Ngày 11-10 còn diễn ra nhiều sự kiện đáng chú ý như ngày thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyến phà chạy bằng hơi nước đầu tiên trên thế giới khởi hành, hay nữ phi hành gia người Mỹ đầu tiên đi bộ ngoài không gian. Đặc biệt, trong một bài đăng trên Báo Nhân Dân ngày 11-10-1958, Bác Hồ đã nhắc nhở cán bộ và nhân dân không chủ quan, coi thường sâu bệnh, hạn hán để có vụ mùa thắng lợi.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 11-10
Sự kiện trong nước
Ngày 11-10-1951, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thành lập theo Nghị định của Bộ Quốc gia Giáo dục. Với tiền thân là Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội, được thành lập theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 10 tháng 10 năm 1945, tức là chỉ hơn một tháng sau khi Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiệm vụ đầu tiên của nhà trường là đào tạo giáo viên Văn khoa Trung học. Đến ngày 8-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 194/SL thành lập ngành học Sư phạm, đào tạo giáo viên cho các bậc học cơ bản, trung học phổ thông, trung học chuyên khoa, thực nghiệm và chuyên nghiệp trong toàn quốc. Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành với nhiều lần đổi tên, nhiều thăng trầm cùng lịch sử đất nước, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày nay có 23 khoa, 2 bộ môn trực thuộc, hai trường phổ thông, một trường mầm non và hơn 30 viện, trung tâm nghiên cứu với hơn 800 giảng viên trên tổng số 1.227 cán bộ.
 |
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thành lập vào ngày 11-10-1951. Ảnh: giaoduc.net.vn |
Ngày 11-10-1962, chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên mang tên Phương Đông 1 của Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân, đã bí mật xuất phát từ bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng), chở theo hơn 30 tấn vũ khí vào cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Từ thời điểm đó, tuyến đường vận tải trên biển nối liền hai miền Nam-Bắc chính thức được khai thông, trở thành dấu mốc lịch sử về con đường huyền thoại, Đường Hồ Chí Minh trên biển.
 |
Một trong những chiếc tàu của Đoàn tàu không số vượt đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh tư liệu. |
Tháng 8-1963, Đoàn 759 được giao cho Quân chủng Hải quân phụ trách và trực tiếp đảm đương nhiệm vụ vận chuyển, chi viện đường biển cho các chiến trường miền Nam. Ngày 24-1-1964, Đoàn 759 được phát triển thành Lữ đoàn 125 Hải quân. Từ năm 1961 đến 1975, Lữ đoàn 125 đã huy động được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhu yếu phẩm, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, đồng thời vừa là sự sáng tạo độc đáo, là giá trị nghệ thuật quân sự đặc sắc trong những thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến. Con đường đã trở thành biểu tượng cho ý chí giải phóng dân tộc, khát vọng độc lập tự do, đồng thời là một huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.
Sự kiện quốc tế
Ngày 11-10-1811, Juliana, chiếc phà chạy bằng hơi nước đầu tiên trên thế giới được đưa vào hoạt động bởi nhà phát minh John Stevens. Chuyến phà khởi hành từ thành phố New York đến thành phố Hoboken, Mỹ.
Ngày 11-10-1889, nhà vật lý nổi tiếng người Anh James Prescott Joule qua đời. Ông là người đã dùng thực nghiệm để tìm ra định luật bảo toàn năng lượng. Ông cùng với nhà bác học Nga Lenz cùng lập nên định luật Joule–Lenz, định luật về tính toán lượng nhiệt tỏa ra từ một đoạn dây với dòng điện chạy qua. Tên ông cũng được đặt cho đơn vị công thực hiện là Joule (Ký hiệu là J).
 |
Nhà vật lý James Prescott Joule. Ảnh: The Royal Society |
Ngày 11-10-1984, nữ phi hành gia Kathryn Dwyer Sullivan, thành viên của tàu con thoi Challenger STS-41-G, đã thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian kéo dài 3,5 giờ ở độ cao 225km so với bề mặt Trái đất. Bà trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên đi bộ ngoài không gian.
Theo dấu chân Người
Ngày 11-10-1941, Báo Việt Nam độc lập số 108 đăng bài thơ “Công nhân” của Bác Hồ với lời kêu gọi:
“Thợ thuyền ta phải đứng ra,
Trước ta cứu nước, sau ta cứu mình.
Cùng nhau vào hội Việt Minh,
Ra tay tranh đấu hy sinh mới là.
Bao giờ khôi phục nước nhà,
Của ta ta giữ, công ta ta làm.”
Ngày 11-10-1945, Hồ Chủ tịch dự lễ xuất phát “Ngày tiễu trừ giặc đói” tại Nhà hát lớn Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia của tướng Mỹ Gallagher, đại diện cao cấp nhất của quân Đồng minh tại Hà Nội.
Ngày 11-10-1946, Báo Cứu quốc số 372 tiếp tục công bố loạt bài về “Binh pháp Tôn Tử” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhan đề “Chiến tranh tư tưởng”. Trong bài, Người chỉ rõ: “Chiến tranh ngày nay không riêng gì về mặt quân sự, mà cả về chính trị, kinh tế, văn hóa nữa. Chiến tranh về mặt văn hóa hay tư tưởng so với những mặt khác cũng không kém quan trọng…”.
 |
Bài viết "Chiến tranh tư tưởng" trên Báo Cứu quốc số ra ngày 11-10-1946. Nguồn: Thư viện quốc gia |
Ngày 11-10-1958, nói chuyện tại Hội nghị nữ thanh niên Thủ đô lần thứ nhất, Bác nhấn mạnh: “Nữ thanh niên cần phải gương mẫu, làm đầu tàu, ra sức thi đua với nam giới. Trong vấn đề luyến ái nên chính đáng, trong sạch, chớ mơ mộng, ảnh hưởng không tốt đến công tác, học tập. Cần chống các tập quán cũ như tảo hôn, cưới xin xa xỉ".
(Theo “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử”, NXB Chính trị quốc gia, 2009)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Trong bài viết “Phải thi đua chống hạn, diệt sâu, để nắm chắc vụ mùa thắng lợi” với bút danh Trần Lực, đăng trên Báo Nhân Dân số 1672, ngày 11-10-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra một số điểm hạn chế của công tác diệt sâu, chống hạn, bảo vệ mùa màng. Bài viết có đoạn:
“Khuyết điểm nặng nhất của cán bộ và nhân dân là chủ quan. Thấy lúa tốt thì ít săn sóc. Đến khi sâu nhiều thì lại ngại khó”.
“Cán bộ tỉnh, huyện, xã cần phải ra sức động viên nhân dân tích cực chống hạn và diệt sâu triệt để và kịp thời, để nắm chắc vụ mùa thắng lợi”.
(Theo “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)
Khi đó, ngành nông nghiệp đứng trước nhiều thách thức, hạn hán, sâu bệnh, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất tại nhiều địa phương trên cả nước. Qua nghe báo cáo và thực tế kiểm tra, Bác nhận thấy nhân dân và các cán bộ thấy lúa tốt thì ít săn sóc, thấy sâu nhiều thì ngại khó. Cho rằng đấy là một sự chủ quan hết sức nguy hiểm, Người đã viết bài để kịp thời nhắc nhở, phê bình và chấn chỉnh cán bộ và nhân dân không được chủ quan coi thường sâu bệnh, hạn hán để có được vụ mùa thắng lợi.
 |
Bác Hồ thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Lập, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây ngày 8-7-1958. Ảnh: www.hochiminh.vn |
Đã hơn 60 năm trôi qua, lời dặn dò của Bác hôm nào vẫn còn giữ nguyên giá trị và tính thời sự. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta đã chứng kiến không ít cán bộ, đảng viên mắc căn bệnh chủ quan, duy ý chí, dẫn đến đề ra các chủ trương, quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành cơ quan, đơn vị một cách máy móc, xa rời thực tiễn, thậm chí thờ ơ với tâm tư, nguyện vọng của cấp dưới, của quần chúng nhân dân… Không chỉ vậy, căn bệnh này còn khiến người cán bộ, đảng viên dễ rơi vào việc tuyệt đối hóa vai trò cá nhân, áp đặt, quy chụp, làm mất dân chủ ở cơ sở, lạm dụng chức quyền, coi thường kỷ cương phép nước. Thực tế đã có những trường hợp cán bộ, đảng viên, thậm chí là những người nắm giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan, ban ngành, đã mắc khuyết điểm lớn vì căn bệnh chủ quan. Gần đây nhất là trường hợp một vị giám đốc của công ty xây dựng tại Hà Nội bị đình chỉ chức vụ do vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19. Khi mà cả nước đang căng mình chống dịch, vị giám đốc này đã cùng vợ đi lễ, đi họp, liên hoan, tiếp khách, chơi golf... tại nhiều địa điểm, khiến dịch bệnh lây lan cho nhiều người, làm phức tạp thêm nhiệm vụ chống dịch của thủ đô.
Để học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải thường xuyên rèn luyện cho mình phương pháp, tác phong công tác khoa học, thiết thực và hiệu quả, để từ đó không mắc vào căn bệnh chủ quan, duy ý chí. Mặt khác, phải đề cao ý thức tự chủ, phát huy tốt dân chủ, thực hiện tốt quyền dân chủ của quần chúng nhân dân. Đề cao dân chủ sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên chống được căn bệnh gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, phát huy tốt tính tích cực, năng động, sáng tạo của quần chúng nhân dân và trí tuệ của tập thể trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Ngày 11-10-1969, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3014 đăng bức ảnh “Hồ Chủ tịch thăm triển lãm của ngành xe quân đội (1961)”.
Cũng trong số báo ra ngày 11-10-1969, Báo Quân đội nhân dân đăng bài ghi chép “Bác Hồ với các chiến sĩ lái xe” ở trang 3, thuật lại lời kể của các cán bộ, chiến sĩ về chuyến thăm của Bác đến những đại đội xe đầu tiên của quân đội ta vào ngày 28-3-1951.
 |
Dấu ấn của Bác trên số Báo Quân đội nhân dân ra ngày 11-10-1969. |
Tại buổi trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ lái xe, Bác nói đến tầm quan trọng của công tác vận tải trong nhiệm vụ phục vụ bộ đội chiến đấu. Bác đã căn dặn: “Hiện nay nước ta chưa sản xuất được xe. Xăng cũng vậy, có rất ít. Kháng chiến còn dài, chiến dịch ngày một mở rộng, yêu cầu vận chuyển ngày càng cao. Vì vậy, các chú phải giữ gìn xe, tiết kiệm xăng để phục vụ bộ đội. Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”.
Lời dạy đó đã trở thành phương châm chỉ đạo, khẩu hiệu hành động trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của ngành Xe - Máy quân đội từ khi thành lập đến nay. Hiện nay, trước sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ nói chung và khoa học công nghệ quân sự nói riêng, quân đội ta đã tự sản xuất được xe, xăng. Song lời dạy của Bác với ngành Xe - Máy vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được học tập, làm theo, phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.
TRUNG THÀNH