Để giữ vững thành quả chống dịch và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, tại hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý III và 9 tháng đầu năm 2021 của UBND TP Hà Nội diễn ra ngày 1-10, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu các cấp, ngành phải nỗ lực tập trung cao độ thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kép; thực hiện hiệu quả, kiên định các giải pháp quyết liệt phòng dịch.
Càng khó khăn, càng phải nỗ lực vượt qua
9 tháng đầu năm năm 2021, trước diễn biến nguy hiểm của biến chủng Delta, TP Hà Nội đã trải qua 2 giai đoạn phòng, chống dịch cam go, đan xen nhiều khó khăn, thách thức, phát sinh nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Từ ngày 24-7 đến nay, toàn thành phố phải trải qua 4 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; tình hình sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực bị tác động tiêu cực, nhiều hoạt động bị đình trệ, ảnh hưởng cuộc sống sinh kế của người dân,...
Với nguyên tắc “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba”, quyết tâm thực hiện "mục tiêu, nhiệm vụ kép"; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung nỗ lực thực hiện các biện pháp phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân”, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các bộ, ngành, với quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chung sức chống dịch của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân Thủ đô, TP Hà Nội đang từng bước chủ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời kiểm soát các tình huống dịch bệnh; được Trung ương và dư luận nhân dân tin tưởng, đánh giá cao, tạo cơ sở nền tảng quan trọng để thành phố chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn dịch bệnh; phục hồi sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cuộc sống, sinh kế của người dân.
 |
Kể cả trong thời gian giãn cách, TP Hà Nội đã có nhiều mô hình hay để duy trì sản xuất - kinh doanh ở các địa phương. |
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, Đỗ Anh Tuấn cho biết, quý III/2021, khi thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội để tập trung công tác phòng, chống dịch, tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, trong đó, có nhiều chỉ tiêu tháng 9 tuy tăng so với tháng 8 nhưng giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2021 giảm 7,02% so với cùng kỳ năm 2020, nhất là khu vực dịch vụ và các ngành công nghiệp, xây dựng; tính chung 9 tháng tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 9 tháng ước đạt hơn 176.000 tỷ đồng, đạt 75,0% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán thành phố giao), bằng 105,4% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương 9 tháng ước đạt 46.338 tỷ đồng, đạt 42,7% dự toán, bằng 95,5% so với cùng kỳ. Một số lĩnh vực vẫn gặp nhiều khó khăn như văn hóa, thương mại du lịch, khách sạn; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 kéo dài thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; thu hút FDI đạt thấp…
Tuy nhiên, một số ngành kinh tế duy trì tăng trưởng như: Tài chính, ngân hàng tăng 8,68% so với cùng kỳ năm trước; thông tin và truyền thông tăng 6,34%; khoa học công nghệ tăng 5,54%; giáo dục và đào tạo tăng 4,26%; thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Riêng y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 9 tháng tăng 28,13% nhờ việc Trung ương và TP Hà Nội đẩy mạnh hoạt động khám, chữa bệnh, hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 và tập trung nguồn lực mua vaccine. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, tháng 9 giảm 0,6% so với tháng 8; bình quân 9 tháng tăng 1,54%, thấp hơn cùng kỳ 2020. Sản xuất nông nghiệp thuận lợi. Chăn nuôi tăng trưởng khá so với cùng kỳ, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn trâu tăng 13%, đàn bò tăng 6,7%; đàn lợn tăng 13,64%.
Thành phố đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố đảm bảo an toàn tuyệt đối trong bối cảnh dịch Covid-19, được HĐND Thành phố thông qua 16 nghị quyết quan trọng. An sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động như “Chương trình Hà Nội chung tay hành động đẩy lùi dịch Covid-19”; Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; các chương trình tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống Covid-19 của doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân.
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép năm 2021
Trước nguy cơ dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống, thích ứng an toàn với dịch bệnh vừa tập trung triển khai các nhiệm vụ phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021, khối lượng công việc còn rất nặng nề, khó khăn, nhiều thách thức. Chính vì thế, các cấp, các ngành, chính quyền các cấp chính quyền Thủ đô cần tập trung quyết tâm cao độ bằng những hành động và việc làm cụ thể.
 |
Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh chỉ đạo các giải pháp tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong hội nghị trực tuyến ngày 1-10. Ảnh: Phú Khánh. |
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới đó là giữ vững thành quả chống dịch, xử lý dứt điểm các ca bệnh mới. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, đứng đầu là đồng chí cấp trưởng đơn vị phải quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch; tuyệt đối không được có tâm lý thỏa mãn, coi nhẹ dịch bệnh khi có dấu hiệu lắng xuống; luôn giữ tinh thần quyết tâm chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh trong mọi tình huống; thường xuyên giao ban, rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế để có giải pháp tốt hơn; phải đặt mục tiêu an toàn là trên hết; tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch bệnh phải cao hơn tiêu chí chung của cả nước.
Đồng chí Chu Ngọc Anh giao Sở Y tế bám sát chủ trương của Chính phủ, đề xuất kế hoạch hoạt động của thành phố chuyển trạng thái từ “không Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó, có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp. Trong công tác phòng, chống dịch, kiên định thực hiện theo hướng phong tỏa hẹp nhất có thể; phòng, chống dịch dựa trên 4 trụ cột: “Cách ly, xét nghiệm, điều trị và ý thức của nhân dân”. Trong lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng chính sách thống nhất từ trên xuống dưới, nhưng khi tổ chức thực hiện linh hoạt, căn cứ tình hình cụ thể, và phải có kiểm soát; thần tốc truy vết, khoanh vùng, xử lý dứt điểm các ca bệnh mới phát sinh trên địa bàn.
Cùng với việc tập trung cho công tác phòng, chống dịch, để bảo đảm hoàn thành tiến độ thực hiện các mục tiêu, kế hoạch, chương trình công tác lớn của thành phố từ nay đến cuối năm, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, quận, huyện, thị xã phải coi công tác giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kiên định mục tiêu: Phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch năm 2021; tăng tốc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, phấn đấu thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất; phát huy hết dư địa các khoản thu, khai thác hiệu quả nguồn thu ngân sách, nhất là khoản thu từ khu vực sản xuất kinh doanh.
“Các cấp, ngành thành phố phải đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thành phố ở mức cao nhất trong quý IV và cả năm 2021, làm tiền đề thúc đẩy tăng trưởng năm 2022 và những năm tiếp theo, góp phần hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng mà Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII đã đề ra”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
 |
Với việc từng bước khống chế dịch bệnh, TP Hà Nội quyết tâm hoàn thành mục tiêu kép đã đề ra trong năm 2021. |
Để làm đạt được các mục tiêu trên, ngay từ những ngày đầu tháng 10, các đơn vị phải bắt tay ngay vào việc: Xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương quản lý; xây dựng tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn dịch bệnh trong ngành, lĩnh vực phụ trách; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, kinh doanh; tổ chức các hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, các địa phương cần thúc đẩy phát triển 5 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh: Thương mại, dịch vụ; sản xuất công nghiệp, chế biến; công nghiệp xây dựng; du lịch; vận tải và ngành nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, kêu gọi đầu tư hạ tầng và đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, phấn đấu khởi công thực hiện đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp đã có đủ thủ tục; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, tiết kiệm chi phí, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến…
Bài, ảnh: NGỌC HUY