Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 9-10

Sự kiện trong nước

9-10-1947: Ngày sinh của Nguyễn Thành Trung, phi công của ta cài vào hàng ngũ địch, người đã sử dụng chiếc máy bay F5E ném 4 quả bom xuống Dinh Độc Lập sáng 8-4-1975.

Sau khi ném bom Dinh Độc Lập, phi công Nguyễn Thành Trung đã lái máy bay F5E hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long. Nguồn: SGGP 

9-10-1983: Tại Hà Nội đã khai mạc Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ nhất. Đây là đại hội thể dục thể thao cả nước, lớn nhất, đầu tiên của học sinh nước ta.

(Sách Ngày này năm xưa, Nhà xuất bản Lao động, 1998)

Sự kiện quốc tế

9-10-1874: Tổng Liên minh Bưu chính, nay là Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) được thành lập theo Hiệp ước Bern với mục đích thống nhất các dịch vụ và luật lệ bưu chính, cho phép trao đổi bưu phẩm quốc tế tự do. 9-10 được chọn là ngày Bưu chính thế giới để nâng cao nhận thức về bưu chính viễn thông và vinh danh những người đóng góp cho sự nghiệp bưu chính viễn thông. Việt Nam là thành viên của Liên minh Bưu chính thế giới từ năm 1951.

9-10-1921: Diễn ra cuộc họp đầu tiên của Hội Liên hiệp thuộc địa tại Paris. Hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng với một số bạn chiến đấu người Algeria, Tunisia, Marroco... sáng lập. Mục đích của Hội là giải phóng các dân tộc thuộc địa. Cơ quan tuyên truyền của Hội là tờ báo le Paria (Người cùng khổ). Sự ra đời của Hội là một sự kiện chính trị quan trọng đối với các dân tộc bị áp bức. Hội chỉ hoạt động đến năm 1926 nhưng đã góp phần vào việc xây dựng tình đoàn kết giữa nhân dân các nước thuộc địa.

Che Guevara được tôn vinh là anh hùng du kích. Nguồn: Tehrantimes

9-10-1967: Sau khi bị bắt giữ vào ngày hôm trước, nhà lãnh đạo quân du kích Che Guevara bị quân đội chính phủ Bolivia hành quyết. Che Guevara sinh năm 1928 ở Argentina. Che Guevara sớm bộc lộ khí chất táo bạo và quả cảm của một nghệ sĩ khao khát tự do, giải phóng cho dân tộc bị áp bức. Che Guevara đã sát cánh cùng Fidel Castro tiến hành cuộc cách mạng Cuba. Hoài bão của ông thể hiện trong câu nói nổi tiếng: “Tiến hành kháng chiến đến thắng lợi ở tất cả các nước đang còn nằm dưới ách thống trị của đế quốc, sao cho mỗi nước châu Mỹ Latinh là một Việt Nam”. Che Guevara được tôn vinh là anh hùng du kích.

(Sách Ngày này năm xưa, Nhà xuất bản Lao động, 1998)

Theo dấu chân Người

Ngày 9-10-1924, bài báo “Hành hình kiểu Linsơ” ký tên Nguyễn Ái Quốc đăng trên nhật báo “Dieweltribune” và sau đó được đăng lại trên Tập san “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản. Đưa ra những con số thống kê người da đen chịu một hình phạt rất hà khắc của những kẻ phân biệt chủng tộc ở Mỹ, bài báo lên án: “Hành hình kiểu Linsơ thật đáng chiếm một vị trí vinh dự trong bộ sưu tập toàn bộ những tội ác của nền “văn minh” Mỹ”.

Ngày 9-10-1952, Báo Nhân Dân đăng bài “Gương mẫu dân vận, Nguyễn Văn M”. Bác biểu dương tấm gương một du kích xã có thành tích chiến đấu, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến và kết luận: “Cán bộ, đảng viên ta ở vùng sau lưng địch ai cũng làm như thế thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng”.

Người đi thăm bà con nông dân tỉnh Bắc Kạn đang thu hoạch lúa mùa năm 1950. Ảnh: hochiminh.vn 

Ngày 9-10-1966, Bác viết bài “Phải kiên quyết tiêu diệt giặc hạn” đăng trên Báo Nhân Dân chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các ngành và địa phương phải có kế hoạch chống hạn, bảo vệ mùa màng... và động viên “Thêm một gàu nước mát sẽ là thêm một bát cơm vàng”.

Ngày 9-10-1968, bài viết “Cần phải chăm sóc trâu bò trong vụ rét sắp tới” của Bác đăng trên Báo Nhân Dân nhấn mạnh: “Việc chăm sóc tốt trâu bò là nhiệm vụ chung của cả hợp tác xã... Đó cũng là một cách thiết thực của đồng bào nông dân ở hậu phương tham gia sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 9-10-1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Công nhân thành Hoàng Diệu do ông Trần Danh Tuyên dẫn đầu đến yết kiến. Người đã trả lời các vấn đề về tổ chức trong công nhân, vấn đề đối nội, đối ngoại của Nhà nước ta trước sự tấn công của thù trong giặc ngoài. Về đối ngoại, Người chỉ rõ: Chúng ta phải hết sức khôn khéo, đứng trước bất kỳ kẻ thù nào, người cách mạng cũng phải hiểu rõ chúng là ai; mạnh yếu chỗ nào, tranh thủ và cô lập ai?...

(Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Tập 3, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2006)

Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây ở Bangalo (Ấn Độ) trong chuyến thăm Ấn Độ, ngày 11-2-1958. (Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao) 

Dựa vào lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta, cùng với trí tuệ, tư duy sắc bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì thực hiện quan điểm “thêm bạn, bớt thù” trong mọi suy nghĩ và hành động. Bài học ấy một lần nữa được phát huy, góp phần cô lập kẻ thù, đồng thời tận dụng sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới trong cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Đảng ta từng nhận định “với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ càng có nhiều khả năng giữ vững độc lập và xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa hơn”. Tại Đại hội VII (1991), Việt Nam đã khẳng định chủ trương đối ngoại: Việt Nam muốn là bạn, là đối tác với các nước trên thế giới và mở rộng, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại. Từ dần dần phá vỡ thế bao vây cô lập, Việt Nam đã phát triển rộng rãi quan hệ đối ngoại với các nước. Việt Nam đã lần lượt bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991, với Mỹ năm 1995, thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, khu vực và các nước quan trọng trên thế giới và gia nhập ASEAN năm 1995.

 

Không chỉ xây dựng được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả các nước lớn, Việt Nam còn thiết lập quan hệ với 17/20 thành viên G-20, toàn bộ các nước ASEAN. Việt Nam chủ động đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 FTA thế thệ mới là Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và ký Hiệp định RCEP.

Thực tế sinh động diễn ra trong những năm gần đây đã minh chứng cho tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhờ độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế và không tham gia liên minh với nước này để chống nước kia mà chúng ta có điều kiện thuận lợi để giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển, mở rộng quan hệ với các nước, vai trò, vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế ngày được gia tăng. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên mọi ngõ ngách của thế giới, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và một số nước không những không giảm mà còn tăng lên.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Báo cáo cũng đưa ra định hướng hoạt động đối ngoại, đó là: “Đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương”, “coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng”, “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác quan trọng khác”. Bên cạnh tăng cường các quan hệ song phương và đa phương, Đảng cũng nhận định phải “kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước”, đồng thời “tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, không để bị động, bất ngờ”.

Các nữ bác sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 lên đường sang nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ngày 15-10-2018. Ảnh: TTXVN

Ngoại giao cùng quốc phòng - an ninh đã góp phần hiệu quả vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn xác định rõ kẻ thù, đánh giá đúng ưu điểm, thế mạnh của địch để kìm chế, phát hiện khuyết điểm, sơ hở của địch để khoét sâu, đánh hiểm; phát huy sức mạnh của ta, kết hợp giữa đánh với đàm, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, hạn chế thấp nhất thương vong cho bộ đội và nhân dân.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 đã khẳng định bản chất hòa bình và phòng vệ của nền quốc phòng Việt Nam thông qua việc nêu rõ quan điểm nhất quán là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Những năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tăng cường đối ngoại quân sự song phương và đa phương; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, kết nghĩa đúng với tinh thần “thêm bạn, bớt thù” để góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-10-1969 đăng bức ảnh “Hồ Chủ tịch thăm một đơn vị thông tin vô tuyến điện” kèm câu “Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng; ra sức học tập thêm nghiệp vụ, kỹ thuật, bảo đảm công tác thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” trích trong “Thư Hồ Chủ tịch gửi cán bộ và chiến sĩ bộ đội thông tin liên lạc, ngày 28-1-1969”.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-10-1969, 9-10-2013, và 9-10-2017 

Trang hai Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-10-2013 đăng bức ảnh tư liệu “Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra bộ đội Sư đoàn 308 diễn tập năm 1957”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-10-2017 đăng bức ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Chiến hạm Rạng Đông ở Leningrad, tháng 8-1957” kèm bài “Cách mạng Tháng Mười Nga với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

 

MAI HƯƠNG