Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 10-10
Sự kiện trong nước
10-10-1427: Chiến thắng Chi Lăng (Lạng Sơn) - dấu son trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Trong ngày này, toàn bộ đội quân tiên phong của địch lọt vào trận địa mai phục và đã bị tiêu diệt gọn. Chiến thắng Chi Lăng đã tiêu diệt hoàn toàn 10 vạn quân tiếp viện của nhà Minh. Đây là một chiến công oanh liệt, triệt để, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
10-10-1911: Ngày sinh nhà ngoại giao tài ba Lê Đức Thọ. Tên tuổi đồng chí Lê Đức Thọ gắn liền với cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ở Paris, kết thúc với việc ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
 |
Giáo sư Từ Giấy và vợ, chụp năm 2000. Ảnh: qdnd.vn |
10-10-1921: Ngày sinh cố Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Từ Giấy - nhà Vệ sinh học quân sự đầu tiên của ngành Quân y Việt Nam. Công tác tại Cục Quân y, ông được giao làm báo Vui sống - tờ báo hướng dẫn bộ đội và nhân dân cách ăn ở vệ sinh, đề phòng bệnh tật. Ông từng viết bức thư ngỏ gửi quan tư thầy thuốc Pháp đăng trên báo Quân đội Nhân dân về bí quyết “3 tốt trong hành quân” (ăn tốt, ngủ tốt, đi tốt) và “Mệnh lệnh bảo vệ sức khỏe” gồm 11 điều trong chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao về công tác vệ sinh, phòng dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam nhìn từ góc độ y tế. GS Từ Giấy được Tạp chí Những vấn đề dinh dưỡng lâm sàng châu Á-Thái Bình Dương bình chọn là “Nhà dinh dưỡng xuất sắc nhất châu Á” năm 1993; là “Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng” do Ủy ban Dinh dưỡng Liên hợp quốc trao tặng và được tôn vinh là một trong 20 huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới tại Hội nghị quốc tế về dinh dưỡng năm 2009.
10-10-1942: Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cho xuất bản tờ Cờ giải phóng, tờ báo do Tổng bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách.
16 giờ 30 phút ngày 9-10-1954, những lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội. Sáng 10-10, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn Quân Tiên Phong-Sư đoàn 308 chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân tiến vào Hà Nội trong rừng cờ hoa của 20 vạn người dân hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến. Từ đây, Thủ đô sạch bóng quân thù. Hà Nội bước sang một trang mới trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
 |
Sáng 10-10-1954, các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên Phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. Nguồn: Tư liệu TTXVN |
10-10-1979: Việt Nam là thành viên chính thức của Liên minh Viễn thông châu Á - Thái Bình Dương.
10-10-2010: Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trải qua 1000 năm với bao thăng trầm của Thủ đô và đất nước, Thăng Long - Hà Nội luôn là hình tượng tiêu biểu nhất cho “khí phách cha ông, hồn thiêng sông núi” vẫn luôn vững vàng, hiên ngang, xứng đáng là kinh đô của các vương triều; là Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Sự kiện quốc tế
10-10-1911: Cách mạng Tân Hợi bắt đầu với Khởi nghĩa Vũ Xương, dẫn đến sự sụp đổ của nhà Thanh ở Trung Quốc.
10-10-1964: Khai mạc Thế vận hội Mùa hè 1964 tại Tokyo, Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới diễn ra tại châu Á. Sự kiện này thu hút sự góp mặt của 5.151 vận động viên đến từ 93 quốc gia, tham gia thi đấu tại 163 nội dung. Năm 1964 là lần đầu tiên một thế vận hội được phát sóng trên toàn thế giới, thông qua vệ tinh địa tĩnh đầu tiên được sử dụng cho mục đích thương mại. Nhiều hình ảnh của sự kiện thể thao này đã được đưa vào bộ phim tài liệu "Tokyo Olympiad" của đạo diễn Kon Ichikawa. Đây cũng là bộ phim về thế vận hội hay nhất từng được thực hiện.
 |
Khai mạc Thế vận hội Mùa hè 1964. Ảnh: Getty Images |
10-10-1970: Fiji, một đảo quốc nằm ở phía Nam Thái Bình Dương giành độc lập sau gần nửa thế kỷ là thuộc địa của Anh.
10-10-1982: Maximilian Kolbe, linh mục tình nguyện chết thay cho người khác tại Trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan, được Giáo hội Công giáo Rôma phong thánh.
Theo dấu chân Người
Ngày 10-10-1923, Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân: “Nông dân trong các thuộc địa của Pháp bị hai tầng bóc lột: vừa như những người vô sản, vừa như những người bị mất nước... Thưa các đồng chí, khi các đồng chí được tổ chức lại, các đồng chí cần phải nêu gương cho chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi, dang rộng cánh tay anh em đón chúng tôi để chúng tôi cũng có thể bước vào gia đình vô sản quốc tế”.
Ngày 10-10-1929, Toà án Nam triều tại Vinh ra phán quyết về việc xét xử Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên, trong đó quyết định sẽ xét xử sau khi bị bắt, Nguyễn Ái Quốc tức Nguyễn Tất Thành Toà án tỉnh kết án “tử hình” còn Cơ mật viện là “khổ sai chung thân”.
 |
Hồ Chủ tịch thăm lớp học của công nhân nhà máy ô tô 1-5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội (1963). Ảnh: hochiminh.vn |
Ngày 10-10-1942, bị Quốc dân đảng Trung Hoa giải từ Tĩnh Tây sang Thiên Bảo, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã làm bài thơ chữ Hán “Song thập nhật giải vóng Thiên Bảo” (Ngày Quốc khánh 10-10 bị giải đi Thiên Bảo).
Ngày 10-10-1947, báo “Vệ quốc quân” đưa tin Bác đến dự bế mạc lớp bổ túc cán bộ quân sự trung cấp và căn dặn: “Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: Trí-Tín-Nhân-Dũng-Liêm”. Ngoài ra phải biết tự phê bình và phê bình, phải thật thà đoàn kết và biết giữ kỷ luật.
Ngày 10-10-1954, Bác ra “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng”: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng không xiết kể!... Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân...”.
 |
Nhân dân Pác Bó - Hà Quảng đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm (20-02-1961). Ảnh: hochiminh.vn |
Ngày 10-10-1959, nói chuyện tại Hội nghị dự thảo “Luật hôn nhân và gia đình”, Bác tâm sự: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ... Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người... Mong các cụ các chú cố gắng, bền gan, hiểu rõ và làm tốt. Nhất là phải thận trọng vì luật này quan hệ đến tương lai của gia đình, của xã hội, của giống nòi”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010 )
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Là nơi đăng cai nhiều sự kiện quốc tế lớn và là một trong 5 thành phố trên thế giới được UNESCO trao giải thưởng “Thành phố vì hòa bình”, Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành “điểm đến” khiến “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”. Ba chữ “Thủ đô ta” chứa đựng biết bao tình cảm sâu nặng, gần gũi và sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hà Nội.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô. Ảnh: hochiminh.vn |
Trong bài “Giữ gìn trật tự-An ninh” đăng trên Báo Nhân dân, số 236, từ ngày 9 đến 10-10 năm 1954, với bút danh “C.B”, Bác Hồ viết: “Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
(Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 9, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, tr78)
Trong tiến trình lịch sử của mình, Hà Nội đã vinh dự được nhiều lần đón Bác. Mùa thu lịch sử năm 1945, Hà Nội lần đầu tiên đón Bác Hồ về đọc Tuyên ngôn độc lập sau ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. 9 năm sau đó, trong mùa thu lịch sử năm 1954, Hà Nội đón Bác Hồ về Thủ đô sau ngày giải phóng.
Kể từ năm 1965 đến năm 1975, Hà Nội đã tiến hành 29 đợt tuyển quân, động viên hơn 8,6 vạn thanh niên, quân dự bị bổ sung cho các quân, binh chủng và trực tiếp chi viện cho các chiến trường. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, quân và dân Hà Nội đã anh dũng bắn rơi 258 chiếc trong tổng số 3.243 máy bay Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc. Đáng chú ý là, cuối năm 1972, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã lập nên chiến thắng vang dội “Điện Biên phủ trên không”, đập tan âm mưu hòng đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá của đế quốc Mỹ, góp phần buộc chúng phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
 |
Chiến sĩ đại đội 3 đoàn X pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô mưu trí, dũng cảm, nổ súng kịp thời, chính xác bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Hà Nội- trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, thực sự là điểm tựa tinh thần cho quân và dân cả nước.
Hà Nội cũng là nơi tổ chức rất nhiều sự kiện quốc tế nổi bật, là tâm điểm chú ý của toàn thế giới. Đặc biệt, hai thập kỷ sau khi được UNESCO vinh danh là 'Thành phố vì hòa bình', năm 2019, Hà Nội trở thành nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, bàn về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đóng góp cho hòa bình khu vực và thế giới.
Hà Nội đang đổi mới từng ngày với nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại; quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương đô thị có chuyển biến tích cực. Với phương châm là bạn, là đối tác tin cậy, Hà Nội hiện có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước trên thế giới.
 |
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”. Ảnh: VOV |
Thủ đô của đất nước hình chữ S cũng đang phấn đấu văn minh hiện đại trên nền truyền thống ngàn năm văn hiến. Hà Nội đặt mục tiêu trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực năm 2025; đến năm 2030 trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 10-10-1952 đăng nguyên văn Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cán bộ và chiến sĩ ngày 1-10-1952:
"Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Các chú phải đánh cho thắng. Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sĩ, đều phải:
- Quyết tâm chiến đấu, triệt để chấp hành mệnh lệnh.
- Bền bỉ, dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn.
- Thương dân, trọng dân, và tốt với dân.
- Tiêu diệt thật nhiều địch, giành cho được toàn thắng.
Bác chờ tin thắng lợi của các chú để khen thưởng các chú.
Chào thân ái và quyết thắng
Ngày mồng 1 tháng 10 năm 1952
Ho Chi Minh”
 |
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân số 59, 2013 và 13800 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 10-10-1969 đăng bức ảnh “Bác Hồ với chiến sĩ hải quân (1959)”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 10-10-1999 đăng bức ảnh “Được gặp Bác Hồ - niềm vui lớn của chiến sĩ Vũ Đình Ý”. Ngày 16-1-1951, Vũ Đình Ý đã dũng cảm chiến đấu, lập công xuất sắc ở trận núi Đanh (Vĩnh Yên). Trong trận này, anh đã bị thương và để lại một chân trái ở chiến trường. Sau chiến công ấy, anh được gặp Bác Hồ, được Bác khen và tặng thưởng.
MAI HƯƠNG