Hội thảo đã nhận được 15 ý kiến tham luận của các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội.

Nhìn chung, các ý kiến tham luận tại hội thảo đều tập trung nhấn mạnh việc biên soạn Quyển Quốc phòng phải tuân thủ chặt chẽ những quy tắc, thể lệ, cách thức biên soạn chung của bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam; cung cấp cho độc giả những kiến thức cơ bản về quốc phòng Việt Nam và thế giới trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, quân sự.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự phát biểu tại hội thảo. 

Đồng thời, thể hiện nét đặc trưng của tri thức quốc phòng Việt Nam, phản ánh những tri thức về công cuộc dựng nước, giữ nước của các thế hệ cha ông người Việt Nam và kiến thức quốc phòng, quân sự của thế giới, góp phần nâng cao trình độ dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nội dung của cuốn sách Quốc phòng còn phải mang tính chuẩn mực, tính hệ thống, tính đại chúng, nhưng phải bảo đảm bí mật quân sự; đáp ứng nhu cầu của độc giả là người Việt Nam có kiến thức nhất định về quốc phòng, quân sự; người nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu về quốc phòng Việt Nam…

Hội thảo cũng tập trung vào thảo luận các nội dung chính, như: Quy mô, phạm vi, tính chất, đối tượng phục vụ của quyển Quốc phòng; đặc biệt là cơ sở và tiêu chí lựa chọn mục từ của các phân ngành trong quyển Quốc phòng. Từ đó giúp Ban Biên soạn có đầy đủ cơ sở khoa học để xây dựng tiêu chí lựa chọn mục từ của các lĩnh vực tri thức, đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, khoa học và phù hợp với cơ cấu các ngành, các lĩnh vực của Quốc phòng, làm tiền đề để tiến hành biên soạn quyển Quốc phòng thành công.

Việc biên soạn quyển Quốc phòng phải thể hiện đúng quan điểm, đường lối về quốc phòng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng quốc phòng Hồ Chí Minh, truyền thống và bản sắc quân sự, quốc phòng của dân tộc Việt Nam; đồng thời kế thừa tinh hoa quân sự, quốc phòng của thế giới, phản ánh tri thức quốc phòng của thời đại. Nội dung của quyển Quốc phòng phải có tính khoa học và hiện đại, thiết thực, dễ hiểu và hấp dẫn; phù hợp quy cách từ điển học của công trình bách khoa toàn thư.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham gia hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng nhấn mạnh: Việc biên soạn quyển Quốc phòng trong bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam là vấn đề hết sức cần thiết, góp phần truyền thụ những kinh nghiệm và tri thức quốc phòng, bao gồm hệ thống những thông tin phản ánh kinh nghiệm từ nhiều thế kỷ về công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, các chính sách quốc phòng, tiềm lực quốc phòng, thế trận quốc phòng; phản ánh những kinh nghiệm về xây dựng và sử dụng lực lượng vũ trang, lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự, vũ khí và kỹ thuật quân sự, sự phát triển khoa học- công nghệ quân sự; các vấn đề về hình thức, phương pháp tác chiến ở các quy mô chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, các loại hình bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, chỉ huy bộ đội và điều khiển các phương tiện chiến đấu, nhân vật quân sự, các danh tướng của Việt Nam và thế giới… Ngoài ra, quyển Quốc phòng còn cung cấp cho độc giả những thông tin về chính trị, kinh tế, địa lý, luật pháp… có liên quan tới các hoạt động quân sự, quốc phòng.

Theo dự kiến, quyển Quốc phòng sẽ có số thứ tự 29 trong tổng số 36 quyển của bộ sách Bách khoa toàn thư Việt Nam. Quyển sách này có dung lượng khoảng 1.200-1.400 mục từ, với số trang in dự kiến 1.000-1.100 trang. Cơ cấu các loại mục từ bao gồm: Mục từ ngắn (dưới 350 chữ) chiếm 30%; mục từ trung bình (350-2000 chữ) chiếm 50%; mục từ dài và cực dài (2.000-10.000 chữ) chiếm 15%; mục từ chuyển chú chiếm 5%; mục từ trong nước 80-85%; ngoài nước 15-20%.

Trong đó quyển Quốc phòng sẽ bao gồm 8 lĩnh vực tri thức chính: Tri thức quốc phòng chung (dự kiến chiếm 18% dung lượng mục từ); nghệ thuật quân sự (dự kiến chiếm 16% dung lượng mục từ); tổ chức lực lượng vũ trang (dự kiến chiếm 14% mục từ); lịch sử chiến tranh và nhân vật (dự kiến chiếm 15% mục từ); quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực (dự kiến chiếm 13% dung lượng mục từ); kỹ thuật quân sự và công nghệ (dự kiến chiếm 12% dung lượng mục từ); hậu cần, y-dược học quân sự (dự kiến chiếm 5% dung lượng mục từ); khoa học xã hội và nhân văn quân sự (dự kiến chiếm 7% dung lượng mục từ).

Tin, ảnh: CHU ANH