Trước đó, sáng 20-11-1946, quân Pháp gây ra xung đột trên bến Tam Kỳ, xả súng bắn vào chiến sĩ và dân thường. Hai ngày sau, giặc Pháp tiến công khắp nơi trong thành phố. Bất chấp sự tiến công ồ ạt của kẻ thù, quân và dân thành phố dựa vào từng ổ đề kháng, tường nhà, góc phố, các chiến sĩ chiến đấu anh dũng, hiệp đồng đánh cả mặt trước, sau lưng, bên sườn quân địch, không cho chúng tiến công, giữ vững trận địa.

leftcenterrightdel

Thành phố Hải Phòng đổ nát sau khi bị pháo trên tàu của giặc Pháp từ ngoài biển tấn công. Ảnh tư liệu. 

Sau khi rút ra khỏi thành phố, các lực lượng vũ trang Hải Phòng đã tổ chức phòng tuyến chốt giữ các cửa ngõ, hình thành vòng đai bao vây địch. Ta phá sập 6 cầu xi măng trên các ngả đường từ nội thành ra và bóc đi 3km đường sắt Hai Phòng đi Hải Dương, đào hào rộng, đắp ụ chiến đấu, chất đầy vật chướng ngại, xây dựng thành những chiến lũy đánh địch... Các đoạn sông Cổ Trai, Kinh Thầy, Giá, và các sông Văn Úc, Lạch Tray, Tam Bạc, Quý Cao, nhiều đoạn được cắm kè đổ đá để ngăn tàu chiến giặc. Quân ta chặn đánh các mũi tiến công thăm dò của địch ra ngoại vi; cảm tử quân nhiều lần đột nhập quấy rối, giết bọn địch đi tuần tiễu; tập kích vào các vị trí chúng đóng quân; phá trại giam cứu dân bị chúng bắt giữ, pháo của ta cũng hai lần nã đạn vào thành phố.

Ngày 16-2-1947, quân Pháp mở cuộc tiến công đánh rộng ra hai bên ven đường số 5 và chiếm huyện lỵ An Dương. Các chiến sĩ cảm tử quân của huyện, tự vệ nội thành (Hải Phòng) cùng với một bộ phận lực lượng chủ lực chặn đánh địch ở nhiều ngả, phục kích tiêu diệt nhiều tên địch cùng một số xe cộ. Địch lùng sục bắt dân đi làm phu sửa đường nhưng đi đến đâu chúng cũng chỉ gặp cảnh vườn không nhà trống, hoang vắng không một bóng người.

leftcenterrightdel
 

Báo Cứu quốc đưa tin quân Pháp gây xung đột ở Hải Phòng ngày 20-11-1946 . Ảnh: Thư viện quốc gia Việt Nam.

Ngày 7-2-1947, địch mở cuộc hành quân đánh chiếm huyện Thủy Nguyên, làm bàn đạp chiếm Quảng Yên và Đường 18, mở thông đường lên phía Bắc với 3 mũi: Mũi một dùng tàu chiến đổ quân lên bến Đoan, cầu Giá, tiến về núi Đèo; mũi hai dùng tàu chiến đổ quân lên bến Kiền Bái đánh về Trịnh Xá; mũi ba qua phà Bính chia làm hai cánh nhỏ theo đường 10 và đường máng nước lên chiếm núi Đèo.

Các lực lượng vũ trang của ta đã chặn đánh kịp thời các mũi tiến công của địch. Trận đánh quyết liệt nhất là trận Cầu Sưa, thôn An Lư. Trận Thủy Đường, một tiểu đội tự vệ đã dùng vũ khí thô sơ ngăn chặn hàng trăm quân địch với một tinh thần gan dạ, dũng cảm, còn một người cuối cùng vẫn kiên cường chiến đấu bảo vệ làng xóm.

Hôm sau, địch tiếp tục mở các cuộc càn quét vào các làng chung quanh vị trí. Đi tới đâu, địch cũng bắn giết trả thù, khủng bố nhân dân khốc liệt: Hơn 60 đồng bào ta ở Mỹ Giang, Trại Kênh và trên 50 đồng bào ở Kiền Bái, Trịnh Xá bị địch mổ bụng, cắt đầu và bắn chết, nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, nhiều nhà cửa bị đốt cháy trơ trụi.

Đêm 20-3-1947, các lực lượng vũ trang liên tỉnh Hải - Kiến đã phối hợp chặt chẽ với cơ sở nội thành tiến hành một cuộc tập kích lớn vào quân địch trong thành phố Hải Phòng. Các chiến sĩ tự vệ huyện Hải An đã đốt cháy một kho bom của giặc ở trường bay Cát Bi, tiếng nổ vang suốt đêm và cả ngày hôm sau. Ta thu được cả đại liên, ba-dô-ca, một số quân trang, quân dụng; phá được một số trại giam cứu hơn 50 người. Trước tình huống này, ngày 23-3-1947, địch đã phải bỏ dở cuộc hành quân ở Đông Triều, Chí Linh, điều cấp tốc cả 7 Tiểu đoàn về giữ thành phố Hải Phòng.

Ngày 25-4-1947, lực lượng quân Pháp gồm 2 trung đoàn bộ binh thuộc địa số 23 và số 2, có sự phối hợp của thủy quân và không quân, được pháo binh yểm trợ chia thành nhiều cánh tiến đánh Đồ Sơn và Kiến An. Lực lượng vũ trang của ta nằm trong vòng vây của địch đã chiến đấu rất dũng cảm, nhưng đến chiều thì ta phải rút về cố thủ tại núi Cột Cờ. Tại đây ta đã tổ chức trận địa phòng ngự, đánh lui nhiều đợt xung phong ào ạt của địch, giữ vững trận địa, khiến địch bị tổn thất nặng nề. Trong chiến đấu, ta đã tiêu diệt 360 tên địch.

Cùng với Cam Lộ, An Lư, Cột Cờ, cuộc tập kích lớn vào sâu trong thành phố cùng những cuộc đánh địch lẻ tẻ liên tục ở mọi nơi, mọi hướng đã thể hiện tinh thần chủ động đánh giặc để phối hợp với các chiến trường, góp phần tiêu hao, tiêu diệt một phần sinh lực địch, bước đầu làm thất bại âm mưu tiến công “chớp nhoáng” của thực dân Pháp, xây dựng được hậu phương kháng chiến cả một vùng nông thôn rộng lớn ở ngoại thành.

Tính cả trong suốt 9 năm kháng chiến, quân và dân Hải Phòng đã chiến đấu 1.372 trận lớn, nhỏ; tiêu diệt và bắt sống gần 30.000 tên địch; bắn rơi 67 máy bay các loại; phá hủy 932 xe cơ giới, 137 toa xe và 19 đầu máy xe lửa; bắn chìm và phá hủy hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh của địch… (Còn nữa)

MẠNH THẮNG (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:

Mở đầu toàn quốc kháng chiến

“Hải Phòng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.