với Thủy Nguyên cả về tư tưởng và tổ chức có những biến đổi lớn.
Đến tháng 1-1948, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phá hội tề”, Tỉnh ủy Quảng Yên đã cụ thể hóa, hướng dẫn các huyện, xã thực hiện chỉ thị của Trung ương. Đêm 24, rạng sáng 25-10-1948, cuộc tổng phá tề chính thức bắt đầu. Ban Chỉ đạo ra lệnh cho bộ đội, dân quân khu kích phối hợp và làm nòng cốt cho nhân dân toàn huyện nổi dạy giải tán các ban tề, tước vũ khí của lính bảo an, bao vây, tiến công đồn địch.
Cuộc tổng phá tề bằng vũ trang kết hợp với quần chúng nổi dậy cùng lúc trong toàn huyện làm cho địch hết sức bất ngờ, hoang mang. Tinh thần kháng chiến của nhân dân Thủy Nguyên trong những ngày tổng phá tề được Báo Cứu Quốc, ngày 6-12-1948 biểu dương: “Tại Hồng Quảng, toàn thể nhân dân Thủy Nguyên đứng lên giết giặc, dân chúng vác cờ đi diễu phố, đàn bà cầm đòn gánh đánh Tây, máng dẫn nước vào thành phố bị phá, hơn 100 binh lính địch đem 100 súng trở về hàng ngũ.
Ngày 25-10-1948 trở thành mốc son lịch sử đánh dấu sự trưởng thành, phát triển vững chắc của phong trào cách mạng Thuỷ Nguyên trong giai đoạn đấu tranh chống thực dân Pháp, góp phần buộc thực dân Pháp phải thi hành hiệp định Geneva, giải phóng thành phố Hải Phòng và giải phóng toàn miền Bắc Việt Nam. Đây cũng là nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ động viên Đảng bộ và nhân dân Thuỷ Nguyên chủ động tự tin trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ Tổ quốc trong suốt chặng đường dài của lịch sử quê hương (theo thanhphohaiphong.gov.vn, Báo Quân đội nhân dân).
- Ngày 25-10-1956: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chính sách hòa bình của Liên Xô lại thắng lợi, bút danh C.B., đăng Báo Nhân Dân, số 964.
Tác giả cho biết: Mặc dù chiến tranh đã chấm dứt, nhưng mối quan hệ giữa Liên Xô và Nhật Bản vẫn chưa được nối lại. Nguyên nhân là do Mỹ đang chiếm đóng Nhật Bản; Nhật Bản vẫn bị Mỹ ép buộc, khống chế.
Do phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Nhật Bản mà Tuyên bố chung Xô - Nhật vừa được ký kết. Bản tuyên bố nêu rõ:
- Chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa Liên Xô và Nhật Bản;
- Lập lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước;
- Giải quyết mọi vấn đề tranh chấp bằng phương pháp hòa bình.
Người kết luận: Thế là một lần nữa chính sách hòa bình của Liên Xô lại thắng chính sách chia rẽ của Mỹ.
- Ngày 25-10-1968: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nghe đồng chí Nguyễn Văn Linh báo cáo về tình hình miền Nam.
- Ngày 25-10-2004: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia. Với tổng vốn đầu tư 4.281 tỷ đồng, Trung tâm Hội nghị quốc gia là một công trình trọng điểm của đất nước, có kiến trúc đẹp, hài hòa, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, vừa hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, vừa mang đậm tính dân tộc. Công trình cũng được đánh giá là một trong 3 trung tâm Hội nghị lớn nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 15-11-2004 và hoàn thành trong thời gian 22 tháng. Đây là nơi tổ chức các đại hội và hội nghị lớn của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, các hội nghị, hội thảo quốc tế, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có ý nghĩa quốc gia và quốc tế (theo Báo Nhân Dân).
 |
Cổng chính của Trung tâm Hội nghị Quốc gia nằm trên Đại lộ Thăng Long (nằm giữa hai địa bàn quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: baotintuc.vn |
- Ngày 25-10-2010: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được công nhận là bệnh viện hạng đặc biệt. Tại Hà Nội, Bộ Y tế trao Quyết định công nhận Bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì những đóng góp trong điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân và thành tựu nghiên cứu y học. Được thành lập ngày 1-4-1951, đến nay, Bệnh viện luôn đứng vào nhóm đầu trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao và đạt được những tiến bộ có tính chất bước ngoặt, nâng cao chất lượng chẩn đoán điều trị, cải thiện chất lượng sống, phục hồi nhanh chức năng và tính thẩm mỹ cho bệnh nhân, có những mũi nhọn hội nhập được với trình độ khu vực (theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam).
Sự kiện quốc tế
- 25-10-1881: Ngày sinh Pablo Picasso
Vào ngày này năm 1881, Pablo Picasso, một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, đã chào đời ở Malaga, Tây Ban Nha. Cha của Picasso là thầy dạy vẽ, và ông đã nuôi dạy con trai mình theo nghiệp nghệ thuật hàn lâm. Picasso đã có triển lãm đầu tiên của mình khi chỉ mới 13 tuổi và sau đó quyết định bỏ học nghệ thuật để có thể tập trung hoàn toàn vào việc thử nghiệm các phong cách nghệ thuật hiện đại.
 |
Họa sĩ Pablo Picasso. Ảnh: maggioregam.com |
Ông đã sáng tạo ra hàng loạt tác phẩm tuyệt vời, thử nghiệm với đồ gốm và vẽ lại biến thể các tác phẩm của nhiều bậc thầy khác trong lịch sử nghệ thuật. Nổi tiếng với ánh nhìn mãnh liệt và tính cách độc đoán, ông trải qua rất nhiều mối tình dữ dội và chồng chéo trong cuộc đời mình. Ông tiếp tục sáng tác nghệ thuật không ngưng nghỉ cho đến khi qua đời vào năm 1973 ở tuổi 91.
- 25-10-1888: Ngày sinh Richard Evelyn Byrd - người đầu tiên bay qua Nam Cực.
Chuẩn đô đốc Richard Evelyn Byrd là một sĩ quan Hải quân Mỹ chuyên thám hiểm địa cực. Ông vốn là phi công thuộc lực lượng Hải quân và ông là người đầu tiên thám hiểm Bắc Cực bằng đường hàng không. Ngoài ra, ông cũng là một trong những người Mỹ đầu tiên đổ bộ lên vùng cực và tổ chức các căn cứ hậu cần ở đây. Với đam mê thám hiểm của mình, ngày 28-11-1929, Richard E. Byrd cùng cơ trưởng Bernt Balchen, phi công Harold Irving June và nhiếp ảnh gia Ashley Chadbourne McKinley đã lái máy bay Ford Trimotor trở thành nhóm người đầu tiên bay qua Nam Cực.
MINH ANH (theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011; thanhphohaiphong.gov.vn; Báo Quân đội nhân dân; Báo Nhân dân; Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; onthisday.com)