Để ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19, ngày 23-8-2021, TP Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm ngặt giãn cách theo Chỉ thị số 15 và Công điện số 1102 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ” trong mặt trận phòng, chống dịch. Việc triển khai điều trị cấp cứu F0 tại nhà được đặt ra khẩn thiết hơn bao giờ hết. Mô hình trạm y tế lưu động ra đời trong bối cảnh cam go, cấp thiết này. Đây là mô hình kết hợp quân dân y vô cùng linh hoạt, sáng tạo giữa Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và lực lượng quân y tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh tham gia chống dịch.

Theo kế hoạch, các trường học, nhà văn hóa, trụ sở ủy ban... tại các xã, phường, thị trấn được trưng dụng để triển khai các trạm y tế lưu động. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cùng với trung tâm y tế các quận, huyện bảo đảm thuốc, trang thiết bị, bình oxy mini, giường cấp cứu. Cục Quân y bổ sung thêm một số phương tiện như máy đo độ bão hòa oxy, kính, mask thở oxy, khẩu trang hoạt lực cao, kính chắn giọt bắn, quần áo bảo hộ PPE, các túi thuốc cấp cứu và thuốc nâng cao thể trạng bệnh nhân.

Về lực lượng, Cục Quân y đã tham mưu với Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần, Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch, điều gấp lực lượng quân y trong toàn quân triển khai thành các tổ quân y cơ động biên chế cho các trạm y tế lưu động tại 322 xã, phường, thị trấn của 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

leftcenterrightdel
Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tặng quà Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Tây Ninh (tháng 8-2021). Ảnh nhân vật cung cấp

Với phương châm “chống dịch như chống giặc” và quyết tâm triển khai nhanh nhất, sớm nhất, hiệu quả nhất để kịp thời cứu chữa bệnh nhân Covid-19, tôi lúc đó với nhiệm vụ được giao là Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy Quân y tiền phương khu vực phía Nam. Chúng tôi có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về công tác chỉ huy, điều hành chuyên môn toàn bộ 12 bệnh viện truyền nhiễm dã chiến điều trị Covid-19 của Quân đội, các cơ sở xét nghiệm, các xe xét nghiệm lưu động, nắm kết quả hoạt động, vị trí triển khai từng tổ quân y cơ động tại từng phường, xã, thị trấn...

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao, tôi cùng các đồng chí trong Sở chỉ huy Quân y tiền phương đã tham mưu với cấp trên nhanh chóng thành lập 660 tổ quân y cơ động biên chế cho các trạm y tế lưu động, trong đó điều 485 tổ quân y cho các trạm y tế lưu động tại TP Hồ Chí Minh, số còn lại triển khai tại hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.

leftcenterrightdel

Đại tá, TS Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y (hàng trên, bên phải) ký kết thỏa thuận khung về hợp tác Quân y Việt Nam - Pháp, tháng 7-2022. Ảnh: HUY ĐẠI

Nhiệm vụ của tổ quân y cơ động được giao rất rõ ràng, đó là chăm sóc, tư vấn điều trị F0 tại nhà theo phác đồ hướng dẫn của Cục Quân y và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh với các túi thuốc A, B, C; theo dõi chặt chẽ, thường xuyên, chuyển tầng điều trị kịp thời bệnh nhân khi có diễn biến nặng. Tổ còn có nhiệm vụ  tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm bằng test nhanh, xử lý các bệnh lý thông thường khác cho nhân dân khu vực mình phụ trách.

Trung bình mỗi tổ phụ trách khoảng 200-300 F0, trong đó khoảng 40-60 F0 phải thăm khám theo dõi tại nhà hằng ngày. Số còn lại sẽ tư vấn qua số điện thoại hotline ở từng trạm. Triển khai các tổ quân y cơ động chính là để thực hiện vừa giãn cách xã hội triệt để nhưng vẫn bảo đảm chăm sóc sức khỏe tại chỗ, nhanh nhất, sớm nhất cho nhân dân. Rất nhiều bệnh nhân nặng đã được cứu sống thần kỳ nhờ mô hình hiệu quả này.

Một trong những ca tôi còn nhớ rõ đến tận bây giờ, đó là khoảng gần 12 giờ đêm 25-8-2021, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ một người phụ nữ với đề nghị khẩn thiết hãy cứu giúp đứa cháu ruột của chị đang khó thở rất nặng nhưng không sao liên hệ được với y tế phường.

Lúc này, các trạm quân y cơ động mới triển khai, củng cố và đi vào hoạt động được 2-3 ngày, nên nhiều người dân vẫn chưa biết số điện thoại hotline của trạm. May mắn thay, bằng cách nào đó, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh lại biết được số điện thoại của tôi. Qua đó tôi biết được Tổ trưởng trạm quân y cơ động, nơi có bệnh nhân cần cấp cứu là Trung tá, bác sĩ Tống Xuân Thủy, học viên lớp CK2 (Học viện Quân y). Rất may đúng lúc đó bác sĩ Thủy cùng với một điều dưỡng vừa trở về trạm sau khi cấp cứu một bệnh nhân Covid-19. Nhận được điện của tôi, bác sĩ Thủy chỉ kịp thay quần áo bảo hộ, chuẩn bị bình oxy, thuốc cấp cứu... lập tức lên đường trong lúc trời vẫn đang mưa.

leftcenterrightdel

Đại tá, TS Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y thăm khám bệnh, tặng quà, cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân cao tuổi thuộc tỉnh biên giới Kratié (Campuchia), tháng 5-2022. Ảnh: HUY ĐẠI

Nhờ có tình nguyện viên dẫn đường, khoảng 0 giờ 20 phút sáng 26-8, kíp cấp cứu đã có mặt tại nhà bệnh nhân Phan Quốc Thắng, 23 tuổi, con chị Trần Thị Tuyết Nga, ngụ tại số nhà 391/6 Nguyễn Trọng Tuyền, phường 2, quận Tân Bình. Lúc này, bệnh nhân Thắng đang trong tình trạng khó thở, suy hô hấp nặng, da niêm mạc tím tái, thở hổn hển, độ bão hòa oxy xuống thấp đáng báo động, huyết áp tụt. Bệnh nhân được nhanh chóng cho thở oxy qua mask với nồng độ cao, dùng thuốc giãn phế quản, truyền dịch bù nước điện giải. Test nhanh Covid-19 (dương tính).

Qua báo cáo, xác định đây là ca bệnh nặng, có chỉ định chuyển vào khu điều trị tập trung, tôi đã chỉ đạo anh em liên hệ xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115, đồng thời sẵn sàng tình huống sử dụng xe cấp cứu của Bệnh viện Truyền nhiễm dã chiến 5A và Trung tâm Điều trị Covid-19 nặng (Bệnh viện Quân y 175). Sau hơn một giờ cấp cứu tại chỗ, tình trạng bệnh nhân Thắng ổn định hơn, có thể vận chuyển được và bệnh nhân đã được chuyển an toàn đến cơ sở điều trị cách ly của quận bằng xe cấp cứu chuyên dụng. Sau 3 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân Thắng khỏe mạnh và ra viện.

leftcenterrightdel

Đại tá, TS Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y thăm khám bệnh, tặng quà, cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân cao tuổi thuộc tỉnh biên giới Kratié (Campuchia), tháng 5-2022. Ảnh: HUY ĐẠI

Thời điểm ấy, tôi biết rõ rằng, biến chủng Delta là biến chủng rất nguy hiểm, lây lan nhanh, độc tính cao gấp nhiều lần biến chủng Alpha. Đặc biệt biến chủng Delta gây tỷ lệ đông đặc phổi và viêm phổi cao, nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh vì suy hô hấp. Nhiều tổ quân y cơ động dù chỉ được trang bị quần áo bảo hộ PPE cấp 2, khẩu trang y tế thông thường nhưng vẫn tận tụy quên mình, không quản nắng mưa và nguy cơ lây nhiễm Covid-19, sẵn sàng đến tận nhà cấp cứu bệnh nhân.

Và còn rất, rất nhiều hình ảnh đẹp đẽ của hơn 10.000 bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng ngành quân y đã làm được cho bệnh nhân khi tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đó là mệnh lệnh từ trái tim của những người thầy thuốc trong “cuộc chiến sinh tử”, không quản hy sinh, gian khổ xung phong vào tâm dịch để giành lại sự sống cho nhân dân.

THÁI KIÊN (theo lời kể của Đại tá, TS Nguyễn Vân Giang, Nguyên Phó cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.