Trước Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp đã nuôi dã tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa. Sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập (2-9-1945), thực dân Pháp đã thỏa thuận với quân Anh, quân Tưởng để thực hiện mục tiêu này. Dù đã rất nỗ lực trên mọi phương diện nhằm tránh chiến tranh, nhưng cuối cùng nhân dân ta buộc phải cầm súng chiến đấu.

Mưu đồ thực dân Pháp

Âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp đã được hoạch định ngay từ khi nước Pháp còn bị phát xít Đức chiếm đóng, nhất là khi quân Đồng minh thắng trận. Ngày 14-3-1945, Charles de Gaulle - lãnh tụ kháng chiến lưu vong đã ra tuyên bố: “Đông Dương sẽ được thành lập theo kiểu liên bang gồm năm xứ (Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cao Miên, Ai Lao), liên bang Đông Dương cùng với nước Pháp xây dựng thành khối liên hiệp Pháp mà quyền đối ngoại sẽ do Pháp đại diện”.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 với đại diện Pháp Sainteny tại số 4 phố Lê Lai (Hà Nội). Ông Hoàng Minh Giám đọc bản hiệp định. Ảnh tư liệu. 

Ngày 22-8-1945, De Gaulle đến Washington hội đàm với Tổng thống Mỹ Truman. Tại đây, Hoa Kỳ chính thức thừa nhận bằng văn bản chủ quyền của Pháp trên đất Đông Dương. Ngày 12-8-1945, thực dân Pháp cho biệt kích nhảy dù, đưa sĩ quan cai trị xuống phía Bắc Việt Nam. Đêm 22-8, máy bay không quân Hoàng gia Anh đã thả một tốp người xuống vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, trong đó có Đại tá Cédille, người được De Gaulle trao chức ủy viên Cộng hoà tại Nam Kỳ. Ngày 24-8-1945, Pháp – Anh ký thỏa hiệp về nguyên tắc và cách thức khôi phục chủ quyền của Pháp tại Đông Dương.

Cuối tháng 8-1945, với danh nghĩa vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch tràn xuống phía bắc vĩ tuyến 16, thực hiện âm mưu chiếm đóng lâu dài. Trong khi đó, cũng với danh nghĩa trên, Sư đoàn 20 quân đội Hoàng gia Anh kéo theo quân Pháp chuẩn bị vào phía nam vĩ tuyến 16, giúp Pháp tái chiếm Đông Dương, lập lại thuộc địa cũ.

Tướng Douglas D.Gracey, Tư lệnh Sư đoàn 20 quân đội Hoàng gia Anh, đã vu cáo ta không giữ được trật tự và lệnh cho quân Nhật đến thay thế. Ngày 4-9-1945, các tiểu đoàn Nhật từ các tỉnh Nam Bộ kéo về Sài Gòn - Chợ Lớn, chúng đòi Ủy ban hành chính địa phương tước khí giới và giải tán các lực lượng vũ trang cách mạng. Ngày 6-9-1945, một đại đội gồm 120 lính Pháp của Trung đoàn thuộc địa số 5 mặc quân phục Anh trà trộn cùng quân Anh đến Sài Gòn. Pháp kiều, trong đó số đông công chức, mật thám cũ, chủ nhà băng, chủ đồn điền... kéo nhau ra đón đoàn quân Pháp mặc quân phục Anh, cuồng nhiệt reo hò “nước Pháp đã trở lại xứ Đông Pháp”. Dựa vào quân Anh, được quân Nhật hỗ trợ và có thêm lực lượng, quân Pháp tiếp tục gây ra hàng loạt vụ khiêu khích. Bọn Trốt-kít, bọn lưu manh thừa cơ tụ tập gây ra những vụ kích động, điển hình như vụ tàn sát người Pháp ở khu Hê-rôn - Tân Định. Lấy cớ đó, bộ tư lệnh Anh ra lệnh cho tổng hành dinh quân Nhật buộc chính quyền ta phải giải tán dân quân, cấm biểu tình, cấm thường dân mang vũ khí, kể cả dao gậy. Quân Nhật được lệnh làm cảnh sát giữ trật tự trong thành phố.

Ngày 10-9-1945, đại diện phái bộ Anh ngang ngược đòi chiếm Nam Bộ phủ (dinh toàn quyền cũ). Liên tiếp từ ngày 11 đến 12-9-1945, Gracey cùng một lữ đoàn thuộc Sư đoàn 20 Hoàng gia Anh và hai đại đội còn lại của tiểu đoàn biệt kích thuộc trung đoàn thuộc địa số 5 của Pháp đổ bộ xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó một tiểu đoàn lính thuộc địa Anh Góc-kha đến Sài Gòn. Gracey cho quân chiếm luôn sân bay Biên Hoà.

Trước tình thế phức tạp, Ủy ban nhân dân Nam Bộ phải nhượng bộ, dời trụ sở của mình về dinh đốc lý, giao Nam Bộ phủ cho quân Anh, bọn phản động gồm Đại Việt và Trốt-kít lại có dịp “kết tội” Chính phủ, tung ra khẩu hiệu đả kích Ủy ban nhân dân và Kỳ bộ Việt Minh thiếu kiên quyết bảo vệ chủ quyền.

Phản bội lời hứa chỉ dùng dinh toàn quyền cũ cho phái bộ Đồng minh, Gracey đã trao ngay Nam Bộ phủ cho Đại tá Cédille của Pháp. Ngày 14-9, Gracey ra thông báo cấm nhân dân mang vũ khí và biểu tình; ban hành  lệnh giới nghiêm ban đêm; đình bản tất cả báo chí ở Nam Bộ. Sau khi nhận chức thống đốc Nam Kỳ, ngày 19-9, Cédille họp báo trắng trợn tuyên bố: “Việt Minh không đại diện cho nhân dân Việt Nam, Việt Minh bất lực, Pháp có nhiệm vụ lập lại trật tự, sau đó sẽ thành lập chính phủ phù hợp với tuyên bố ngày 24-3...”.

Ngày 21-9, Gracey ra lệnh thiết quân luật và thoả thuận với Cédille về việc “lập trật tự ở Sài Gòn”. Hành động đầu tiên sau thoả thuận này là việc kiểm soát khám lớn Sài Gòn. Ngày 22-9, quân Anh lặng lẽ thay thế quân Nhật tiếp quản khám lớn, thả tù binh Pháp. Ngày 22-3, tại trại lính trung đoàn thuộc địa số 11 (11e RIC) bị Nhật chiếm từ đêm 9-3-1945 và làm nơi giam giữ lính Pháp; 1.500 tù binh Pháp khoẻ mạnh được tuyển chọn, phân phát khí giới, biên chế thành đơn vị, toả ra các địa điểm hiểm yếu ở trung tâm thành phố. Số còn lại được giữ tại trại để chờ lệnh. Chiều ngày 22-9, quân Pháp lại lặng lẽ thay thế quân Nhật, chiếm giữ nhiều đồn cảnh sát ở Sài Gòn.

3 giờ ngày 23-9-1945, quân Pháp được quân Anh trợ lực tổ chức đánh úp Sài Gòn mở màn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Hàng loạt mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế chủ yếu của ta trong thành phố bị tiến công: Sở Cảnh sát, nhà Mật thám, Kho bạc, nhà Đèn... Các lực lượng bảo vệ của ta dũng cảm chống trả, nhưng vì lực lượng địch đông gấp bội, các trận địa trên đều lần lượt rơi vào tay địch.

Ngày 5-2-1946, trong cuộc họp báo, tướng Philippe Leclerc tuyên bố: “Công cuộc bình định Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ đã hoàn thành”. Sự thật là, sau 5 tháng (tháng 9-1945 đến tháng 2-1946), quân dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ đã chiến đấu hết sức anh dũng, làm thất bại kế hoạch “lấy Nam Kỳ trong 18 ngày” của Leclerc và gây tổn thất cho địch đến mức độ chỉ huy Pháp phải thừa nhận sau hai tháng số chết, bị thương, ốm đau đã mất một phần ba quân số; quân viễn chinh đã phải đương đầu với một cuộc chiến tranh “kỳ lạ”.

Nỗ lực vì độc lập, tự do

Đoán được âm mưu của thực dân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động tìm mọi biện pháp đối phó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tăng cường các hoạt động ngoại giao để tìm kiếm hòa bình, độc lập, tránh xung đột đổ máu. Tuy nhiên, mọi nỗ lực ngoại giao và sự nhẫn nhịn của ta không đem lại kết quả mong muốn bởi mưu đồ hiếu chiến của thực dân Pháp.

leftcenterrightdel

Phố Tràng Tiền (Hà Nội), trước ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946). Ảnh tư liệu. 

Tại hội kiến giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Sainteny, đại diện Cao ủy Pháp vào ngày 15-10-1945, Chính phủ Pháp yêu cầu Việt Nam thừa nhận việc quân đội Pháp trở lại Bắc Kỳ thay thế quân đội Trung Hoa. Tiếp đó, ngày 25-2-1946, lại có cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Sainteny, Chủ tịch nêu rõ lập trường của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà là “độc lập và hợp tác với Pháp”. Sainteny cũng khẳng định: Chính phủ Pháp sẵn sàng công nhận Việt Nam có quyền có chính phủ, có nghị viện, có quân đội, có tài chính riêng, đồng thời ở trong khối Liên hiệp Pháp. Hai bên đều công nhận: Phải có một không khí bớt căng và hoà hảo thì mới có thể mở cuộc điều đình có kết quả. Vì vậy, điều kiện thứ nhất là khi bắt đầu mở cuộc điều đình chính thức, hai bên phải đình chiến ngay khắp các mặt trận.

Ngày 5-3-1946, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Lành Canh (nay thuộc xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Tây), quyết định hoà hoãn với Pháp. Hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt được ký kết ngày 6-3-1946 nêu rõ: “Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một quốc gia tự do, có chính phủ của mình, tài chính của mình và là một phần tử trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp”.

Sau khi 1.200 quân Pháp được phép đến Hà Nội thay thế quân Tưởng, bất chấp mọi cố gắng đàm phán của Việt Nam, quân Pháp vẫn khiêu khích, phá hoại việc thi hành Hiệp định Sơ bộ. Các hội nghị sau đó đều không kết quả. Ngày 14-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký một bản tạm ước với Pháp sau khi hội nghị Phông-ten-nơ-bơ-lô không thành công.

Tuy đã ký Tạm ước 14-9, nhưng Pháp vẫn ráo riết tấn công về quân sự, hòng bắt ta nhượng bộ nhiều hơn, tiến tới đặt lại tuyến thống trị trên khắp nước ta. Ở miền Bắc, chúng gây ra những vụ khiêu khích xâm phạm chủ quyền. Ngày 20-11, lấy cớ bảo vệ Hoa kiều, thực hiện quan thuế liên bang, thực dân Pháp nổ súng vào bộ đội ta và chiếm đóng ga Hải Phòng. Cùng ngày, quân Pháp ở Lạng Sơn lấy cớ đi tìm xác binh lính Pháp bị Nhật giết, để do thám các vị trí đóng quân của ta, cho xe tăng đi thị uy, dùng binh lính đánh chiếm một số vị trí quân ta. Bị lực lượng vũ trang ta chống lại, chúng nổ súng đánh chiếm nhiều công sở. Mặc dù ta cố gắng dàn xếp, nhưng chúng vẫn không chịu rút quân, còn khủng bố dã man đồng bào ta. Ngày 27-11, Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương ngang ngược đòi ta phá bỏ những vật chướng ngại để quân Pháp được tự do đi lại trên đường Hải Phòng - Đồ Sơn.

Ngày 6-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Quốc hội Pháp, tố cáo các giới thực dân Pháp ở Đông Dương theo đuổi chính sách dùng vũ lực, vi phạm trắng trợn bản Tạm ước 14-9 và yêu cầu Pháp phải rút quân về các vị trí trước ngày 20-11. Cùng ngày, Chính phủ ta cử đại diện gặp Sainteny trao đổi ý kiến. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hội kiến với Sainteny, nhưng những cố gắng của ta để duy trì hòa hoãn, ngăn cản cuộc chiến tranh không được phía Pháp đáp lại. Trái lại, chúng càng lấn tới.

Ngày 17-12, quân Pháp trắng trợn bắn vào trụ sở tự vệ ta, gây ra vụ thảm sát đồng bào hết sức dã man ở phố Yên Ninh và Hàng Bún (Hà Nội). Ngày 18-12, quân Pháp chiếm Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính. Trong ngày 18, Pháp chuyển cho ta hai bức thư, lời lẽ như những tối hậu thư, đòi phá hủy những chướng ngại trên đường phố để quân Pháp tự do đi lại, đòi tự đảm nhiệm việc trị an ở Hà Nội.... Trong thời điểm hết sức căng thẳng này, Đảng ta khẳng định: “Sự thật đã chứng minh rằng: Thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn. Chúng định dùng vũ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu”.

Ngày 18-12-1946, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (nay thuộc thị xã Hà Đông) dưới sự chủ trì của đồng chí Hồ Chí Minh. Hội nghị nhận định, thời kỳ hòa hoãn đã qua và quyết định cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp vào đêm 19-12-1946. Sáng 19-12, Ban Thường vụ Trung ương Đảng gửi các mặt trận khu 1, 2, 3, 4, 11, 12 và Đà Nẵng bức thư điện sau: “Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước vũ khí của quân đội, tự vệ và công an ta. Chính phủ đã bác bức tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong vòng 12 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng, Chỉ thị của Trung ương: “Tất cả hãy sẵn sàng”. (Còn nữa)

MẠNH THẮNG (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:

1. Chiến đấu trong vòng vây

2. Mở đầu toàn quốc kháng chiến

Bài 2: Nam Bộ tiên phong